Truông Bồn - Biểu tượng của lòng quả cảm

Tác giả: Minh Trí

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 26/07/2015 06:40

Lịch sử đấu tranh của dân tộc là hành trang để các thế hệ sau tiếp bước, tri ân quá khứ chính là xây đắp tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn và đây cũng là truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam.

toan canh truong bon
Toàn cảnh khu di tích Truông Bồn

Đại đội TNXP 317 là đơn vị chủ lực nên được điều động đi làm nhiệm vụ ở nhiều tuyến đường. Sau hơn 3 năm phục vụ ở các trọng điểm giao thông quan trọng, đầu năm 1967, họ được lệnh chuyển đến “tọa độ lửa” Truông Bồn. Đơn vị đã chọn cử 14 chiến sĩ làm nhiệm vụ trực chiến 24/24h để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu vị trí bom nổ chậm để phá bom, san lấp hố bom bảo đảm mặt đường. Họ thường thức trắng đêm với chiếc áo trắng làm “cọc tiêu sống” dẫn hàng ngàn chuyến xe chở hàng vào Nam vượt qua trọng điểm an toàn… Đêm 30 rạng sáng ngày 31/10/1968, Đại đội 317 được giao làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông cho đoàn xe quân sự vượt Truông Bồn vào Nam. Ông Nguyễn Tâm Cớn, một cựu TNXP của Đại đội 317, nay là Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Yên Thành, nguyên là Tổ trưởng Tổ phá bom của Đại đội 317 nghẹn ngào chia sẻ: “Trước cái đêm định mệnh ngày 31/10/1968 (ngày hôm sau là tuyên bố của Tổng thống Mỹ về ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc có hiệu lực) anh em bảo nhau cố làm nốt buổi để gọi là “tạm biệt cuốc xẻng”. Đến 6h 10 phút sáng, trận bom đã vùi lấp cả tiểu đội… Chính ông đã cùng các đồng đội khác đào bới để tìm đồng đội, duy nhất chỉ có Trần Thị Thông còn sống, nhưng bị sức ép làm cho bất tỉnh, còn lại 13 đồng đội đã mãi mãi ra đi ở tuổi mười tám đôi mươi".

CẢ NƯỚC HƯỚNG VỀ TRUÔNG BỒN

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đang đổi thay từng ngày, “vết thương trên da thịt đã lành”, song vết tích của nó vẫn còn đó ở mảnh đất được ví là rốn bom - mảnh đất Nghệ An đầy nắng và những cơn gió phơn như muốn làm khô héo thịt da. Các anh các chị TNXP năm xưa đã ngã xuống hòa vào đất mẹ để lại cho những thế hệ trẻ hôm nay sự tiếc thương vô hạn, đức hi sinh to lớn “sống bám đường bám cầu, chết kiên cường dũng cảm” đã trở thành lẽ sống để thế hệ hôm nay tiếp tục viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc nói chung và của ngành GTVT nói riêng.

Truông Bồn ngày trước chứng kiến sự quả cảm của các anh các chị và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta với sự mưu trí và lòng quả cảm “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc” giữ cho mạnh máu giao thông thông suốt chi viện cho tiền tuyến. Hôm nay, Truông Bồn vẫn nằm bên tuyến QL15A, nơi yên nghỉ của 13 anh hùng liệt sỹ đã hòa vào đất mẹ và đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm của cả dân tộc “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” để làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước.

IMG_4545 (1)
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm khu di tích Truông Bồn

Di tích Truông Bồn như là một tượng đài tiêu biểu trong rất nhiều tượng đài như đường Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc nói lên sự hi sinh, đóng góp của ngành GTVT cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày 27/7/2012, nhân Kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã viết thư gửi toàn thể cán bộ, công nhân viên chức ngành GTVT, bức thư có đoạn “Tôi chọn Ngày Kỷ niệm Thương binh liệt sĩ để viết thư này gửi tới toàn thể anh chị em. Trong tình cảm của mỗi người dân Việt Nam, hôm nay là ngày nhớ ơn, ngày tưởng niệm, ngày thể hiện cụ thể sự cao quý của truyền thống uống nước nhớ nguồn đối với những người đã anh dũng hy sinh vì đất nước. Nhưng hôm nay cũng còn là ngày đặc biệt của ngành GTVT mà mỗi chúng ta có vinh hạnh được là thành viên…".

Sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Đinh La Thăng, đã có hàng trăm doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và hàng vạn cán bộ, công nhân viên chức ngành GTVT, bà con kiều bào hưởng ứng đóng góp tiền của xây dựng Khu di tích. Truông Bồn hôm nay, không chỉ là nơi tưởng niệm của 13 anh hùng liệt sỹ, mà còn là nơi hội tụ của hơn 1 ngàn liệt sỹ đã sống kiên cường và hy sinh anh dũng nơi mảnh đất này.

VIẾT TIẾP BẢN ANH HÙNG CA TRUÔNG BỒN

Dự án Bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 1591/QĐ.UBND-CNXD ngày 19/4/2010, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 4761/QĐ.UBND-ĐTXD ngày 17/10/2013 với tổng mức đầu tư là 366 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân đóng góp bằng tiền, hiện vật và ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết, ngay sau khi công trình được khởi công xây dựng, chúng tôi đã bắt tay ngay, triển khai các hạng mục với quyết tâm cao nhất, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Đây là công trình mang nhiều ý nghĩa không chỉ đối với lực lượng TNXP mà còn là cả ngành GTVT Nghệ An, đồng thời cũng là một địa chỉ du lịch tâm linh khi du khách đến với mảnh đất này.

Đến nay, chúng tôi đang hoàn thiện các hạng mục tại Khu trung tâm với tổng diện tích 19,98ha như khu tưởng niệm, hồ điều hòa, đài tưởng niệm, nhà trưng bày, sân quảng trường, bãi đỗ xe phía Bắc, phía Nam, nhà dịch vụ, nhà quản lý dự án; nhà bán hàng lưu niệm, nhà trưng bày… Khu tưởng niệm chiến thắng đã hoàn thành, tất cả đã sẵn sàng cho đại lễ khánh thành.

Ông Kỳ chia sẻ, đối với hạng mục Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, đây là công trình điêu khắc nghệ thuật được khắc họa mang tính tưởng niệm sự hy sinh anh dũng, ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm, xả thân vì mục đích cao cả của Tổ quốc. Hình ảnh của đài tưởng niệm vừa mang tính tôn vinh những người anh hùng đã ngã xuống vừa khắc họa được sự bi tráng, hào hùng của sự hy sinh Truông Bồn. Đài tưởng niệm Liệt sỹ Truông Bồn được xây dựng trên mặt bằng có diện tích: 4791m2, kích thước 70m x 68,45m. Phía trước tiếp giáp với sân quảng trường có chiều dài 70m, ba mặt còn lại tiếp giáp với khuôn viên cây xanh. Bố cục công trình gồm đài, bức phù điêu, hai nhóm tượng, 6 trụ huyền thoại và các bồn hoa cây xanh, điện chiếu sáng. Đến nay đã cơ bản hoàn thành hạng mục 6 trụ huyền thoại, bức phù điêu, các hạng mục còn lại như 2 nhóm tượng, đài hương, sân vườn, điện chiếu sáng sẽ hoàn thành trong tháng 7.

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã được hồi sinh ngay trên “Tọa độ chết” năm xưa. Khu di tích lịch sử Truông Bồn hôm nay, biểu tượng lịch sử của TNXP Nghệ An, nơi hội tụ linh hồn của 1.240 cán bộ, chiến sĩ của quân và dân ta đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông Truông Bồn - làm nên một Truông Bồn huyền thoại trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Các chị, các anh đã hiến trọn tuổi xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Cuộc đời và sự nghiệp của các chị, các anh mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Ý kiến của bạn

Bình luận