Thiết bị siêu thanh WU-14. (Ảnh đồ họa) |
Theo đánh giá tình báo gần đây, các quan chức Mỹ cho biết hai thử nghiệm tên lửa đạn đạo DF-17 diễn ra ngày 1/11 và 15/11, trong đó thử nghiệm ngày 1/11 là thử nghiệm tên lửa đạn đạo đầu tiên kể từ sau Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc vào tháng 10/2017.
Thử nghiệm ngày 1/11 là thử nghiệm tên lửa có thiết bị siêu thanh đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống có thể đưa vào tác chiến. Ngay cả Mỹ và Nga dù nỗ lực cải thiện công nghệ lướt siêu thanh nhưng chưa có nước nào thực hiện được các thử nghiệm tương tự.
Vũ khí siêu thanh HGV (Hypersonic Glide Vehicles) trong thử nghiệm ngày 1/11 được thiết kế đặc biệt cho tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17. Tên lửa đáp xuống chỉ cách mục tiêu định trước vài mét và được dự định đưa vào hoạt động năm 2020.
Ưu điểm của các vũ khí HGV là chúng có thể an toàn hơn trước các hệ thống phòng thủ tên lửa. Với khả năng vận chuyển đầu đạn ở tốc độ cao, HGV có thể vượt qua những hệ thống đánh chặn tên lửa không có đủ thời gian vô hiệu nó trước khi đầu đạn chạm đến mục tiêu.
“Sự kết hợp của tốc độ cao, tính cơ động và độ cao tương đối thấp khiến HGV trở thành mục tiêu đầy thách thức của các hệ thống phòng thủ tên lửa", báo cáo của Trung tâm tình báo hàng không và không gian Quốc gia Mỹ công bố tháng 6/2017 cho biết.
HGV bay nhanh hơn Mach 5 (343 m/s, 5 lần tốc độ âm thanh) và phần lớn thời gian bay ở tầm thấp hơn so với một tên lửa đạn đạo điển hình.
Giám đốc cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ James Syring cho biết, dù các thiết bị siêu thanh xuất hiện từ Thế chiến II, song hạn chế công nghệ khiến những hệ thống này phải đến bây giờ mới có thể ứng dụng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.