Trung Quốc vực dậy nền kinh tế biển bằng chính sách phát triển đội tàu

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 27/09/2017 06:40

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, ngành đóng tàu của Trung Quốc cũng đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dư âm sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu đóng mới. Đối mặt với những khoản lỗ chồng lỗ liên tục của các hãng tàu lớn, Trung Quốc đã làm gì để cứu vớt nền vận tải biển đang gặp sóng gió?

1
CSCL Globe của Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc (CSCL) là chiếc đầu tiên trong 5 tàu cùng loại mà hãng này đặt mua để chuyên chở container khắp thế giới. CSCL Globe bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2014 với khả năng chở tối đa 19.100 container

Vận tải biển rơi vào khủng hoảng

Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền vận tải biển phát triển hàng đầu thế giới. Theo thống kê của Bộ GTVT Trung Quốc, tính đến năm 2014 Trung Quốc có hơn 240 doanh nghiệp ngành Hàng hải, tổng quy mô năng lực vận chuyển của đội tàu vận tải biển là 142 triệu tấn, chiếm khoảng 8% thị phần tổng năng lực vận chuyển ngành Hàng hải thế giới, đứng thứ 4 toàn cầu. Ngoài ra, đã có 30 cảng biển có khối lượng xuất nhập hàng đạt trên trăm triệu tấn, có 22 cảng biển có khối lượng xuất nhập container đạt hơn một triệu chiếc container. Trong đó, China Cosco Holdings được thành lập năm 1961, là tập đoàn vận tải biển lớn nhất Trung Quốc, đồng thời cũng thuộc top 10 tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng những nước có đội tàu container lớn nhất thế giới của AXS-Alphaliner, Trung Quốc xếp thứ 6.

Tuy nhiên kể từ năm 2010 tới nay, các công ty vận tải biển ở Trung Quốc luôn rơi vào tình trạng thua lỗ. 3 năm trở lại đây, nhiều công ty đứng trước nguy cơ phá sản. Các hãng vận tải lớn lần lượt báo lỗ hoặc lãi không đáng kể trong 3 năm liên tiếp. Toàn bộ 41 hãng vận tải biển ở Hà Bắc và 55 công ty ở Sơn Đông đều thua lỗ trong năm 2013. Ngay cả China Cosco Holdings cũng báo lỗ hơn 1,5 tỷ USD trong năm 2012. China Shipping Development - công ty vận tải biển lớn thứ hai Trung Quốc trong báo cáo quý I/2013 đã báo lỗ tới 490 triệu NDT nên phải tìm cách ngừng nhận tàu. Nguyên nhân được cho là do thị trường vận tải biển Trung Quốc suy giảm và chi phí nhiên liệu tăng cao.

Tăng cường hỗ trợ ngành đóng tàu

Trước tình hình đó, Trung Quốc đã mạnh tay hợp nhất, sáp nhập nhiều tập đoàn vận tải để tạo “cú hích” mới sau những trì trệ, xuống dốc nhiều năm nay, nổi bật là vụ sáp nhập hai tập đoàn thua lỗ nặng là CSCL - Cosmo cùng hai tập đoàn vận tải - logistics Nhà nước lớn nhất Trung Quốc là China Merchants Group và Sinotrans & CSC Holdings Co.

Nhằm thu hút đơn hàng từ các chủ tàu cho các nhà máy đóng tàu Trung Quốc, đặc biệt là khi các tổ chức tín dụng châu Âu đồng loạt rút khỏi thị trường, các ngân hàng lớn của nước này đã tích cực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách mở cửa cho tất cả các đối tác trên thế giới đóng tàu tại Trung Quốc trong thời gian khủng hoảng bằng việc tăng tỷ lệ vốn vay cho tất cả các chủ tàu trên thế giới đặt đóng tàu tại Trung Quốc. Tính đến hết tháng 5/2013, tổng số tiền cho vay hỗ trợ cho ngành đóng tàu là 13 tỷ USD và con số này còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Hai ngân hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc đã ký hợp đồng đồng tài trợ cho Công ty Cho thuê Tài chính Minsheng Financial Leasing (Trung Quốc) vay 295 triệu USD để đóng 3 tàu container cỡ cực lớn tại xưởng đóng tàu Daewoo (Hàn Quốc), rồi cho hãng container đứng thứ hai thế giới Mediterranean Shipping Co. (MSC) thuê dài hạn trong thời gian 17 năm.

Khuyến khích phá dỡ tàu cũ và đóng tàu mới

Trung Quốc tìm cách nâng cao chất lượng đội tàu bằng các chính sách khuyến khích phá dỡ tàu cũ và đóng tàu mới. Cụ thể, hãng vận tải lớn của Trung Quốc - China Shipping Container Lines (CSCL) đã nhận được khoản hỗ trợ 77,7 triệu NDT (1,2 triệu USD) của Bộ Tài chính Trung Quốc sau khi xử lý 7 tàu cũ từ giữa tháng 01/2013 đến tháng 4/2014. Các cơ quan khác như Bộ GTVT, Ủy ban Cải cách và phát triển, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cũng hỗ trợ chương trình phá dỡ tàu cũ này.

Chính sách phá dỡ tàu cũ cho phép các hãng tàu nhận 750 NDT (120 USD)/GT để phá dỡ tàu cũ mang cờ Trung Quốc tại các nhà máy đóng tàu trong nước đến năm 2015. Khoản trợ cấp này được tăng gấp đôi nếu các hãng tàu đặt đóng tàu mới có trọng tải không nhỏ hơn tàu đã phá dỡ. Các nhà khai thác tàu nhận được một nửa số tiền từ việc phá dỡ và sẽ nhận được nửa còn lại sau khi đặt đóng mới.

Bắt đầu từ năm 2013, Trung Quốc đã ban hành và gấp rút triển khai một loạt chính sách ưu đãi thuế, tài chính tín dụng, nghiên cứu phát triển đối với một số nhà máy đóng tàu chủ chốt nhằm đưa các nhà máy này thoát khỏi nguy cơ phá sản, bao gồm: Tăng tín dụng cho vay để phát triển một số loại tàu chuyên dụng như tàu chở dầu, tàu chở hóa chất với máy chính có vòng tua thấp; đẩy mạnh rào cản chống xâm nhập thị trường đóng tàu, khuyến khích quá trình mua bán hợp nhất giữa các doanh nghiệp để tối ưu hóa hệ thống cơ sở hạ tầng vốn có. Các chính sách này được áp dụng khác nhau tùy thuộc vào từng dự án cụ thể. Một trong những giải pháp có bước đột phá cho ngành vận tải biển là nới lỏng quy định đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tàu mang cờ nước ngoài không được phép kinh doanh vận tải biển nội địa.

Có thể thấy, Chính phủ Trung Quốc đang rất mạnh dạn hỗ trợ các hãng vận tải biển nhằm đạt mục tiêu đưa ngành vận tải biển vươn lên vị trí dẫn đầu

Ý kiến của bạn

Bình luận