Các chuyên gia tư vấn trực tiếp trả lời câu hỏi của học sinh |
Ngày 28/2, hàng nghìn học sinh đã tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 do Báo Tuổi trẻ tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM.
Tham dự lễ khai mạc có PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GDĐT; PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GDĐT; TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH - Bộ GDĐT…
Cùng với các gian hàng của các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp còn có các nhóm tư vấn theo ngành nghề: Nhóm ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, nông lâm, công nghệ… (Công nghệ thông tin, môi trường, điện tử, giao thông, xây dựng, dầu khí, công nghệ sinh học, dầu khí...);
Nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, tài chính, luật, y dược, quân đội, công an… (Báo chí, ngoại ngữ, ngữ văn, xã hội học, quản trị kinh doanh, ngoại thương, kế toán, kiểm toán, marketing, luật thương mại, quản trị luật, y đa khoa, dược, kỹ thuật y học, điều dưỡng...);
Khu vực Tư vấn tâm lý, sức khỏe, tư vấn lựa chọn ngành nghề - hướng dẫn thí sinh khám phá khả năng bản thân, nhận diện tính cách, sở thích, cách giải tỏa áp lực thi cử, chọn nghề phù hợp, chọn nghề đúng năng lực...
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, năm 2016, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Thời điểm hiện tại, các thí sinh đang chuẩn bị đăng ký dự thi cần có đầy đủ thông tin về kỳ thi cũng như thông tin về những ngành nghề dự kiến sẽ đăng ký xét tuyển. Do đó, việc tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho các em là vô cùng quan trọng.
Em Ngọc Mai (THPT Lý Thường Kiệt) cho biết, em đang học lớp 12 nên mọi sự quan tâm của em đều tập trung vào kỳ thi tới. Mặc dù đã xác định được ngành yêu thích nhưng em vẫn còn rất nhiều băn khoăn lo lắng về kỳ thi này, vì thế em đã đến từ rất sớm để có thể hỏi được càng nhiều thông tin từ các thầy cô càng tốt.
Tại khu vực khu vực tư vấn tâm lý, sức khỏe và gỡ rối lựa chọn ngành nghề, vấn đề nhiều học sinh quan tâm nhất đó là trong những năm tới, những ngành nghề gì sẽ phát triển, ngành nào có thu nhập cao, dễ tìm việc làm…
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, Việt Nam gia nhập TPP sẽ là cơ hội tạo thị trường lao động tự do, tương lai Việt Nam sẽ là một thời kỳ thị trường lao động mở, trong đó có những kỹ năng mà người lao động không thể thiếu là: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp,...
Ông Tuấn khẳng định, không phải cứ học đại học là ra trường tham gia vào nhóm ngành nghề lao động cao, không phải cứ học giỏi là ra trường làm được việc. Việt Nam có rất nhiều cử nhân kinh tế nhưng vẫn thiếu người làm kinh tế giỏi. Vì vậy các em cần trau dồi kỹ năng sống, cần học cho tốt những kỹ năng cần thiết của ngành nghề đó.
Từ nay đến năm 2025 mỗi năm TP.HCM cần thêm 270.000 đến 300.000 nhân lực thuộc 8 nhóm ngành nghề: Công nghệ - kỹ thuật (chiếm 35% nhu cầu nhân lực); kinh tế - tài chính - ngân hàng - pháp luật - hành chính (chiếm 33% nhu cầu nhưng tỉ lệ cạnh tranh để được tuyển dụng cũng rất cao); kiến trúc - xây dựng - môi trường - cấp thoát nước; nhóm ngành xã hội như: tâm lý học, xã hội học, quản trị du lịch - khách sạn; nhóm ngành sư phạm, đặc biệt là sư phạm kỹ thuật, quản lý giáo dục; nhóm ngành chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, y tá, điều dưỡng; nhóm ngành công nghệ cao trong nông nghiệp; nhóm ngành văn hóa - nghệ thuật- thể dục thể thao.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, hiện nay học phí giữa các trường có mức dao động khá cao, những trường chưa tự chủ tài chính như một số trường thuộc ĐH Quốc gia, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM... có mức học phí khoảng 7 triệu đồng/năm.
Các trường ĐH công lập tự chủ tài chính như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Mở, Trường ĐH Tài chính-Marketing, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng... có mức học phí dao động từ 15 đến 17 triệu đồng/năm. Còn các trường dân lập mức học phí rất đa dạng.
Vì vậy, các em phải tìm hiểu trước thật kĩ mức học phí của các trường, các ngành học để tránh tình trạng kinh tế gia đình không theo kịp, dẫn đến việc sự học trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình và bản thân, sinh viên phải làm thêm quá mức hoặc nghỉ học giữa chừng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.