Tuyên ngôn độc lập:Giá trị thời đại về quyền dân tộc và quyền con người

Tác giả: Nam Giang

saosaosaosaosao
Xã hội 02/09/2018 09:13

Quyền dân tộc và quyền con người là những giá trị lớn của nhân loại. Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời tuyên bố ngày 2/9/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuyên ngôn đã thể hiện giá trị cốt lõi về quyền dân tộc và quyền con người.

 

tuyn ngon doc lap_1
 


Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Ở đây, tác giả trích dẫn lời hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới là có dụng ý sâu sắc. Bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ ra đời sau khi nước Mỹ đấu tranh giành độc lập thành công. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền cũng ra đời trong chiến thắng của cách mạng Pháp - cuộc cách mạng của những thị dân và nông dân chống áp bức, bất công. Lời lẽ của hai bản Tuyên ngôn trên tự thân đã nêu lên những chân lý và là kết quả của những cuộc cách mạng có tính chất tiên phong của những nước có ảnh hưởng lớn trên thế giới, khiến cho không ai có thể phủ nhận tính đúng đắn của chúng.

Tuy nhiên, nếu như bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã phát triển sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

giao thong ha noi+1
 


Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thực sự của độc lập dân tộc.

Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh đã lên án sự tàn bạo để thấy rõ bản chất phản động của chủ nghĩa thực dân, là vết nhơ trong lịch sử nhân loại. Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là sự xóa bỏ vết nhơ đó của lịch sử nhân loại.

Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường của dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, đã giành được độc lập và cuối cùng khẳng định được vị thế độc lập của dân tộc, nhân dân ta đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của mình. 30 năm sau khi bản Tuyên ngôn ra đời, chúng ta đã giành được độc lập, thống nhất non sông. Trong công cuộc đổi mới, chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ theo tinh thần bản Tuyên ngôn đã nêu ra. Bản Tuyên ngôn đã khẳng định nền độc lập của Việt Nam là một sự hiển nhiên, khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam để bảo vệ nền độc lập tự do và kiên cường bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ với những quyền dân tộc cơ bản.

Bản Tuyên ngôn ra đời cách đây hơn 70 năm nhưng những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập về sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên quyết để giữ vững nền độc lập tự do vẫn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục quán triệt, vận dụng và phát triển tư tưởng nhân quyền của Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, khẳng định con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng chỉ rõ: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân làm chủ; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Tôn trọng quyền con người cũng chính là tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội bởi con người là chủ thể xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, đời sống nhân dân được nâng cao... Tuy nhiên, đất nước cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó theo nhận định của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, “đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp”, đặc biệt là tình hình xâm phạm và tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đang đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Trước bối cảnh đó, Đảng ta xác định bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là nhiệm vụ sống còn trong thời đại mới

Ý kiến của bạn

Bình luận