Grab thâu tóm hoạt động của Uber tại Đông Nam Á khiến cho "thế lực" của Grab mạnh hơn đáng kể. Thế nhưng, có thể đây cũng là thời cơ tốt cho các ứng dụng gọi xe Việt. |
Sáng 26/3, Grab Việt Nam đã phát đi thông báo cho hay đã chính thức thâu tóm Uber ở khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Uber sẽ sáp nhập vào Grab tại khu vực Đông Nam Á và Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab. Đồng thời với thảo thuận này, CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab. Điều này có nghĩa Grab đã mất đi đối thủ trực tiếp và khiến thế lực của Grab tăng lên ở thị trường Đông Nam Á.
Theo ông Mã Hoàng Hải, CEO Rada, trong thương vụ đình đám này, có thể nói Grab nhận được khá nhiều sau thỏa thuận mang tính bước ngoặt đối với thị trường Đông Nam Á. Nếu chỉ nhìn nhận đơn thuần tiếp quản toàn bộ mảng kinh doanh của Uber SEA vẫn còn là quá ít mà cần tính tới việc giờ đây đối thủ trực tiếp và lớn nhất của họ đã buông súng, giúp họ rảnh tay đối phó với những đối thủ tiềm tàng khác. Với thỏa thuận này, tham vọng trở thành nền tảng số 1 về chia sẻ xe, giao nhận đồ ăn và cả mảng thanh toán điện tử hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết.
Dẫu vậy, việc Uber bị xóa sổ cũng có thể là thời cơ tốt cho các ứng dụng gọi xe Việt.
Thời điểm tốt cho các ứng dụng Việt
Ứng dụng XELO trên nền tảng Android |
Chúng tôi gặp gỡ ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Skysoft, nhà sáng lập XELO – một ứng dụng gọi xe mới tại thị trường Việt Nam không lâu sau thông tin Uber sáp nhập về Grab.
Nhắc đến thương vụ Uber – Grab, ông Nguyễn Trường Giang cho biết: "Đây là một thời điểm tốt để các ứng dụng Việt có thể nhảy vào và phát triển trong lĩnh vực này".
Theo ông Nguyễn Trường Giang, "Grab hiện đang độc quyền nhưng không phải mãi mãi. Nếu các ứng dụng Việt mạnh dần lên thì thị trường sẽ chia sẻ dần ra và Grab sẽ không còn độc quyền nữa".
Thực tế cho thấy, ngay sau thông tin Grab và Uber sẽ "về chung một nhà" thì các ứng dụng gọi xe công nghệ vốn khá im ắng bất ngờ hoạt động sôi nổi hơn. Có thể kể đến các ứng dụng đang được giới tài xế truyền tay nhau như T.net, GO-IXE, Xelo, Vivu,…Theo thông tin mà chúng tôi có được, nhiều ứng dụng mới đã đẩy nhanh thời điểm ra mắt ứng dụng cũng như nguồn tài chính để đầu tư cho các dự án gọi xe mới với số tiền lên tới hàng trăm triệu USD.
Ông Nguyễn Trường Giang cho biết, sở dĩ Skysoft vẫn nhảy vào lĩnh vực này bởi thực tế còn thị trường còn một mảng rất lớn đó là taxi truyền thống. Hiện các hãng taxi truyền thống đang phải vật lộn để tìm cách thích ứng với phát triển công nghệ. Hầu hết các hãng taxi truyền thống đều không có nguồn lực trong việc phát triển các ứng dụng hoặc có làm nhưng vẫn manh mún và không bài bản.
XELO muốn phát triển một ứng dụng tạo ra một sàn giao dịch dành cho các lái xe. Không phân biệt taxi truyền thống, taxi công nghệ trên một sân chơi bình đẳng. Đồng thời cho phép người lái xe tự quyết định giá (trong khuôn khổ cho phép). Đồng thời, cũng mang đến giải pháp tối ưu cho hành khách như chọn giá tốt nhất, xe tốt nhất, khoảng cách gần nhất…
Ngoài ra, ông Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, ở thời điểm này, Grab và Uber đã cho người dùng và cả thị trường Việt biết dịch vụ kết nối gọi xe công nghệ. Các cơ chế chính sách quản lý đối với các hãng taxi công nghệ đã mở hơn. Đây là hai điểm mấu chốt đã được giải quyết. Và cũng chính là cơ hội tốt cho các ứng dụng trong nước có thể phát triển, là một thời điểm tốt để các ứng dụng Việt có thể nhảy vào và phát triển trong lĩnh vực này.
Dẫu vậy, ông Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng còn có vô vàn những khó khăn, thách thức trong đó thách thức lớn nhất đó là nguồn tài chính phục vụ cho Marketing, xây dựng đội ngũ phát triển, trung tâm dữ liệu,…R&D đủ mạnh để có thể phát triển lâu dài.
Nhìn nhận về cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group cho biết thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước (cả taxi tuyền thống và các startup phát triển dịch vụ gọi xe - PV) đang rất lớn bởi Grab đang trở nên mạnh hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.