Túi khí xe ô tô – Hiểu để tự bảo vệ mình

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Lái xe an toàn 31/05/2017 05:15

Túi khí gồm 3 bộ phận chính: Túi chứa khí, hệ thống tạo khí và bộ cảm biến va chạm.

Tui-khi-o-to_01
 

Với người gặp tai nạn, điều duy nhất cứu họ chỉ có thể là túi khí. Ngày nay, túi khí là thiết bị an toàn bắt buộc trên hầu hết xe hơi. Mỹ là một trong những nước đầu tiên yêu cầu tất cả xe hơi có mặt trên thị trường đều phải có ít nhất 2 túi khí: 1 cho người lái và 1 cho hành khách phía trước. Tầm quan trọng của túi khí là không thể phủ nhận.

Cơ cấu hoạt động

Khi xảy ra va chạm, cảm biến có tên ACU sẽ nhận ra va chạm qua máy đo gia tốc, sau đó kích hoạt hệ thống bơm phồng các túi khí. Lượng khí gas lớn nén trong thể tích nhỏ khiến túi khí bung ra với tốc độ cực lớn, khoảng 300km/h.

Trong vòng 5 giây, các khí này từ từ được thoát ra theo các lỗ nhỏ để bạn không bị mắc kẹt trong xe.

Sử dụng an toàn

Ở Việt Nam hiện nay, khá nhiều ô tô lắp ráp trong nước cắt giảm túi khí để giảm giá thành cạnh tranh. Nên những xe này chỉ được lắp tối thiểu là 2 túi khí phía trên, đồng nghĩa với việc chỉ có 1 cảm biến túi khí được lắp ở cản trước.

Với 2 túi khí và 1 cảm biến trên, túi khí chỉ làm việc khi có va chạm từ phía trước ở tốc độ trên dưới 30km/h. Túi khí không hoạt động trong các trường hợp xe bị lật, va chạm giữa 2 xe cùng chiều, xe bị đâm ngang, xe bị đâm vào vật mảnh mà chưa chạm vào cảm biến (cột điện).

Như vậy, túi khí không phải vật hộ mệnh của lái xe trong mọi trường hợp, vì thế, thắt dây an toàn là một cách hiệu quả để phòng tránh va đập thứ cấp trong xe. Hơn nữa, kể cả trong trường hợp bung túi khí, với tốc độ 300km/h, lực nén hoàn toàn có thể gây gãy xương cho người trưởng thành. Vì vậy, thắt dây an toàn cũng là cách để tránh va chạm mạnh với thiết bị an toàn này.

Lưu ý về hành khách

Tuyệt đối không cho trẻ em ngồi trên lòng người khác, đặc biệt là ghế trước. Bởi khi phanh gấp hay đổi hướng lái đột ngột, trẻ em sẽ bị văng ra theo quán tính, hết sức nguy hiểm.

Một chú ý mà người lái thường hay mắc đó là để trẻ em, người già, phụ nữ có thai ngồi hàng ghế trước, khi gặp sự cố, túi khí nổ nhiều khi sẽ gây phản tác dụng.

Không dịch ghế quá gần đến vị trí đặt túi khí, không gác chân, đặt đồ lên khoảng không gian mà túi khí có thể bung ra. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa người và túi khí là 25cm.

Kiểm tra túi khí trên xe

Để biết túi khí trên xe có hoạt động hay không cần chú ý đèn báo hiển thị trên mặt táp lô. Hệ thống này có chức năng theo dõi cụm cảm biến túi khí, nguồn điện và bộ bơm.

Biểu tượng túi khí trên táp lô

Đèn báo này sáng khi bật khóa điện và tắt đi sau khoảng 6 giây. Nếu đèn báo hiệu không sáng, hoặc không tắt trong suốt quá trình lái thì túi khí hoặc hệ thống báo gặp sự cố, cần kiểm tra ngay lập tức.

Ý kiến của bạn

Bình luận