Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,7 km, vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD), được khởi công tháng 7/2014, đi qua các tỉnh Long An, TP HCM và Đồng Nai. Đây là dự án đường bộ cao tốc dài và lớn nhất miền Nam, dự kiến thông xe cuối năm 2018. Tuy nhiên, theo đại diện Ban quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam, công trình hiện đạt 70% khối lượng, không thể kịp thông xe như dự kiến. Tại điểm giao giữa Quốc lộ 1A và cao tốc, được thiết kế là một nút giao thông lớn gồm cầu vượt, vòng xoay. Hiện, đường cao tốc đã hình thành nhưng đường kết nối qua đây chưa xong vì còn vướng các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.
Một số đoạn cao tốc qua huyện Bình Chánh (TP HCM) đang dần hoàn thiện, người dân trong vùng có thể chạy xe đi tắt ra Quốc lộ 1A. Toàn bộ tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với 4 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Điểm đầu của cao tốc đi qua huyện Bến Lức (Long An) dài gần 5 km, sẽ kết nối với cao tốc TP HCM - Trung Lương. Tại đây, các nhánh đường dẫn vào cao tốc hiện được thi công.
Do điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, tuyến cao tốc phải xây dựng hơn 20 km cầu và cầu cạn. Trong đó có hai cầu lớn xây dựng theo kiểu dây văng là cầu Bình Khánh và Phước Khánh. Cầu Bình Khánh khởi công 8/2015, dài 2,76 km, nhịp chính dài 375 m bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ của TP HCM. Đây là một trong những công trình quan trọng nhất thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Điểm nhấn công trình là hai trụ cầu cao 150 m, cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại. Hiện cầu Bình Khánh đã thi công được 70% tiến độ.
Cầu Phước Khánh khởi công 8/2015, dài 3,1 km, nhịp chính dài 300 m, bắc qua sông Lòng Tàu. Cầu rộng 21,7 m và nối huyện Cần Giờ (TP HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Hai trụ cầu Phước Khánh cao 135 m đang được thi công. Cầu có độ tĩnh không 55 m, cho những tàu có trọng tải dưới 50.000 tấn di chuyển trên sông Soài Rạp và Lòng Tàu đến cảng biển ở TP HCM. Khi hoàn thành, cầu Bình Khánh và Phước Khánh là hai cây cầu có độ tĩnh không cao nhất Việt Nam.
Nối giữa cầu Bình Khánh và Phước Khánh là đoạn cao tốc dài 4,7 km gồm cầu qua sông Chà và cầu cạn đi qua huyện Cần Giờ đã hoàn thành thi công từ tháng 8/2017. Đây là gói thầu "cán đích" sớm nhất trong toàn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Toàn tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có sáu nút giao cắt và lối thoát. Một số điểm giao cắt giữa cao tốc với các tuyến đường ở TP HCM như Quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Tạo, hương lộ 1... vẫn còn nhiều đoạn bị đứt quãng, chưa thể đấu nối với nhau.
Một số đoạn khác cao tốc đi qua huyện Bình Chánh (TP HCM) còn là công trường ngổn ngang, nhiều đoạn chưa đấu nối do chưa thỏa thuận được đền bù giải tỏa.
Tại những đoạn dần hoàn thiện, công nhân tất bật thi công lắp rào chắn con lươn, hệ thống chiếu sáng, tấm chống lóa, sơn kẻ vạch đường, lu nền...
Những con đường gom, đường dẫn, đường song hành, hầm chui qua khu dân cư qua TP HCM, tỉnh Long An vẫn là công trường. Trong khi đó, đoạn cao tốc thuộc tỉnh Đồng Nai vẫn đang còn vướng hơn 100 hộ dân chưa giải tỏa, mới chỉ đạt 6 - 7% tổng giá trị xây lắp. "Nếu TP HCM bàn giao mặt bằng sớm thì sẽ thông xe trước 20 km đoạn cao tốc từ Bến Lức đến nút giao thông Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) vào tháng 9/2019. Riêng 37,8 km đoạn cao tốc đến huyện Long Thành (Đồng Nai) dự kiến hoàn thành cuối năm 2020", đại diện Ban quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam nói. Riêng tuyến 20 km khi thông xe sẽ rút ngắn đáng kể thời gian xe từ các cảng biển và Khu công nghiệp Hiệp Phước về các tỉnh miền Tây và ngược lại, làm giảm áp lực xe tải từ đây vào nội ô. Theo Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP HCM, tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc - quốc lộ, hệ thống cảng biển với sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời, dự án cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, 51 và rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, đường cao tốc sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Penh, TP HCM - Vũng Tàu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.