Trường Trung cấp GTVT miền Bắc với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Đường bộ

Tác giả: Hoàng Hà

saosaosaosaosao
11/11/2014 14:54

Trường Trung cấp GTVT miền Bắc được thành lập năm 1967, tiền thân là Trường Công nhân kỹ thuật trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) (nay là Tổng Cục ĐBVN). Tháng 12/2005, Trường được nâng cấp và đổi tên thành Trường Trung cấp GTVT miền Bắc.


Với nhiệm vụ đào tạo lao động kỹ thuật có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, chuyên ngành GTVT. Bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo thanh tra viên giao thông, hạt trưởng, tuần đường, bồi dưỡng cán bộ  giao thông cấp xã thuộc các dự án giao thông nông thôn, bồi dưỡng nâng bậc, sắt hạch tay nghề CNKT… cho các đơn vị trong ngành GTVT. Liên kết với các Trường Đại học GTVT, Trường Đại học Công nghệ GTVT… mở các lớp đào tạo trình độ đại học hệ vừa học vừa làm, đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ cho các sở GTVT các tỉnh miền Bắc.

Trong xu thế hội nhập, trước những thử thách về sự tồn tại, phát triển, Đảng ủy và Ban giám hiệu Nhà trường đã chủ động, phát huy sáng tạo, dám nghỉ dám làm, xây dựng phương châm đào tạo “hấp dẫn – hợp lý – hiện đại – hiệu quả – vững chắc”. Nhà trường đã xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên có “tâm – tầm – tinh – tế”.

Theo đó, Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu xã hội, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng… Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Trường còn tồn tại những khó khăn bất cập trong hệ thống đào tạo nguồn nhân lực cho của ngành GTVT nói chung, ngành Đường bộ nói riêng.

Cơ sở vật chất của luôn được đầu tư nâng cấp

Những ngày đầu, trường lớp còn tuềnh toàng, nhà cửa cấp 4 cũ kỹ dột nát ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm, học sinh chỉ đủ vài ba lớp, thầy cô giáo cuộc sống bề bộn khó khăn lại đang hoang mang vì nguy cơ nhà trường có khả năng bị giải thể. Năm 1995, dưới sự lãnh đạo của hiệu trưởng mới được bổ nhiệm Vũ Minh Quỳnh, tập thể nhà trường đã xốc lại đội ngũ, vạch ra chiến lược khả thi để tồn tại và phát triển. Bước đầu tiên là cải tạo lại trường sở, song song với việc lập dự án xin kinh phí đầu tư xây dựng là việc huy động vốn nội bộ của CBCNV. Tin tưởng ở người hiệu trưởng tận tâm, tận lực với Nhà trường, các thầy cô gom góp số vốn liếng của mình, “Góp gió thành bão”, trên mảnh đất hơn 9.000m2 từng bước hiện dần ra một ngôi trường hiện đại với những dãy nhà cao tầng, sân thể thao, hội trường, nhà ăn, lớp học, phòng làm việc, nhà ở khang trang với phương châm kiến trúc “hấp dẫn, hợp lý, hiện đại”.

Đến nay, cơ sở vật chất của Nhà trường từng bước được tu tạo, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới. Từ đó tạo ra cảnh quan sư phạm phục vụ cho công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực thực sự hấp dẫn – hợp lý – hiện đại và hiệu quả. Tất cả đều nhờ sự cố gắng của tập thể cán bộ của Nhà trường, để có được diện mạo mới như ngày hôm nay đã khác xa nhiều so với 15 năm về trước như:

- Nơi học tập cho học sinh khang trang, sạch đẹp hơn;
- Nơi ở ký túc xá cho học sinh sạch sẽ, đảm bảo an ninh;
- Nơi sinh hoạt vui chơi thể thao, văn nghệ và các hoạt động mang tính giáo dục và tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hệ thống máy móc, thiết bị và công nghệ phục vụ cho công tác đào tạo được từng bước trang bị và cải thiện rõ rệt bằng sự cố gắng tích lũy, tiết kiệm từ vốn: Chi thường xuyên + không thường xuyên + tự chủ một phần kinh phí theo Nghị định số 43 của Chính Phủ, tự chịu trách nhiệm một phần kinh phí tiết kiệm chi phí.

Để thực hiện phương châm đó, lãnh đạo Nhà trường đã đầu tư từng bước cho dự án nâng cấp và cải tạo trường, tạo dựng môi trường sư phạm, mạnh dạn mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác đào tạo.

Đó là hệ thống máy vi tính, hệ thống camera, máy thuỷ bình, đèn chiếu, máy kinh vĩ máy chữ điện tử… Với 11 cuốn phim giáo khoa chuyên ngành GTVT dùng để dạy học, nâng cao kiến thức và tay nghề cho học sinh.

Kinh phí đầu tư cho thiết bị trên, Nhà trường đều vay trong quỹ tiền nhàn rỗi của tư nhân và các đồng nghiệp có tấm lòng tâm huyết giúp đỡ khắc phục khó khăn tạm thời. Nhà trường đã chủ động tập trung vào công việc đầu tư  mua  sắm  máy  móc, thiết bị  và chuyển giao các công nghệ tiên tiến phục vụ cho công tác đào tạo, góp phần nâng cao được chất lượng đào tạo. Nhằm mục đích, học đi đôi với hành, thực sự hiệu quả để có nguồn nhân lực ở các cấp, hạng, trình độ nghề nghiệp từ nghiệp vụ quản lý đường bộ đến kỹ thuật viên hay công nhân chuyên ngành phục vụ công tác xây dựng, duy tu sửa chữa (quản lý bảo trì hệ thống cầu đường bộ) cho ngành ĐBVN thực sự có chất lượng và hiệu quả.
Luôn đổi mới nội dung chương trình đào tạo

Nội dung chương trình của các cấp hạng trình độ nghề nghiệp và giáo trình giảng dạy các môn học đều được các trường tập trung biên soạn, chỉnh sửa, thay đổi phù hợp với thực tiễn nghề nghiệp cả chính quy, ngắn hạn, trình độ sơ cấp và bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ. Đặc biệt các ngành nghề về kỹ thuật được ứng dụng công nghệ mới vào giảng dạy.
Nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường: Đào tạo hệ Trung cấp chuyên nghiệp chính qui, trung cấp nghề hệ chính qui, đào tạo sơ cấp nghề chuyên ngành GTVT. Đào tạo thanh tra viên giao thông đường bộ, hạt trưởng hạt quản lý đường bộ, nhân viên tuần đường bộ và đường bộ cao tốc, nhân viên thu phí, quản lý khai thác & bảo trì đường bộ , đường bộ cao tốc… Liên thông, liên kết với các trường Đại học GTVT, Đại học Xây dựng, Đại học Kinh tế quốc dân… mở lớp đào tạo trình độ đại học hệ vừa làm vừa học, đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ cho các sở GTVT các tỉnh miền Bắc.

Kết hợp phương châm  học đi đôi với hành, tạo điều kiện cho học sinh thực tập tiếp cận với công nghệ hiện đại, Nhà trường đã cho học sinh thực tập ở các đơn vị trong ngành GTVT như: Công ty cầu 14, Công ty cầu 12, Công ty cầu I Thăng Long… và các sở GTVT các tỉnh phía Bắc, trong hai năm học thì có 18 tháng thực tập tại trường ở các công trường xí nghiệp. Hàng ngàn lượt giáo viên, học sinh của Nhà trường đã có mặt trên hầu hết các công trình giao thông trọng điểm như: Công trình cầu Thăng Long, Chương Dương, đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, công trình cải tạo đường sắt Thống Nhất, Thuỷ điên Yaly, QL5, QL1A, QL18…

Từ năm 1967 đến nay, Nhà trường đã đào tạo được 24.000 học sinh trong đó có 18.000 CNKT Đường bộ và 6.000 cán bộ nghiệp vụ quản lý, khai thác vận hành và bảo trì đường bộ cho ngành GTVT. Đáp ứng đáng kể cho việc đổi mới đào tạo nguồn nhân lực cho ngành trong những năm qua ở từng giai đoạn cụ thể.

Hết lòng vì học sinh thân yêu

Đối với đội ngũ cán bộ tổ chức, quản lý, điều hành quá trình giáo dục, đào tạo của Nhà trường đều tâm huyết, giàu nghị lực, phấn đấu vươn lên, yêu ngành đường bộ. Tất cả các cán bộ của Nhà trường đã khắc phục khó khăn trước cuộc sống và hoàn cảnh thu nhập với mức lương rất thấp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao.
Đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản về chuyên môn, về nghiệp vụ chuẩn về sư phạm, về kỹ năng và phương pháp dạy học mới. Cả giáo viên lâu năm và giáo viên trẻ đều nhiệt huyết, đa phần đều đã trải qua lĩnh vực sản xuất, có kinh nghiệm và am hiểu bản chất sâu sắc nghề nghiệp, lập trường tư tưởng vững vàng, yêu trường, yêu lớp, yêu ngành với tình cảm tất cả vì học sinh thân yêu.

Nhờ đa dạng hoá các loại hình đào tạo: Chính quy, ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ, nâng bậc kỹ thuật, liên kết mở đại học tại chức dành cho con em dân tộc thuộ#c các tỉnh miền núi phía Bắc, Nhà trường đã đạt được mục đích đào tạo “Cái mà xã hội cần chứ không phải cái mà Nhà trường có”. Nếp sống văn hóa lành mạnh của học sinh thể hiện trong các sinh hoạt tập thể đầy tình giáo dục toàn diện “Dạy chữ, dạy nghề, dạy làm người”. Môi trường sư phạm ấy đã hun đúc cho các em học sinh trở thành những con người có nhân cách có văn hoá, có kỷ luật; tất cả đã thành nội quy sinh hoạt do các em tự quản có sự hướng dẫn của Ban giám hiệu, Đoàn thanh niên. Tập thể lãnh đạo nhà trường từng nếm trải cay đắng gieo leo trên chặng đường đi tìm một mô hình trường mới. Các cán bộ Nhà trường đã góp phần xứng đáng gây dựng và duy trì một đội ngũ trí thức có đầy đủ tố chất của những nhà sư phạm có tâm huyết vững tay nghề.

Khó khăn trong tuyển sinh

Với đặc thù đào tạo của Nhà trường là chuyên ngành giao thông đường bộ, chuyên về kỹ thuật, thời gian đào tạo theo quy định của Luật giáo dục và Luật dạy nghề, học dài hơn. Cả ngành và cả nghề đều không hấp dẫn để thu hút các học sinh theo học. Vì học ngành này, rất vất vả, hầu hết các trường đào tạo về ngành đường bộ tuyển sinh đầu vào rất khó khăn, học sinh khi ra trường xin việc làm vừa ít cơ hội, lương thu nhập lại thấp, không đảm bảo cuộc sống, lại hay phải theo công trình đi xa, cuộc sống không ổn định.
Chính vì vậy khi tuyển sinh rất ít học sinh đăng ký theo học các hệ Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp nghề hay các lớp ngắn hạn nâng bậc thợ hoặc các hệ nghiệp vụ chuyên ngành đường bộ như: Hạt trưởng, tuần kiểm, tuần đường, thanh tra giao thông, kiểm định viên ATGT, thí nghiệm viên, duy tu sửa chữa (quản lý bảo trì) cầu đường bộ, cán bộ chi cục quản lý đường bộ…

Để triển khai thực hiện Đề án: “Xã hội hóa công tác đào tạo của Bộ GTVT giai đoạn 2013 – 2020” đạt hiệu quả, nên chăng có chính sách phù hợp, hấp dẫn để thu hút học sinh theo học như:

- Hỗ trợ học phí cho học sinh theo học, tạo điều kiện cho học sinh vay vốn bằng nguồn ngân sách Nhà nước;
- Tạo việc làm cho học sinh khi ra trường, bằng việc Nhà trường chủ động phối hợp với các tổng công ty, các doanh nghiệp trong ngành GTVT, để thu xếp được mức lương cho học sinh khi ra trường;
- Nhà trường tích cực chủ trương xã hội hóa về giáo dục và đào tạo.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận