Tương lai của Hải quân Mỹ: Robot và chiến hạm cỡ lớn

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Ứng dụng 01/01/2019 12:57

Hải quân Mỹ đang tập trung vào các robot chiến đấu dưới nước, chiến hạm mặt nước cỡ lớn để duy trì ưu thế và 2019

 

zing_navy_1
Hải quân Mỹ sẽ tập trung vào các nền tảng không người lái như dự án Sea Hunter. Ảnh: US Navy.

Hạm đội tàu chiến mặt nước của Hải quân Mỹ dự kiến có một năm với nhiều thay đổi lớn trong năm 2019. Business Insider dẫn một số nguồn tin tiết lộ nhiều thông tin chi tiết hơn về những thay đổi trong hạm đội tàu chiến của Mỹ thời gian tới.

Kế hoạch xây dựng hạm đội tương lai dự kiến được công bố trong Hội nghị chuyên đề hàng năm của Hiệp hội Tàu chiến mặt nước trong năm 2019.

Robot trinh sát, chiến đấu dưới nước

Chuẩn Đô đốc Ron Boxall, người đứng đầu Bộ chỉ huy tác chiến mặt nước (OPNAV N96) Hải quân Mỹ, cho biết robot trinh sát và chiến đấu dưới nước sẽ là trọng tâm phát triển lực lượng thời gian tới. Điều này được phản ánh trong hội nghị và đào tạo mô phỏng ở Orlando vào tháng trước.

Trọng tâm mà hải quân hướng đến là trang bị thêm cảm biến, vũ khí và thiết lập kết nối mạng để một số ít tàu chiến lớn có thể đóng vai trò chỉ huy và điều khiển cho các tàu nhỏ không người lái. N96 đang xem xét phát triển hạm đội tàu chiến không người lái cỡ lớn như dự án Sea Hunter được phát triển bởi Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA).

“Tôi nghĩ đây là những gì bạn cần để triển khai trên mặt nước và mang theo những thứ lớn, đa dạng và chi phí thấp hơn”, Chuẩn Đô đốc Boxall nói. Phát triển các tàu không người lái cho mục đích quân sự đã trở thành một phần quan trọng trong thỏa thuận gần đây của NATO tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7.

Các phương tiện không người lái dưới nước cho nhiệm vụ trinh sát, phá thủy lôi và tấn công cũng được ưu tiên phát triển. Hải quân cùng các nhà thầu đang tìm cách vượt qua những thách thức trong việc liên lạc dưới nước. Ưu tiên hàng đầu là lập trình cho chúng có khả năng hoạt động tự động

Tàu hộ vệ tương lai

zing_navy_5
Đồ họa thiết kế tàu hộ vệ tương lai FFG X. Ảnh: General Dynamics.

 

Năm 2019 là năm quan trọng đối với chương trình tàu hộ vệ tương lai (FFG X). Hải quân Mỹ phải hoàn thành các yêu cầu về kỹ thuật để mở thầu thiết kế và xây dựng chi tiết vào năm 2020. Chuẩn đô đốc Boxall gợi ý hải quân sẽ cần khoảng 20 tàu. Và một yêu cầu nữa là tàu phải có khả năng tàng hình.

“Nó sẽ là chiến hạm rất có năng lực nhưng không yêu cầu quá cao. Nó phải có khả năng vừa chiến đấu vừa thực hiện chỉ huy và kiểm soát ở cấp độ vừa phải. Đây sẽ là phương tiện chiến đấu mặt nước ít tốn kém để có thể xây dựng với số lượng lớn”, ông Boxall nói.

FFG X được xem là chương trình nối tiếp của Tàu chiến duyên hải (LCS), vốn bị chỉ trích dữ dội vì năng lực kém, chậm tiến độ và nhiều lỗi kỹ thuật. LCS dự định thay thế cho tàu hộ vệ tên lửa lớp Oliver Hazard Perry từ năm 2019. LCS tuy là chiến hạm thế hệ mới nhưng bị đánh giá kém năng lực so với loại tàu chiến mà nó sẽ thay thế. Hải quân Mỹ và nhà thầu vẫn đang loay hoay thử nghiệm module vũ khí cho LCS.

Tàu khu trục DDG-1000

zing_navy_6
Hệ thống pháo AGS tối tân trên tàu khu trục lớp Zumwalt không thể sử dụng vì đạn pháo có đơn giá quá đắt. Ảnh: US Navy.

 

Tàu đầu tiên thuộc chiến hạm tương lai lớp Zumwalt đang kết thúc việc cấu hình lại vũ khí ở quân cảng San Diego và bắt đầu quá trình tích hợp cả 3 tàu vào hạm đội. Hải quân Mỹ đã tạm dừng cuộc phiêu lưu với pháo tầm xa AGS 155 mm, bắn đạn pháo có điều khiển LRLAP vì chi phí quá cao.

Trong tháng 4, phó đô đốc William Merz, phó trưởng Phòng tác chiến của các hệ thống chiến đấu mặt nước từng thừa nhận, AGS đã khiến toàn bộ chương trình Zumwalt bị chậm tiến độ.

“Ngay cả với chi phí cao, chúng tôi vẫn không nhận được những gì như yêu cầu. Vì vậy, chúng tôi đã tách AGS ra khỏi tàu và định hình lại nhiệm vụ cho tàu”, phó đô đốc Merz nói.

Hải quân Mỹ từng kỳ vọng pháo AGS sẽ tạo ra cách mạng trong pháo binh trên tàu chiến. Loại pháo có tầm bắn xa và chính xác như tên lửa với chi phí thấp. Tuy nhiên, khi chương trình Zumwalt bị giảm số lượng từ 32 xuống còn 3 tàu khiến đơn giá đạn pháo LRLAP tăng tới gần 1 triệu USD/quả, đắt ngang với tên lửa hành trình Tomahawk, trong khi năng lực kém hơn nhiều lần.

Hải quân Mỹ buộc phải định hình lại nhiệm vụ cho Zumwalt từ tấn công mặt đất với pháo AGS sang chống tàu mặt nước, phòng không và chống ngầm.

Tuần dương hạm thế hệ mới

Hải quân Mỹ sẽ bắt đầu lên ý tưởng về thế hệ tuần dương hạm mới thay thế cho lớp Ticonderoga, một sản phẩm điển hình của những năm Chiến tranh Lạnh. Kế hoạch mua sắm tuần dương hạm thế hệ mới có thể bắt đầu vào năm 2023, hoặc 2024.

Tương tự như các tàu chiến cỡ nhỏ, Hải quân Mỹ muốn tuần dương hạm mới phải có khả năng kết nối với nhau tạo nên mạng lưới thống nhất. Điều đó có nghĩa là chiến hạm mặt nước cỡ lớn có thể dùng chung radar tương tự trên tàu hộ vệ FFG X.

Ngoài ra, việc sử dụng chung radar sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình đào tạo. Hải quân Mỹ muốn tránh tình huống tạo ra nhiều hệ thống chiến đấu chồng chéo nhau, đòi hỏi phải huấn luyện riêng cho từng nền tảng.

Ý kiến của bạn

Bình luận