Chiều ngày 26/10 lực lượng liên ngành kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại địa chỉ 113 Hàng Gai - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Mai. |
Kỳ tích 56 chiếc khăn lụa(!)
Vụ Khaisilk, doanh nghiệp này đã hoạt động hàng chục năm, lãnh đạo công ty cũng thừa nhận trà trộn hàng Trung Quốc vào bán. QLTT ở đâu trong từng ấy thời gian?
Cửa hàng 113 Hàng Gai là nơi kinh doanh hộ cá thể. Hằng năm, cửa hàng này cũng như hơn 1.000 cửa hàng kinh doanh vải khác ở phường đều phải ký cam kết không buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Gần nhất là cam kết ký tháng 9/2016. Chúng tôi đã rất vất vả đấu tranh để thu được 56 chiếc khăn Trung Quốc ở cửa hàng này, bởi họ cất giấu rất kỹ.
Hơn nữa, họ đã tháo mác “Made in China”, khâu mác Việt Nam vào. Nhờ kiểm tra kỹ lưỡng vết khâu, lực lượng QLTT mới phát hiện ra dấu hiệu làm giả, đấu tranh khai thác rồi nhân viên cửa hàng mới thừa nhận sai và ký vào biên bản, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Nghĩa là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này rất gian nan phức tạp?
Đây không phải là đấu tranh nghiệp vụ. Nghiệp vụ rất đơn giản. Giả là giả, thật là thật. Ở đây, chúng tôi đấu tranh để làm sao thu được khăn giả, vì họ đã khâu nhãn Khaisilk vào rồi.
Bao nhiêu năm họ hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật mà QLTT không phát hiện ra sai phạm nào sao, thưa ông?
Thực tế chỉ có đội QLTT cơ động của thành phố trong quá trình trinh sát phát hiện chỗ nào có dấu hiệu vi phạm mới được kiểm tra. Riêng địa bàn phường Hàng Gai có tới 1.000 cơ sở kinh doanh vải vóc, nhưng Chi cục QLTT Hà Nội chỉ có 1 cán bộ phụ trách phường này. Chúng tôi vừa phải chống hàng giả, hàng lậu, không hề đơn giản.
Không riêng lĩnh vực QLTT, nhiều ngành khác khi nói tới trách nhiệm, lực lượng nào cũng kêu thiếu nhân lực, ông thấy sao?
Điều đấy là rõ ràng, nhưng chúng ta phải chia sẻ với nhà nước. Hơn nữa, chống hàng giả, hàng lậu không chỉ riêng lực lượng QLTT mà có cả công an, hải quan…
Xin được hỏi ông, vì sao đi kiểm tra lại có thể căn cứ vào lời khai của nhân viên bán hàng rằng mua khăn Trung Quốc về vì nhu cầu tăng đột biến dịp 20/10? Liệu QLTT có thoái thác trách nhiệm trước đó?
Chúng tôi đã phê bình đồng chí làm báo cáo. Chi cục cũng đã họp và… nhắc nhở lần đầu đối với cán bộ phụ trách địa bàn phường Hàng Gai.
Quản lý thị trường thập thò có thể bị đánh?
Sau các vụ kinh doanh xăng dầu trái phép bị báo Tiền Phong phanh phui, ông thấy trách nhiệm của lực lượng QLTT phụ trách địa bàn ra sao?
Nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng QLTT là kiểm tra, quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), sau đó mới đến an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Riêng để xảy ra việc kinh doanh xăng dầu trái phép, trách nhiệm đầu tiên thuộc chính quyền địa phương, từ cấp xã - phường đến huyện - quận, ngành giao thông. Họ thuê đất, họ quây tôn rồi dựng cây xăng trái phép trong đó, tại sao phường, quận lại không biết?
Công an phường, quản lý trật tự ở đâu? Khi chúng tôi đi kiểm tra những khu vực này bắt buộc phải có sự phối hợp với chính quyền địa phương (công an, giao thông), không thể tự mình đi được. Ông phường làm gì, ông quận làm gì?
Bãi đỗ xe không phép thì trách nhiệm trước hết thuộc về phường, quận (cho thuê đất), lực lượng giao thông (cho thuê làm bãi trông giữ xe)… Từ bãi xe không phép mới có ô tô đỗ, từ ô tô mới “mọc” ra cây xăng dầu. Nói thật, ông công chức QLTT một mình thập thò đến đấy có thể bị đánh… Công an có quyền đi trinh sát, còn QLTT chỉ đi “nắm thông tin”…
Hiện nay, quân số QLTT còn rất mỏng, trong khi địa bàn Hà Nội lại quá rộng lớn nên rất khó kiểm soát.
Khi báo chí phản ánh, QLTT có đến làm việc hay không? Tại sao không thông tin kết quả để người dân biết, thưa ông?
Về thông tin báo chí, nếu phóng viên cung cấp, phản ánh trực tiếp, chúng tôi bắt buộc phải trả lời. Trường hợp các anh đến làm việc, liên hệ với cơ quan nào, cơ quan đó phải trả lời. Chúng tôi không có trách nhiệm phải trả lời trực tiếp.
Ông nghĩ sao một cây xăng dầu to lù lù hoạt động “chui” dưới đường điện cao thế ở quận Long Biên được báo chí phản ánh, nhưng QLTT không biết?
Chúng tôi xin ghi nhận và sẽ cho kiểm tra ngay. Thực tế, hiện nay lãnh đạo đội QLTT phụ trách địa bàn quận Long Biên đang trong giai đoạn làm thủ tục chuyển giao nhiệm vụ. Tuần tới sẽ có quyết định, lúc đó sẽ rà soát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động của cây xăng trên.
Địa bàn thành phố Hà Nội hiện có trên 500 cây xăng dầu. Ngay từ đầu năm, lực lượng QLTT đã rà soát, kiểm tra toàn bộ hoạt động an toàn phòng cháy. Thực tế, một số trường hợp kinh doanh xăng dầu tự phát như báo Tiền Phong phản ánh được ngụy trang rất bài bản, khó phát hiện. Bản thân phóng viên cũng phải rất công phu điều tra, theo dõi mới phát hiện đươc, thậm chí tính rủi ro rất cao.
Vậy khi phát hiện dấu hiệu vi phạm sao không có sự phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý?
Nếu không phối hợp, không thể làm được. Trung bình 1 năm chúng tôi phối hợp xử lý hơn 10.000 vụ việc. Trong đó, có ký kết với đủ các lực lượng như hải quan, công an, thuế, BCĐ 389 các địa phương… Chúng tôi phải luôn chủ động, tuy nhiên ưu tiên hàng đầu vẫn là vấn đề ATVSTP.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong về cây xăng lậu ở phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), Chủ tịch UBND phường Lại Minh Tiến cho biết: “Nói thật, tôi chưa biết mặt lãnh đạo doanh nghiệp ở đấy như thế nào. Họ không cần biết lãnh đạo phường là ai. Đến Tết cũng không có quyển lịch”.
Về trường hợp cây xăng không phép ở phường Bồ Đề (Long Biên), lãnh đạo phường này cũng tỏ ra không hề hay biết gì. Còn đại diện quận Long Biên cho biết, đã ra quyết định đình chỉ hoạt động cây xăng, giao phường giám sát. Khi được hỏi về xử lý trách nhiệm chính quyền địa phương, vị này cho hay sẽ kiểm tra lại và trả lời sau.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.