Trường THPT ở Sài Gòn ráo riết thay đổi trước phương án thi 2017

30/09/2016 06:27

Sau khi phương án thi THPT quốc gia 2017 được chốt vào hôm qua, nhiều trường THPT ở Sài Gòn bắt đầu thay đổi cách dạy và ôn thi cho học sinh.

hs-lop-12-3836-1475141673
Học sinh lớp 12 tại TP HCM trong lễ khai giảng năm học 2016-2017. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngày 29/9, bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) - cho biết, cuối tuần này ban giám hiệu sẽ làm việc với tổ trưởng các bộ môn để triển khai chi tiết kế hoạch dạy học theo phương án thi, tuyển sinh 2017.

Hồi đầu tháng này, khi nhận được dự thảo phương án, trường THPT Gia Định đã bắt tay chuẩn bị với những thay đổi hình thức bài thi, môn thi. Cụ thể, trường đã cho học sinh lớp 12 đăng ký các ban xã hội, ban tự nhiên để nắm sơ bộ nguyện vọng của các em.

"Sẽ có những khó khăn từ sự thay đổi của phương án thi năm nay so với những năm trước nhưng đó là khó khăn chung của các trường. Điều cần thiết lúc này là chuẩn bị cho học sinh kiến thức và tâm lý tốt cho kỳ thi", cô Cúc bày tỏ.

Nữ hiệu trưởng này mong muốn các trường đại học cần công bố tỷ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển, tổ hợp môn… để học sinh dễ dàng định hướng chọn môn học, cách học. Ngoài ra, Bộ Giáo dục cần sớm công bố các bộ đề thi mẫu, đặc biệt là môn Toán, để các trường lấy đó làm căn cứ dạy và ôn thi cho học sinh.

Không bất ngờ với phương án thi mới được công bố, ông Phạm Hồng Danh - Chủ tịch hội đồng trường THPT Vĩnh Viễn - nói rằng, công việc của giáo viên sẽ nhẹ nhàng hơn khi phần lớn các môn của kỳ thi sắp tới là trắc nghiệm.

"Dạy để thi trắc nghiệm dễ hơn dạy thi tự luận. Thay vì đưa ra các bài tập sâu, đòi hỏi phương pháp lập luận thì giáo viên có thể đưa ra các bài tập nhẹ nhàng hơn, hướng dẫn học sinh cách nhanh nhất để đi đến đáp án", ông nói.

Dù không hài lòng với bài thi trắc nghiệm môn Toán vì lo ngại khả năng tuy duy của học sinh sẽ bị thui chột, ông Danh vẫn tin tưởng học sinh sẽ sớm thích nghi. Phương án thi này sẽ khiến học sinh phải học nhiều hơn, do các em phải thi 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một bài tự chọn (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội). Do đó, trường sẽ hướng dẫn học sinh các phương pháp ôn tập và phân phối kiến thức để các em có thể làm bài tốt.

Từ cuối năm học trước, học sinh trường THPT Thủ Thiêm (quận 2) đã chọn các môn thi thứ tư (ngoài Toán, Văn, Ngoại ngữ) định hướng thi THPT quốc gia. Thầy hiệu trưởng Phạm Văn Nghĩa cho biết sẽ cho học sinh lớp 12 chọn thêm môn học tùy theo nguyện vọng của từng em, theo ban tự nhiên hay xã hội. Đồng thời, trường sẽ bổ sung một tiết học cho mỗi môn này vào buổi học thứ hai hằng ngày và có thêm những lớp phụ đạo cho học sinh yếu, ngay từ đầu tháng 10.

Để học sinh thích nghi với bài thi trắc nghiệm, trường THPT Thủ Thiêm áp dụng ngay hình thức này cho các môn Sử, Địa, Toán trong bài thi giữa kỳ sắp tới. "Ban đầu sẽ thử một nửa trắc nghiệm, một nửa tự luận trong mỗi bài kiểm tra. Đến khi các em quen rồi sẽ áp dụng 100% trắc nghiệm để các em khỏi bỡ ngỡ khi vào kỳ thi THPT quốc gia", thầy Nghĩa cho hay.

Một số giáo viên bộ môn Toán, Sử, Địa tại TP HCM cũng thử nghiệm cách dạy mới cho học sinh khối 12 theo phương pháp trắc nghiệm. Trong tiết Toán sáng nay, thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên Gò Vấp đã ra một số bài tập theo hình thức trắc nghiệm.

"Học sinh có vẻ làm bài tốt hơn, nhiều em đưa ra đáp án đúng. Một số em tỏ ra thích thú với cách làm bài tập trắc nghiệm", thầy Tuấn Anh chia sẻ. 

Để làm bài thi Toán trắc nghiệm, theo thầy Tuấn Anh, học sinh cần luyện tập nhiều cách sử dụng máy tính. Các em cần nắm kiến thức rộng hơn là sâu như trước đây.

"Thay vì phải mất nhiều thời gian để lập luận, diễn giải cho ra kết quả đúng thì các em phải tập cách suy nghĩ cách làm để ra kết quả đúng nhanh nhất", ông nói và dự đoán lượng học sinh bị điểm liệt môn này sẽ giảm với hình thức thi mới.

Ý kiến của bạn

Bình luận