Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn trong việc trang bị, sử dụng xe công. |
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4- 8- 2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Cty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (thay thế Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 7- 5-2007, Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30 - 9 - 2010). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21- 9- 2015.
Theo quy định tại Quyết định này, chỉ có các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được phép sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Xe ô tô phục vụ công tác (gồm xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh; xe ô tô phục vụ công tác chung) chỉ được thay thế khi đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định (15 năm) hoặc sử dụng ít nhất 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000 km) mà không thể tiếp tục sử dụng hoặc bị hư hỏng mà không đảm bảo an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan có chức năng.
Quyết định cũng thống nhất định mức từ 1 đến 2 xe/đơn vị cho tất cả các cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn được trang bị xe (bao gồm cả các đơn vị đã trang bị xe theo quy định trước đây) để phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị.
Với quy định này, các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm rà soát, sắp xếp lại số xe ô tô hiện có tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức. Trường hợp sau khi sắp xếp, số xe ô tô còn lại (nếu có) được xử lý theo thứ tự: Điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị, Ban Quản lý dự án thuộc phạm vi quản lý mà chưa đủ định mức xe ô tô theo quy định tại Quyết định; Chuyển giao về Bộ Tài chính để xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND cấp tỉnh thực hiện báo cáo kết quả sắp xếp lại số xe ô tô hiện có về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định mới cũng quy định rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí trong trường hợp các chức danh có đủ tiêu chuẩn được sử dụng xe tự nguyện đăng ký nhận khoán kinh phí sử dụng xe công; theo đó, mức khoán kinh phí được xác định theo từng tháng, trên cơ sở: Khoảng cách thực tế từ nhà ở đến nơi làm việc hoặc khoảng cách thực tế đi công tác; đơn giá bình quân của phương tiện vận tải công cộng (đơn giá của các hãng xe taxi phổ biến trên thị trường); số ngày làm việc theo quy định; Số lượt đưa đón (2 lượt/1ngày).
Một điểm mới nữa là quy định về giá mua xe ô tô chuyên dùng trong 2 trường hợp đảm bảo việc trang bị chặt chẽ, hiệu quả. Cụ thể: Đối với xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng hoặc xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ hoặc xe ô tô từ 16 chỗ ngồi trở lên để phục vụ nhiệm vụ đặc thù, giá mua xe do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương quyết định (đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban Quản lý dự án thuộc Trung ương quản lý), Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định (đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban Quản lý dự án thuộc địa phương quản lý).
Đối với xe ô tô chuyên dùng không thuộc trường hợp nói trên thì giá mua xe thực hiện như đối với xe ô tô phục vụ công tác chung. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao thẩm quyền quyết định việc mua sắm xe ô tô chuyên dùng cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Về quy định xử lý vi phạm trong việc mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng xe ô tô công. Theo đó, người ra quyết định mua sắm xe ô tô không đúng thẩm quyền, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chủng loại phải bồi thường thiệt hại và tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Đối với việc quản lý, sử dụng xe ô tô không đúng quy định, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và mức thiệt hại mà phải bồi thường thiệt hại, đồng thời bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Cty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, các chức danh được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/một xe gồm: 1- Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng các đoàn thể ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên; 2- Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; 3- Các chức danh của TP Hà Nội, TP HCM: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch UBND TP, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.