PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT (UTT) cho biết, nằm trong chuỗi các hoạt động của Đề án 844 về "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", Trường Đại học Công nghệ GTVT xác định, chuyển đổi số nói chung, trong các trường đại học và ngành GTVT nói riêng cùng với quyết tâm của UTT trong việc tiên phong chuyển đổi số hướng đến trở thành trường đại học 4.0 (đại học khởi nghiệp).
Nếu như trường đại học có vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết, thì viện nghiên cứu là cầu nối giúp sinh viên nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế. Trên cơ sở đó, thời gian qua UTT đã thành lập Viện Đổi mới sáng tạo và Kinh tế số (IIDE) để góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số hướng đến trở thành trường đại học 4.0.
IIDE ra đời với mục tiêu: Đào tạo sinh viên có thể dễ dàng hội nhập với doanh nghiệp và làm việc đúng với chuyên ngành của mình được đào tạo; Hướng tới sinh viên trở thành doanh nhân công nghệ. Nghiên cứu và hợp tác quốc tế - Xây dựng trung tâm nghiên cứu (R&D Center) bao gồm phòng Lab, thư viện học liệu số, kết nối các trường đại học trên thế giới, liên tục cập nhật các công nghệ ứng dụng từ các nước tiên tiến trong ngành GTVT. Hiện nay, UTT đã hợp tác với các đơn vị trong nước và quốc tế như WENet, Ai20x trong việc kết nối các trường đại học trên thế giới và từng bước nghiên cứu các giải pháp, ứng dụng cho ngành. Thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu của trung tâm R&D và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up). Biến các nghiên cứu thành những sản phẩm có thể thương mại, ứng dụng được trên thị trường, đem lại những giá trị thiết thực cho xã hội, đó là mục tiêu cuối cùng cần đạt được.
Cũng tại Hội nghị, đại diện nhóm nghiên cứu phát triển Dự án Khuôn viên thông minh UTT đã trình bày giải pháp về hạ tầng công nghệ số - nền tảng để hiện thực hoá chuyển đổi số cho Nhà trường. Công nghệ số sử dụng thiết bị nền tảng ứng dụng của WENet và đối tác công nghệ WiFi Edge Computing - Relay2 ServiceEdge Platform với các ưu điểm vượt trội so với mạng wifi thông thường: Phục vụ số lượng lớn người dùng với băng thông ổn định, tốc độ xử lý nhanh nhờ năng lực tính toán biên, khả năng cung cấp dịch vụ ngay cả khi không kết nối vào mạng Internet, chi phí vận hành tối ưu, giảm thiểu thời gian gián đoạn dịch vụ, thời gian triển khai tại vị trí nhanh, tránh ảnh hưởng các hoạt động khác.
Nhóm nghiên cứu đã chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình phát triển và thực hiện dự án Khuôn viên thông minh UTT với những ứng dụng rất cụ thể và thiết thực như: Đưa cùng một nội dung lên nhiều màn hình hiển thị; mọi thông báo về sắp xếp giờ dạy đều có trên màn hình máy tính của giảng viên; tuỳ biến nội dung thông báo theo từng thiết bị, theo từng khu vực; tương tác với nội dung thông báo trong cùng khu vực hoặc liên khu vực, đặc biệt là các thông báo giờ học không chỉ 1 chiều, người xem hoàn toàn có thể truy cập vào nội dung thông báo để theo dõi và hoạt động tương tác.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra những ứng dụng trong tương lai gần để tạo ra khuôn viên thông minh hơn, an toàn hơn, thuận tiện hơn và kết nối toàn cầu, cũng như mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu trong các ngành khác.
Còn theo TS. Đào Phúc Lâm, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo IIDE, lộ trình thực hiện việc chuyển đổi số của UTT theo từng giai đoạn: Thứ nhất, xây dựng hạ tầng và nền tảng. Thứ hai, phát triển các ứng dụng cho khuôn viên thông minh (smart campus). Thứ ba, xây dựng các ứng dụng cho giáo viên và sinh viên theo lộ trình từ nay tới 2025.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.