ben pha |
Từ huyện đảo “ba không”
Năm 2017 đánh dấu sự kiện đáng nhớ đối với người dân Hải Phòng, đó là đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện được đưa vào khai thác, trong đó có cầu vượt biển dài nhất Việt Nam 5,4km, phá thế đảo “ba không” Cát Hải, mở ra cơ hội lớn cho Hải Phòng và cả các tỉnh Đông Bắc bộ, khai thác tối đa lợi thế biển phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với toàn khu vực, cầu vượt biển được kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL5, QL18, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, trong tương lai sẽ tạo thành mạng giao thông hoàn chỉnh, phục vụ vận tải hàng hóa ra cảng của khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đối với khu vực Hải Phòng, khu hạ tầng này sẽ kết nối và phát triển kinh tế ven biển của Thành phố, góp phần làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cho những dự án nằm trong chương trình phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Đặc biệt, với sự kết nối đồng bộ về hạ tầng giao thông, bên cạnh việc phát triển công nghiệp ven biển Hải Phòng thì tiềm năng khai thác du lịch tại khu vực dự trữ sinh quyển trên đảo Cát Bà và các khu vực lân cận đã được UNESCO công nhận kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong thời gian tới.
Huyện đảo Cát Hải cách xa trung tâm TP. Hải Phòng 60km về hướng Đông, nằm tách biệt với đất liền. Mọi hoạt động giao thương đều qua phà hoặc tàu, thuyền. Cuộc sống người dân huyện đảo đa số dựa vào nghề đi biển và gặp nhiều khó khăn, vất vả. Khi có bão to gió lớn, hầu như toàn bộ huyện đảo bị cô lập hoàn toàn với đất liền. Các yếu tố giao thông, liên lạc, thực phẩm là hoàn toàn không thể. Vì vậy, khi biết tin Bộ GTVT khởi công dự án cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, người dân huyện đảo không giấu nổi niềm sung sướng, hạnh phúc. Anh Lê Duy Lợi ở xã Cao Phong, huyện Cát Hải chia sẻ: “Dân đảo ai nấy đều vui mừng, phấn khởi khi cây cầu vượt biển hoàn thành và đưa vào khai thác. Chúng tôi đi làm trong đất liền có thể đi đi về về trong ngày. Giao thông thông suốt thì hàng hóa ra đảo cũng nhiều hơn, kinh tế phát triển, đặc biệt bão gió thì chẳng sợ bị cô lập, không có thực phẩm để ăn uống nữa”.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đánh giá: “Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện mang lại nhiều ý nghĩa đối với Hải Phòng. Theo tôi, điểm quan trọng nhất là kết nối cảng Lạch Huyện (huyện Cát Hải) với đất liền và kết nối nội thành Hải Phòng với khu du lịch tầm cỡ quốc tế Cát Bà. Đặc biệt, với người dân huyện đảo Cát Hải, đây chính là cây cầu mơ ước giúp họ gần hơn với đất liền”.
Giấc mơ “viên ngọc” biển Đông
Cầu ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện - cầu vượt biển dài nhất Việt Nam |
Trước thềm xuân Mậu Tuất 2018, đi trên cây cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện tràn ngập sắc xuân, trong lòng dâng trào cảm xúc xao xuyến, bồi hồi khó tả. Anh Hoàng Đức Hải (43 tuổi, thị trấn Cát Bà) bất chợt ngân nga mấy vần thơ trong bài “Cây cầu mùa xuân” của tác giả Nguyễn Hồng Vinh: “Những cây cầu xóa bớt sự cách ngăn/ Xuân ùa đến cả thôn cùng xóm vắng/ Lo toan sẻ chia, niềm vui cộng hưởng/ Đào cùng mai bừng nở khắp miền quê”.
Giới thiệu về cây cầu lịch sử, về Cát Hải xưa và nay cho những vị khách thân tình, anh Hải kể: “Người dân Cát Hải xưa chỉ có nghề đi biển, làm mắm, làm muối và làm ruộng. Mãi đến năm 2002, Nhà nước mở bến phà Đình Vũ, bà con mới có cơ hội thuận tiện để sang thành phố học hành, làm ăn. Nay có cầu vượt biển chắc hẳn đời sống sẽ khấm khá hơn”.
“Từ những giá trị cốt lõi từ dự án Tân Vũ - Lạch Huyện đem lại, tôi tin rằng, "viên ngọc" Cát Bà sẽ được mài dũa và trở nên sáng ngời trước ánh bình minh phương Đông chiếu rọi. Cát Bà sẽ viết tiếp những câu chuyện cổ tích, được các thế hệ đi trước tâm huyết, gửi gắm”, anh Hải tâm đắc.
Đối với bà Hoàng Thị Thanh - một người dân sống trên đảo thì mùa xuân này thật ấm áp bởi kể từ khi cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam thông xe, chặng đường từ Hải Phòng ra huyện đảo Cát Bà được rút ngắn hơn nhiều, sẽ không còn cảm giác cách trở hun hút biển sâu, đi lại nhọc nhằn hàng giờ đồng hồ trên tàu, phà với hiểm nguy rình rập như trước kia.
“Làm dâu ở Cát Hải cũng đã mấy chục năm nhưng ít về thăm quê vì sợ đi phà. Nay có cầu rồi, dịp lễ, Tết, giỗ chạp tôi lại có thể về thắp hương cho ông bà thường xuyên hơn”, bà Thanh nghẹn ngào tâm sự.
Vừa nắm tay vợ, ông Phí Quang Tuấn (63 tuổi, xã Gia Lộc, huyện Cát Hải) vừa nheo mắt nhìn về cây cầu khổng lồ vừa nói: “Kể từ khi bà ấy bị bệnh, tuần nào tôi cũng đưa bà vào thành phố thăm khám. Nghĩ lại những chuyến phà mà thấy cực, tính cả giờ đi lại lẫn chờ đợi cũng mất non nửa ngày. Hôm nào mưa bão là bà lại chịu đau vì không thể đi được”.
Ông Tuấn chia sẻ: “Mấy chục năm qua bà con Cát Hải mong ngóng một cây cầu và bây giờ ước mong đó đã trở thành hiện thực. Có cầu rồi, tôi đưa vợ đi khám bệnh, con cháu sang thành phố đi học thuận tiện hơn”.
Những câu chuyện của bà Thanh, anh Hải hay ông Tuấn về Cát Hải năm xưa đều in đậm dấu ấn của một thời kỳ khốn khó khi cuộc sống đẩy đưa nhiều người phải vượt biên sang Hồng Kông, Ma Cao rồi... lại quay về quê làm muối. “Làm diêm dân cả đời chỉ lo ăn từng bữa. Ngày xưa nhiều người cũng làm liều vượt biên tìm cuộc sống mới rồi cũng lại quay về làm diêm dân”, anh Hải vừa kể lại những tháng ngày sống ở xứ người vừa hướng mắt nhìn về cây cầu mà anh từng mơ cả đời.
“Trong tương lai không xa, Cát Hải sẽ trở nên lấp lánh, quyến rũ. Người dân huyện đảo có quyền mơ ước, Cát Hải sẽ trở thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng bậc nhất Việt Nam, xứng đáng là "viên ngọc" quý của vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc”, ông Tuấn tin tưởng
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.