Trung Quốc sẽ khởi động hệ thống thanh toán quốc tế riêng

Doanh nghiệp 20/04/2015 14:08

Tháng 9 hoặc tháng 10-2015, Trung Quốc sẽ khởi động “Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc”.


Mỹ kiểm soát Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nên TQ lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Biếm họa của PARESH NATH, báo The Khaleej Times (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất).

Mỹ kiểm soát Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nên TQ lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Biếm họa của PARESH NATH, báo The Khaleej Times (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất).

Các công ty châu Âu đang giảm thanh toán bằng nhân dân tệ Trung Quốc (TQ). Báo Les Échos (Pháp) ngày 17-4 ghi nhận đây là cú hãm phanh đầu tiên trong tiến trình quốc tế hóa nhân dân tệ TQ.

Tìm giá trị mới cho nhân dân tệ

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen đã tiến hành khảo sát 1.610doanh nghiệp (DN) có làm ăn với TQ. 17% trong số này đã thanh toán bằng nhân dân tệ so với 22% cách đây một năm.

Ở châu Á, 52% DN Hong Kong hay 38% DN Đài Loan được hỏi có thanh toán bằng nhân dân tệ. Còn ở châu Âu, trong quý I-2015, chỉ 10% DN Pháp được hỏi thanh toán bằng nhân dân tệ so với 26% trong năm 2014. Nguyên nhân do đồng euro có giá hơn nhân dân tệ.

Dù vậy, TQ vẫn tiếp tục chiến lược quốc tế hóa nhân dân tệ. Hồi tháng 3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân TQ Dịch Cương thông báo TQ đã trao đổi với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để đưa nhân dân tệ vào giỏ các tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt.

Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là tiền tệ dự trữ quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế bao gồm bốn loại tiền euro, bảng Anh, yen Nhật và đôla Mỹ.

Ngân hàng Deutsche Bank đánh giá có 40% khả năng nhân dân tệ sẽ trở thành tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt vào tháng 10-2015. Deutsche Bank cho rằng sự kiện TQ kêu gọi thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á đã cho thấy TQ mong muốn giữ vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính quốc tế.

Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC, đến năm 2017 nhân dân tệ sẽ trở thành loại tiền tệ có thể chuyển đổi hoàn toàn và đến năm 2025, nhân dân tệ sẽ trở thành một trong năm ngoại tệ dự trữ hàng đầu, chiếm 10% dự trữ ngoại tệ trong các ngân hàng trung ương.

Lập hệ thống thanh toán riêng

Để xúc tiến thanh toán rộng rãi bằng nhân dân tệ, TQ đã chuẩn bị sẵn sàng một hệ thống thanh toán quốc tế riêng mang tên “Hệ thống thanh toán quốc tế TQ” (CIPS). Hệ thống này sẽ được khởi động vào tháng 9 hoặc tháng 10-2015.

“Hệ thống thanh toán quốc tế TQ” nhắm đến nhiều mục đích: Quốc tế hóa nhân dân tệ và tăng cường sử dụng nhân dân tệ trên toàn cầu bằng cách giảm chi phí và thời gian giao dịch; đưa nhân dân tệ lên hàng bình đẳng với các loại tiền tệ mạnh khác như đôla Mỹ.

Trước nay các nước sử dụng “Hệ thống giao dịch tài chính liên ngân hàng quốc tế” (SWIFT). Việt Nam cũng đã gia nhập SWIFT vào tháng 3-1995. Khi một ngân hàng hay một vùng lãnh thổ bị loại khỏi hệ thống SWIFT thì mọi giao dịch ngân hàng đều bị chặn.

Ví dụ từ năm 2012, khoảng 30 ngân hàng Iran đã bị loại khỏi hệ thống SWIFT do lệnh cấm vận của Mỹ về chương trình hạt nhân Iran. Như vậy Iran có bán dầu thô thì các khoản thanh toán tiền mua dầu đều bị phong tỏa. Nga cũng đã bị phương Tây dọa sẽ loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga.

Lệnh phong tỏa khỏi hệ thống SWIFT như thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu nên các nước BRICS (Nga, TQ, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil) tìm cách thoát vòng kềm tỏa bằng cách nhất trí thanh toán với nhau bằng nội tệ.

Nhân dân tệ không đạt tiêu chuẩn

Trang web Business Insider dẫn lời nhà kinh tế Mỹ Wolf Richter nhận định một khi nhân dân tệ TQ được quốc tế hóa thì ảnh hưởng của Mỹ sẽ suy giảm.

Ông ghi nhận Mỹ khó kìm hãm ý đồ quốc tế hóa nhân dân tệ vì nhiều nước đã chấp thuận thanh toán thương mại bằng nhân dân tệ. Hiện nay các ngân hàng đối lưu bằng nhân dân tệ đã hoạt động ở 15 TP trên thế giới, trong đó có Los Angeles ở Mỹ.

TQ cũng đã ký hiệp định trao đổi nhân dân tệ với các ngân hàng trung ương của 20 nước, trong đó có hai đồng minh của Mỹ là Anh và Úc.

Nhà kinh tế Wolf Richter nhận định đây là các bước đi ngắn nhưng nằm trong khuôn khổ quốc tế hóa nhân dân tệ một cách chậm rãi, có hệ thống, liên tục nhằm hủy diệt sức mạnh đồng USD và ảnh hưởng của Mỹ.

Ông kết luận: “TQ sẽ tiến hành một bước đi mới để trở thành đối thủ cạnh tranh về kinh tế, tài chính và chính trị với Mỹ”.

Vì lẽ đó, hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã tuyên bố Mỹ từ chối xem nhân dân tệ như giỏ ngoại tệ dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Cần phải tự do hóa và cải cách hơn nữa để nhân dân tệ đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết”.

Hãng tin Sputnik (Nga) ghi nhận qua tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, Mỹ đã mở một mặt trận mới trong cuộc chiến tiền tệ với TQ vào thời điểm TQ đang xúc tiến thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á.

Hãng tin Reuters đưa tin 20 ngân hàng đã được TQ lựa chọn tham gia “Hệ thống thanh toán quốc tế TQ” gồm 13 ngân hàng TQ và bảy ngân hàng là chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động ở TQ.

Hồi tháng 10-2014, Nga, Belarus và Kazakhstan đã thông báo nhất trí lập hệ thống thông tin liên ngân hàng tương tự hệ thống SWIFT trong khuôn khổ liên minh hải quan ba nước. Nga dự kiến sẽ khởi động dự án vào tháng 5 tới.

Ý kiến của bạn

Bình luận