Tuyến vận tải từ bờ ra đảo: Chấn chỉnh hoạt động Cảng vụ địa phương

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 27/03/2018 06:24

Theo Kết luận Thanh tra, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam và các cơ quan chức năng chấn chỉnh các Cảng vụ ĐTNĐ địa phương trong công tác quản lý nhà nước tuyến vận tải từ bờ ra đảo. Trong đó, Đoàn Thanh tra của Bộ GTVT đã chỉ rõ nhiều tồn tại trong công tác quản lý nhà nước tại Quảng Ninh và Kiên Giang, Khánh Hòa.

 

DSC08543s
Chấn chỉnh hoạt động quản lý nhà nước tại một số Cảng vụ ĐTNĐ địa phương trên tuyến bờ ra đảo.

Quảng Ninh: "Lỗ hổng" trong công tác quản lý

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các tuyến vận tải cố định từ bờ ra đảo theo các quy định pháp luật đường thủy nội địa do Sở GTVT Quảng Ninh quản lý. Sở GTVT đã giao cho Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Địa bàn các tuyến từ bờ ra đảo trải dài từ huyện Đông Triều đến thành phố Móng Cái, trên vịnh Hạ Long và các xã đảo huyện Vân Đồn, Cô Tô.

Kết quả thanh, kiểm tra của Đoàn Thanh tra Bộ GTVT cho thấy, trong thời gian qua, Sở GTVT Quảng Ninh không làm thủ tục xin ý kiến của Cục ĐTNĐ Việt Nam trong trường hợp các phương tiện hành trình trên tuyến ĐTNĐ Quốc gia (tuyến Vân Đồn - Cô Tô, Vũng Đục - Cô Tô, Cái Rồng - Cô Tô) theo quy định tại Thông tư 20/2016/TTBGTVT.

Về hồ sơ đăng ký tuyến, tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trường hợp Công ty TNHH HTV TMDV&DL Nguyên Việt không có văn bản hoặc hợp đồng cho phép vào đón, trả khách tại bến Thanh Lân. Cùng với đó, đối với trường hợp của Hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ vận tải ô tô Ka Long, trong bản đăng ký của đơn vị và văn bản chấp thuận của Sở GTVT Quảng Ninh không ghi cụ thể số lượng phương tiện hoạt động trên từng tuyến theo quy định tại Phụ lục 01 Thông tư 66/2014/TT-BGTVT.

Đặc biệt, công tác cấp phép và quản lý cảng, bến thủy nội địa còn nhiều điểm chưa đúng quy định. Cụ thể, theo kết luận Thanh tra Bộ GTVT nêu rõ: “Sở GTVT Quảng Ninh ra Quyết định công bố hoạt động bến là không đúng quy định đối với các bến Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Bản Sen, Hòn Hai (làm thủ tục cấp Giấy phép hoạt động).

Bên cạnh đó, Cảng Cô Tô, bến Minh Châu, bến Quan Lạn, bến Ngọc Vừng, bến Thắng Lợi, bến Bản Sen, bến Hòn Hai, bến Thanh Lân tại Quảng Ninh hoạt động trên các tuyến cố định nhưng thiếu hồ sơ công bố. Việc cấp Giấy phép hoạt động tạm thời cho cảng, bến TNĐ là chưa đúng quy định tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT (Vũng Đục, Hoàng Gia - Quảng Ninh).

Theo Thanh tra Bộ GTVT, Sở GTVT Quảng Ninh đang có “lỗ hổng” trong việc chấp thuận và quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo. Theo đó, Công ty TNHH HTV TMDV&DL Nguyên Việt - Quảng Ninh hiện không có văn bản hoặc hợp đồng cho phép vào đón, trả khách tại bến Thanh Lân.

Trong bản đăng ký của Hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ vận tải ô tô Ka Long và văn bản chấp thuận của Sở GTVT Quảng Ninh không ghi cụ thể số lượng phương tiện hoạt động trên từng tuyến theo quy định tại Phụ lục 01 Thông tư 66/2014/TT-BGTVT.

Về việc thực hiện đăng ký phương tiện thủy nội địa, Sở GTVT Quảng Ninh và Kiên Giang để tình trạng Sổ đăng ký phương tiện thủy nội địa chưa đủ các nội dung theo quy định tại Điều 7 Thông tư 75/2014/TT-BGTVT. Các địa phương chưa báo cáo đầy đủ việc đăng ký phương tiện theo quy định khoản 5 Điều 21 Thông tư 75/2014/TT-BGTVT.

Doanh nghiệp hoạt động sai quy định

Tại Khánh Hòa, bến Bích Đầm (Nha Trang) đang hoạt động trên các tuyến cố định nhưng chưa được cấp phép.

Tại Kiên Giang, đối với trường hợp của Hợp tác xã vận tải thủy bộ Tân Tiến, Hộ kinh doanh tàu khách Hoàng Hạnh, trong đăng ký kinh doanh thiếu ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách ĐTNĐ.

Bên cạnh đó, một số phương tiện chưa đáp ứng được yêu cầu vùng hoạt động cấp SB theo quy định tại Phụ lục I Thông tư 61/2013/TT-BGTVT (Hợp tác xã vận tải thủy bộ Tân Tiến, Doanh nghiệp tư nhân Hương Xưa Hà Tiên, Hợp tác xã vận tải Kiên Tân, Hộ kinh doanh tàu khách Hoàng Hạnh).

Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân Hương Xưa Hà Tiên đã có văn bản chấp thuận của Sở GTVT trước khi doanh nghiệp đăng ký hoạt động vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa. Hợp tác xã vận tải Kiên Tân thiếu quy trình khai thác tàu cao tốc.

Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân Hương Xưa Hà Tiên, Hợp tác xã vận tải Kiên Tân, Hộ kinh doanh tàu khách Hoàng Hạnh, Hợp tác xã vận tải Tân Tiến thiếu văn bản hoặc hợp đồng cho phép vào đón, trả khách của cơ quan quản lý bến đồng ý cho phương tiện vào đón trả khách, Phương án khai thác tuyến không ghi phương tiện hoạt động trên mỗi tuyến.

Sở GTVT Khánh Hoà và Kiên Giang cũng chưa thực hiện chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy theo quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL.

Mặt khác, các Sở GTVT chưa thực hiện việc báo cáo định kỳ về công tác quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục ĐTNĐ Việt Nam theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT.

Chấn chỉnh hoạt động quản lý cảng, bến

Về công tác quản lý nhà nước của Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc Sở GTVT, kết luận thanh tra Bộ GTVT cũng chỉ rõ, hiện các Cảng vụ ĐTNĐ có tình trạng Giấy phép vào, rời cảng bến được các Trưởng đại diện, Phó Trưởng đại diện Cảng vụ ký, đóng dấu trước, sau đó giao lại cho các Tổ Cảng vụ hoặc Cảng vụ viên tại các đảo kiểm tra, cấp Giấy phép cho các phương tiện vào, rời cảng bến.

Khi thực hiện thủ tục cấp phép vào bến cho các phương tiện một số Cảng vụ không lưu lại Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, Danh bạ thuyền viên theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT . Điều này xảy ra tại Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh và Kiên Giang.

Đoàn Thanh tra Bộ GTVT đối chiếu giữa danh sách hành khách nộp Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh và hồ sơ theo dõi bán vé tại doanh nghiệp đã phát hiện còn một số ngày không thống nhất. Còn với Cảng vụ ĐTNĐ Kiên Giang, danh sách hành khách không đúng mẫu, thiếu chữ ký xác nhận theo quy định.

Về việc đảm bảo hoạt động kinh doanh vận tải, Quảng Ninh, Kiên Giang, Bình Thuận để tình trạng thuyền viên, người lái chưa khám sức khỏe; một số thuyền viên chưa được đóng BHXH; người điều hành vận tải chưa đủ bằng cấp theo quy định; Không có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông; Sổ danh bạ thuyền viên chưa đánh số trang, số lượng trang chưa đúng quy định.

Ngoài ra còn một số tồn tại ở Quảng Ninh và Kiên Giang như: Mẫu vé chưa đúng mẫu quy định; cuống vé không lưu đủ dữ liệu theo quy định; hồ sơ kê khai giá vé chưa có xác nhận của Sở GTVT; thiếu bằng cấp, chứng chỉ thuyền viên;….

Đặc biệt tại Kiên Giang, vẫn còn 17 trên tổng số 22 phương tiện đang mang cấp đăng kiểm SI tham gia tuyến bờ ra đảo mặc dù theo quy định phải là cấp SB. Cảng Rạch Giá hiện tại đã quá tải phục vụ khách vào giờ cao điểm; tiếp nhận một số phương tiện có khả năng chuyên chở vượt quá phê duyệt tại Quyết định số 01/QĐ-SGT ngày 18/01/2010 của Sở GTVT Kiên Giang.

Về đảm bảo các điều kiện hoạt động của cảng, bến, các địa phương này vẫn còn diễn ra tình trạng thu một số khoản thu tại cảng, bến chưa đúng hoặc chưa có trong quy định của UBND tỉnh; Báo hiệu đường thủy nội địa (biển, phao, đèn báo hiệu) trên các tuyến đường thủy nội địa bờ ra đảo chưa bố trí hoặc chưa đầy đủ; Cầu tàu thiếu hệ thống đệm chống va; biển báo hiệu chưa đúng;….

Ở Quảng Ninh, doanh nghiệp cảng, bến yêu cầu các doanh nghiệp vận tải khi làm thủ tục rời cảng Cái Rồng phải báo cáo danh sách hành khách để doanh nghiệp lưu trữ là không đúng quy định

Trước thực trạng còn nhiều bất cập trong quản lý Nhà nước tuyến bờ ra đảo, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam tham mưu cho Bộ GTVT xây dựng Nghị định quản lý hoạt động vận tải thủy nội địa, trong đó bao gồm vận tải thủy từ bờ ra đảo khắc phục các tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời tham mưu để sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đường thủy nội địa đối với những hành vi vi phạm nhưng chưa có chế tài xử lý.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các Sở GTVT phải khẩn trương khắc phục ngay các tồn tại hiện hữu. Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Quảng Ninh, Kiên Giang chỉ đạo các Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc  nghiên cứu cơ chế để khắc phục tình trạng các Trưởng, Phó đại diện Cảng vụ ký, đóng dấu Giấy phép vào rời cảng trước khi giao cho Cảng vụ viên tại các đảo kiểm tra và cấp Giấy phép theo hướng gắn trách nhiệm của người kiểm tra với quyền cho phép phương tiện vào, rời cảng.

Đối với Sở GTVT Kiên Giang, Bộ yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm các quy định vận tải thủy nội địa (về cảng bến chưa đủ điều kiện, cấp phương tiện chưa đảm bảo yêu cầu và thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ).

Mặt khác, các cơ quan, đơn vị chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đồng thời kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa từ bờ ra đảo trong phạm vi trách nhiệm.

Ý kiến của bạn

Bình luận