Sau hơn 01 tháng đi vào hoạt động của tuyến vận tải sông pha biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, với chi phí vận tải chỉ bằng 1/5 – 1/6 so với phương thức vận tải đường bộ, trong khi thời gian vận chuyển chỉ lâu hơn gần 2 lần. Phóng viên Tạp chí GTVT đã có bài phỏng vấn ông Nguyễn Nhật – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
PV: Thưa Cục trưởng, tuyến vận tải sông pha biển sau hơn 01 tháng đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả gì?
Cục trưởng Nguyễn Nhật: Thực hiện chủ trương siết chặt trọng tải của phương tiện của Chính phủ và Bộ GTVT, tại một số cảng biển Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã xuất hiện tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng biển, tại khu vực cảng Hải Phòng hàng hóa tăng lên 30 – 40%, tàu tạm thời trở thành kho chứa; một số cảng biển lượng hàng và tàu đã tăng lên gấp đôi, do hàng hóa được đưa vào vận chuyển bằng đường biển vào cảng rồi mới phân phối, cho thấy hàng hóa đã dịch chuyển sang phương thức đường biển tăng lên.
Với việc mở tuyến vận tải sông pha biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, mỗi tháng sẽ giảm được hàng nghìn lượt phương tiện ô tô trọng tải 30 tấn lưu thông trên các tuyến đường bộ. Điều này rất ý nghĩa trong việc góp phần giải quyết tình trạng quá tải mật độ lưu lượng giao thông và tình trạng sử dụng các phương tiện chở quá tải… góp phần đảm bảo ATGT, nâng cao tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Việc mở tuyến vận tải sông pha biển, ngoài việc san sẻ gánh nặng cho đường bộ còn là cơ hội cho chính các chủ tàu trong bối cảnh vô cùng khó khăn hiện nay. Phía các chủ hàng, chi phí vận tải giảm mạnh cũng là cái được lớn nhất khi lựa chọn phương thức vận tải ven biển này.
PV: Thưa Cục trưởng, việc các tàu mang cấp VR-SI chuyển đổi cấp lên VR-SB và tàu VR-SB có thực sự hiệu quả trong tuyến sông pha biển này?
Cục trưởng Nguyễn Nhật: Việc vận chuyển ven biển rất phù hợp với các tuyến 400 – 500km, tàu mớn nước thấp có thể vào lấy hàng ở cảng nhỏ địa phương hoặc cảng thủy nội địa, cảng biển, nơi tập trung các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu, khu công nghiệp, các tàu biển (trọng tải lớn, mớn nước cao) không thể vào được. Tuy nhiên, theo quy định các loại tàu mang cấp VR-SI, VR-SB chỉ được phép hoạt động trên các tuyến được công bố, đến nay chưa có một tuyến nào được công bố để cho tàu VR-SB hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu thực tế đang rất cần giải phóng hàng hóa, một số chủ tàu đang hoạt động không phép, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và các cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được. Theo khảo sát, mỗi tháng có khoảng 500.000 – 600.000 tấn hàng hoá có nhu cầu vận tải trên tuyến. Nếu vận tải bằng đường bộ cần phải chở 20.000 lượt phương tiện, nếu vận tải bằng tàu trọng tải 1.000 tấn chỉ cần 600 lượt với 80 – 100 tàu hoạt động.
Trước thực tế trên, để tạo cơ chế chính sách thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, việc thiết lập tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình cho các tàu mang cấp VR-SI chuyển đổi cấp lên VR-SB và tàu VR-SB hoạt động là hết sức cần thiết. Ngày 09/6/2014, Cục Hàng hải Việt Nam đã báo cáo, đề xuất Bộ Giao thông vận tải phương án thiết lập tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình để cho phép các tàu cấp VR-SI chuyển đổi cấp VR-SB hoạt động, nhằm tận dụng năng lực của đội tàu VR-SI có khoảng trên 3.000 tàu.
PV: Với mô hình này vận tải này, sắp tới Cục Hàng hải Việt Nam có nhân rộng thêm các tuyến vận tải khác không, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Nhật: Vận chuyển ven biển rất phù hợp với các tuyến vận tải cự ly ngắn. Các nhà máy sản xuất vật liệu, khu công nghiệp thường nằm sâu trong nội địa nên việc sử dụng tàu nhỏ vào sâu các cảng, bến thủy nội địa để chở hàng rất thuận lợi. Việc phát triển các tuyến vận tải ven biển này vừa giúp giảm thiểu hư hỏng cơ sở hạ tầng đường bộ, vừa giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi và giảm ùn tắc giao thông.
Thời gian vận chuyển bằng tàu ven biển gấp 2,5 đến 3 lần so với vận chuyển bằng đường bộ, tuy nhiên chi phí vận chuyển chỉ bằng 1/5 đến 1/6 so với phương thức đường bộ. Với số lượng tàu hiện có, tuyến vận tải ven biển này sẽ đảm nhận vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, đặc biệt đối với hàng hóa siêu trường, siêu trọng từ miền Bắc đến miền Trung, nơi đang xây dựng và hình thành các khu công nghiệp lớn.
Đây là giải pháp tối ưu và mang tính bền vững, tận dụng được thế mạnh của địa hình Việt Nam. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện, khuyến khích để trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ có kế hoạch phát triển thêm đội tàu, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trên tuyến. Hi vọng từ hiệu quả kinh tế cũng như tính ưu việt xã hội của tuyến vận tải này sẽ tiếp tục có các tuyến vận tải ven biển trên toàn quốc được triển khai hoạt động nhằm phát huy tối đa kết cấu hạ tầng giao thông đã có. Tôi cho rằng đây là lời giải hay cho sự kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, nâng cao năng lực vận tải ven biển để giảm áp lực cho vận tải đường bộ, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc hàng hoá tại các cảng nội địa như lâu nay. Từ đó hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp cũng được nâng cao nhờ chi phí vận tải được đưa về mức cạnh tranh, hợp lý. Thời gian tới, để tiếp tục nghiên cứu, công bố tuyến vận tải ven biển dọc theo đất nước và thực hiện Quyết định số 2495/QĐ-BGTVT hiệu quả.
PV: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!
Trường Thọ
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.