Truy tố những hành vi phá hoại hạ tầng giao thông

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 02/07/2015 09:34

Sáng nay (2/7), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến ATGT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 với 62 đầu cầu tại các địa phương.

IMG_1185
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì cuộc họp

Sáng nay (2/7), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến ATGT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 với 62 đầu cầu tại các địa phương.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm TNGT đường bộ giảm nhưng TNGT đường thủy, đường sắt tăng đột biến, do đó các Bộ ngành, địa phương cần tập trung làm rõ nguyên nhân gia tăng TNGT và yêu cầu các địa phương tập trung bàn về các giải pháp nhằm kéo giảm TNGT, những vấn đề đang nóng tại địa phương. Trong đó Phó Thủ tướng nhấn mạnh vào các hành vi vi phạm như tình trạng ném đá vào xe trên đường Hồ Chí Minh, đây không phải là trò đùa mà là tính mạng, tài sản của nhân dân do đó cần phản điều tra, truy tố những hành vi này để xét xử nghiêm minh và tình trạng phá hoại hạ tầng giao thông và các giải pháp làm ảnh hưởng đến tình hình TTATGT.

6 nguyên nhân kéo giảm TNGT

Bộ trưởng, Phó chủ tịch Đinh La Thăng đã cho rằng, trong 06 tháng đầu năm 2015, tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước và ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có chuyển biến tích cực. Số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT tiếp tục giảm, đặc biệt, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để đạt được kết quả trên là do một số nguyên nhân chủ yếu: 

Một là, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động cao điểm bảo đảm TTATGT trong các dịp cao điểm.

Hai là, việc chỉ đạo quyết liệt, siết chặt công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh vận tải, TTKS của lực lượng chức năng đã có tác động tích cực, tạo được niềm tin cũng như xác định được giải pháp để giảm TNGT.

Ba là, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đưa tin hàng ngày về tình hình TTATGT, TNGT trong các bản tin thời sự góp phần cảnh báo và nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo đảm TTATGT, phòng tránh TNGT.

Bốn là, công tác TTKS xử lý vi phạm đã được tăng cường, ngoài lực lượng CSGT, các địa phương tăng cường các lực lượng khác như cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, công an xã, phường tham gia tuần tra và giải tỏa lòng đường, vỉa hè, chống ùn tắc giao thông.

Năm là, với chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành như: nghỉ Tết sớm, bán vé tàu hỏa điện tử đã giúp cho lưu lượng hành khách dãn ra, góp phần giảm áp lực vận tải hành khách, không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.

Sáu là, bộ phận thường trực của các Bộ, ngành là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các địa phương đã thực hiện nghiêm quy định về thường trực trong những ngày Tết, đã phối hợp tốt trong việc xử lý kịp thời các ý kiến phản ảnh của người dân về các hành vi vi phạm TTATGT qua đường dây nóng.

Những tồn tại, hạn chế

Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, mặc dù, tình hình TTATGT 6 tháng đầu năm 2015 có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, trong đó số vụ và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số người chết vì tai nạn giao thông chỉ giảm được 4,5% (211 người) so với cùng kỳ năm 2014, còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe chở container, TNGT đường thủy, đường sắt tăng cao, đặc biệt số người chết do TNGT đường sắt tăng 26,58% và đường thủy là 20,59%; còn để xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không. Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trên địa bàn các địa phương có nhiều mỏ vật liệu và các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc và Lào; tình trạng xe khách chở quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định còn diễn ra trong những dịp cao điểm.

IMG_1190
Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo tại cuộc họp

Một là, ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa duy trì có hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18- của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa. Hai là, hạn chế về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục hạn chế hiệu quả của công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt là trong công tác quản lý, điều hành GTVT; nhận thức pháp luật và trình độ quản lý sản xuất vận tải và bảo đảm ATGT của một bộ phận các chủ doanh nghiệp còn hạn chế. Ba là, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT còn chưa đạt được như mong muốn. Bốn là, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu trong công tác bảo vệ hành lang ATGT, tổ chức giao thông và cảnh báo ATGT tại các vị trí kết nối giữa đường phụ ra đường chính trên một số đoạn tuyến quốc lộ vẫn còn chưa hiệu quả; công tác tổ chức giao thông, bảo đảm ATGT của KCHTGT nông thôn, miền núi còn bất cập. Năm là, dịch vụ vận tải công cộng kết nối giữa đô thị trung tâm tỉnh với huyện lị và các cụm dân cư nông thôn cũng như trong các đô thị lớn còn hạn chế trong khi nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa rất lớn, đặc biệt là có xu hướng tăng nhanh theo sự phát triển của nền kinh tế.

Nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2015

Một là, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục chỉ đạo hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề năm ATGT 2015 siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; phối hợp tổ chức các chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, nhất là chủ đề phòng, chống vi phạm nồng độ cồn; đội Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy; an toàn giao thông địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; đẩy mạnh mô hình tuyên truyền an toàn giao thông cho ngư dân bám biển; bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; nâng cao nhận thức pháp luật của chủ doanh nghiệp và lái xe kinh doanh vận tải. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm TTATGT; thiết lập đường dây nóng quốc gia tiếp nhận phản ánh của người dân trong công tác bảo đảm TTATGT; Phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 57 ngày 18 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân công cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của mỗi thành viên trong lãnh đạo Ủy ban, cơ quan thường trực, cơ quan chuyên trách.

Hai là, Bộ GTVT tiếp tục triển khai xây dựng dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), tổ chức tổng kết Luật Giao thông đường bộ, tập trung xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo nghị định và đề án, nhất là dự thảo Nghị định thay thế 02 Nghị định Nghị định số 171, Nghị định số 107. Tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT các địa phương phối hợp với ngành Công an tăng cường siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, áp dụng biện pháp tước phù hiệu xe hoặc tước giấy phép kinh doanh nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng. Tăng cường kiểm soát việc thực hiện các quy định bảo đảm ATGT đối với các công trình, dự án hoàn thành trước khi đưa vào khai thác. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt; Tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, tiếp tục duy trì hoạt động của trạm cân xe lưu động, lắp đặt trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động tại các trạm thu phí, ngăn chặn việc xếp hàng quá tải trọng từ gốc, xử lý vi phạm về kích thước thùng xe; kiên quyết xử phạt nghiêm xe vi phạm tải trọng theo Nghị định số 171 và Nghị định số 107 của Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng thi công các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là Quốc lộ 1A; thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức, bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc trên các tuyến đang thi công; triển khai Quyết định số 994 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đến năm 2020.

Ba là, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc lực lượng CAND thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 02 về “Tăng cường công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CAND trong tình hình mới”; chỉ đạo công an các địa phương huy động tối đa lực lượng tăng cường TTKS, chú trọng tuần tra lưu động, mô hình tổ tuần tra phối hợp cảnh sát giao thông với các lực lượng cảnh sát khác; tăng cường TTKS theo các chuyên đề, các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn; tiếp tục triển khai quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Chỉ đạo lực lượng CSGT mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT trên phạm vi toàn quốc từ nay đến cuối năm 2015, tập trung xử lý vi phạm, phòng ngừa TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô khách và phương tiện thủy chở khách, TNGT nơi giao cắt đường sắt và đường bộ, giải quyết tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên đường thủy; bảo đảm an toàn cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện tàu cá hoạt động.

Bốn là, Bộ Quốc phòng chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe quân sự trong chấp hành quy định về tải trọng phương tiện khi tham gia giao thông; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các phương tiện mang biển số giả xe quân sự hoạt động trái phép.

Năm là, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải rà soát hoàn thiện các cơ chế chính sách trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT; xây dựng chính sách, chế độ đối với lực lượng quản lý, điều hành Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động.

Sáu là, Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học vào đầu năm học mới 2015-2016; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tài liệu giảng dạy an toàn giao thông chính khóa hiện hành cho phù hợp hơn về nội dung, lứa tuổi, cấp học và thời lượng giảng dạy của các cấp học, để đưa vào giảng dạy sau năm 2015 theo lộ trình xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới của Bộ; tổ chức Lễ ra quân phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật an toàn giao thông tại Nghệ An và thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/2015; phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức phát động cuộc thi “Giao thông học đường” cho học sinh trung học phổ thông.

Bảy là, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATGT theo chủ đề năm ATGT 2015; tổ chức phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động về ATGT năm 2015.

Tám là, các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn. Tập trung tuyên truyền vào các đội tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn.

Chín là, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm an toàn giao thông điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 2/0/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Tăng cường bảo đảm TTATGT trên địa bàn nông thôn, rà soát và khắc phục các nguy cơ gây TNGT trên tuyến đường nông thôn như: lắp gờ giảm tốc, biển cảnh báo tại các điểm giao cắt đường phụ ra đường chính, lắp đặt biển hướng dẫn, biển báo hiệu trên các tuyến đường nông thôn. Tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, ngăn chặn việc xếp hàng quá tải trọng từ gốc, xử lý vi phạm về kích thước thùng xe, tiếp tục duy trì hoạt động của trạm cân xe lưu động; Ban ATGT thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông, xây dựng phương án phân luồng và bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức giao thông.

6 tháng đầu năm 2015, toàn quốc xảy ra 11.179 vụ, làm chết 4.478 người, làm bị thương 10.149 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 1.648 vụ (-12,85%), giảm 211 người chết (-4,5%), giảm 2.114 người bị thương (-17,24%). Có 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT, trong đó 8 địa phương giảm trên 20%. Tuy nhiên, vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 12 tỉnh tăng trên 10%.

Về ùn tắc giao thông, với sự chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục từng bước tình trạng ùn tắc giao thông của lãnh đạo thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tình hình ùn tắc giao thông đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, các tuyến đường cửa ngõ ra vào Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong các đợt cao điểm vẫn xảy ra hiện tượng ùn ứ vì phương tiện tham gia giao thông khá đông đúc. Trong 06 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xảy ra 50 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài trên 01 giờ (giảm 92 trường hợp =64,8% so với 06 tháng đầu năm 2014).

Ý kiến của bạn

Bình luận