Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính chiến đấu của báo chí cách mạng

Xã hội 21/06/2018 06:03

Trên hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) nhận thức sâu sắc vai trò, sứ mệnh lịch sử và sức mạnh của báo chí. Người đã sử dụng báo chí một cách hữu hiệu, một thứ vũ khí sắc bén phục vụ hiệu quả sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến, kiến quốc, xây dựng CNXH.

 

BacHolambao
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - một nhà báo vĩ đại với tư tưởng báo chí phục vụ nhân dân, đấu tranh giành công bằng, lẽ phải. Ảnh tư liệu

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với báo chí trong những thời điểm đặc biệt, với tư cách người sáng lập, tổ chức. Đó là thời điểm lịch sử cần phải có tiếng nói chủ đạo để tổ chức phong trào, hướng dẫn quần chúng và báo chí của Người thực sự là những “tờ hịch cách mạng” phát động phong trào đấu tranh của nhân dân. Báo chí luôn là một vũ khí sắc bén trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu có điều kiện là Người sử dụng và phát huy vai trò của báo chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội tụ trong mình những phẩm chất của một lãnh tụ cũng như những phẩm chất của một nhà báo vĩ đại.

Nếu tính từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân Đạo ngày 18/6/1919 đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên báo Nhân Dân ngày 25/8/1969 thì Hồ Chí Minh đã để lại hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký. Không chỉ cống hiến tài năng, công sức và trí tuệ cho việc sáng lập các tờ báo, Người còn tích cực viết báo cả trên diễn đàn quốc tế và trong nước. Người đã có các bài báo trên báo chí của phong trào công nhân và cộng sản Pháp, báo chí quốc tế, báo chí Xô Viết và các đảng cộng sản, báo chí Việt Nam trước và sau năm 1945...

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Bài báo là tờ hịch cách mạng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.616 và t.11, tr.441).

Theo quan điểm của Người, “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ CNXH, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 9, tr.414). Hay nói một cách ngắn gọn hơn, “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” (Sđd, tập 10, tr.613). Suốt cả cuộc đời hoạt động báo chí của Người cũng chính là để thực hiện mục tiêu này. Hoạt động báo chí, cái đích cuối cùng cũng là để đem lại độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong từng hoàn cảnh, từng giai đoạn, chúng ta thấy báo chí có những nhiệm vụ cụ thể khác nhau, nhưng có một nhiệm vụ xuyên suốt nền báo chí cách mạng Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định từ những năm 20 của đầu thế kỷ XX và đã thực hiện trong suốt 50 năm hoạt động báo chí của mình là báo chí luôn mang tính chiến đấu, mục đích cuối cùng là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Quan điểm đó vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay.

Ngay trong những tháng, ngày sắp về với thế giới Người hiền, Người vẫn viết báo đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực đến cuộc sống của nhân dân và sự nghiệp cách mạng của Đảng, trong đó phải kể đến bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng báo Nhân Dân ngày 3/02/1969. Bài viết ra đời trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta Kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, lần kỷ niệm đầu tiên sau mấy năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Hồ Chủ tịch viết bài báo quan trọng này đề cập sâu sắc đến đạo đức cách mạng, xem đó là nhiệm vụ hệ trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bài báo được viết ngắn gọn, chưa đến 700 chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung nêu bật ba nội dung chủ yếu: (1) Những thành tựu cách mạng và tấm gương đạo đức trong cán bộ, đảng viên; (2) Những bệnh tật bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên; (3) Giải pháp nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Theo tư tưởng của Người, đối lập với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, do đó nâng cao đạo đức cách mạng không thể tách rời chủ nghĩa cá nhân, luôn luôn gắn xây với chống. Xây là để nâng cao đạo đức cách mạng, chống là hướng tới mục tiêu quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh chủ trương “phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” và nâng cao đạo đức cách mạng để tăng sức mạnh chống chủ nghĩa cá nhân.

Mặc dù bài viết ra đời cách đây gần 40 năm nhưng những tư tưởng, quan điểm được Hồ Chí Minh nêu vẫn còn nguyên giá trị, mang tính chiến đấu điển hình của báo chí cách mạng. Dù rất ngắn gọn, những luận điểm được Người đề cập trong bài viết này mang tính tổng kết thực tiễn; bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, về đạo đức nói riêng.

Với hơn 50 năm hoạt động sáng tạo không ngừng (1919 - 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản báo chí vô cùng to lớn và phong phú, trong đó thể hiện sinh động những quan điểm, tư tưởng của Người về cách mạng, về thời đại, về nhân dân, về kinh tế, chính trị, văn hóa và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Di sản đó cũng thể hiện bản lĩnh tuyệt vời của ngòi bút, tài năng và sức sáng tạo của một nhân cách mẫu mực, nhà báo cách mạng vĩ đại.

Hồ Chí Minh để lại một kho tàng báo chí đồ sộ, phong phú, bao gồm nhiều thể loại như chính luận, tiểu phẩm, truyện, ký, thơ. Ở thể loại nào Người cũng tỏ ra là cây bút hàng đầu.

Hồ Chí Minh cho rằng, người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Có lập trường chính trị vững vàng sẽ giúp người làm báo xác lập được vị thế, quan điểm của mình một cách đúng đắn để từ đó phân tích đúng - sai, đánh giá tốt - xấu trong các vấn đề, đấu tranh với các luận điệu thù địch, đưa ra định hướng, hướng dẫn dư luận đối với quần chúng nhân dân. Trong bài nói chuyện tại Đại hội Lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: “Báo chí của chúng ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ CNXH, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được, cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng” (Sđd, tập 9, tr.414).

Nghệ thuật thể hiện phong phú, hấp dẫn đã góp phần không nhỏ làm nên giá trị bất hủ trong các tác phẩm báo chí Hồ Chí Minh. Bản thân phong cách báo chí Hồ Chí Minh cũng là sự thể hiện quan điểm của Người về cách viết - nghệ thuật làm báo. Nghệ thuật làm báo không chỉ là hình thức của tác phẩm báo chí, mà còn thể hiện ở chính nội dung của tác phẩm: Ở đề tài mà tác giả lựa chọn, thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt và chiều sâu văn hóa của những trang viết. Quan điểm của Người về cách viết, tập trung quanh các câu hỏi Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đã chỉ rõ, báo chí cách mạng là một bộ phận của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chiến đấu đánh đổ kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, vì lý tưởng và mục tiêu cao cả của cách mạng; chiến đấu để xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới tươi đẹp, phồn vinh, an sinh, hạnh phúc. Chính bản chất chiến đấu của sự nghiệp cách mạng quyết định tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Chiến đấu của sự nghiệp cách mạng còn có ý nghĩa đánh bại những đòn tiến công và phản kích của các thế lực thù địch, đề cao cái đúng, cái tốt, cái đẹp (chân, thiện, mỹ), đẩy lùi và khắc phục các thói hư, tật xấu trong xã hội và trong mỗi con người.

Học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tính chiến đấu của báo chí cách mạng ở nước ta hiện nay cần tiếp tục thấu triệt vai trò, nhiệm vụ của báo chí phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo đó, báo chí cần thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; phát huy vai trò, hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, bác bỏ các quan điểm sai trái, phê phán các luận điệu xuyên tạc và các hành vi chống phá của các thế lực thù địch với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN 

Ý kiến của bạn

Bình luận