Uber 'chết' ở Trung Quốc, sống khỏe ở Việt Nam?

Bạn đọc 27/02/2016 09:23

Để cạnh tranh với đối thủ tại Trung Quốc, mỗi năm, Uber mất hơn 1 tỷ USD. Không tiết lộ lãi thực song đại diện Uber cho biết, đơn vị này lại đang sống rất khỏe ở Việt Nam.

Mới đây, Giám đốc điều hành Travis Kalanick thông báo, Uber mất hơn 1 tỷ USD mỗi năm tại thị trường Trung Quốc khi tham gia cuộc chiến cạnh tranh giá với đối thủ. Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, đại diện Uber cho biết họ đang hoạt động rất tốt. 

Sống khỏe nhưng không tiết lộ mức lãi 

Theo Giám đốc đại diện Uber Đặng Việt Dũng, Việt Nam là một trong thị trường trọng tâm với mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới. 

Trong vòng 5 năm, thời gian chờ xe của khách đã giảm cho mỗi chuyến xuống còn 4 phút. Theo thống kê của Uber Việt Nam, cứ 5 giây, đơn vị này lại nhận được yêu cầu gọi xe.

"Với dân số trẻ chiếm trên 50%, Việt Nam được coi là thị trường có cá tính năng động thúc đẩy tăng trưởng của ứng dụng công nghệ rất nhanh", ông Dũng chia sẻ với Zing.vn. Tuy tự tin về thị trường Việt Nam nhưng đại diện Uber không chia sẻ cụ thể về lỗ lãi.

ubere14098701594551940x1089
Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới của Uber. Ảnh: Forbes. 

Thực tế, có thể thấy, Việt Nam cũng không hẳn là thị trường dễ tính khi Uber bị bao vây bởi không ít đối thủ cạnh tranh như các hãng taxi truyền thống, hay công ty cùng nền tảng như Grab. Hàng loạt điều chỉnh về công nghệ, giá cước, cách điều hành từ phía đối thủ được tung ra cũng khiến đơn vị này gặp khó khăn. 

Đơn cử, hai công ty lớn nhất của ngành là Vinasun và Mai Linh đã cho ra mắt ứng dụng Vinasun App và Mai Linh Taxi. Grab đưa ra nhiều hỗ trợ cho lái xe, người dùng với loại hình xe siêu rẻ....

Bên cạnh những kiến nghị cấm hoạt động của Uber tại Việt Nam từ các hiệp hội vận tải, taxi, nhiều thông tin đưa ra khá bất lợi cho Uber như Uber là "taxi trá hình", trốn thuế, hoạt động bất hợp pháp, gây rối loạn xã hội,...

Gần đây nhất, Sở GTVT và Cục thuế TP HCM đưa thông tin mỗi ngày công ty công nghệ này chuyển lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng về Hà Lan. Số tiền trên trích từ 20% doanh thu của taxi Uber. Thậm chí, một lãnh đạo Cục thuế cho biết, sẽ truy sự việc đến cùng.  

Không phản ứng mạnh mẽ, đại diện Uber chỉ cho biết, họ luôn ủng hộ cạnh tranh lành mạnh bởi yếu tố này nhằm phát triển thị trường cũng như hoàn thiện bản thân. Thậm chí, Uber tự tin đã tạo ra cuộc "cách mạng" về phương thức di chuyển trong đô thị và tối ưu các nguồn tài nguyên kinh tế.

Về phía các đối tác (là các tài xế), Uber khẳng định, sau mỗi chuyến đi, họ sẽ nhận về 100% tất cả các khoản thu dịch vụ đã thực hiện với ứng dụng. Đây cũng chính là phần thu nhập của các đối tác vận tải. Còn về khoản 20% các tài xế phải trả là chi phí dịch vụ cung cấp công nghệ sẽ được tái đầu tư vào công nghệ, marketing, nhân sự, cơ sở hạ tầng,…

Ngoài ra, phí thanh toán dịch vụ bằng thẻ tín dụng do các tổ chức thẻ quốc tế quy định là 3-5% cũng nằm trong 20% phí Uber thu từ các đối tác của hãng. Bên cạnh đó, Uber sẽ chịu hoàn toàn rủi ro về việc gian lận thẻ tín dụng (thẻ tín dụng không có khả năng thanh toán hoặc thanh toán không chính chủ).

Tuy nhiên, việc vận hành và thay đổi chính sách của Uber với đối tác cũng nhận được không ít phản ứng, từ chính người sử dụng và đối tác. Gần đây, một nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí tố bị "chém" khi dùng dịch vụ củ Uber. Trong khi đó, việc thay đổi chính sách gặp phải phản ứng của tài xế. Hết đình công, các đối tác này lại chọn hướng chuyển sang dùng ứng dụng khác. 

Muốn khỏe, phải cạnh tranh cực gay gắt

Chia sẻ với Zing.vn về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, về chủ quan, thách thức của Uber tại thị trường Việt Nam đồng đều so với dịch vụ ở các nước khác trên thế giới. 

Theo đó, rào cản lớn nhất tại Việt Nam là chưa có khung pháp lý về ứng xử cho dịch vụ chạy xe trên nền tảng công nghệ. Ngoài ra, đơn vị này gặp khó khăn rất lớn khi phải đối đầu trực tiếp cùng lúc với cả 2 đối thủ tương đối lớn tại thị trường.

Thứ nhất, liên quan tới thói quen tiêu dùng là các hãng taxi truyền thống và hệ thống thanh toán. Những người lớn tuổi chưa sẵn sàng với việc sử dụng các ứng dụng công nghệ của Uber. Tiếp đến là thanh toán bằng tiền mặt vẫn phổ biến ở Việt Nam.

Thứ hai, đối thủ đáng gớm của công ty công nghệ này chính là Grab. Có thể nhận rõ, trong khi Uber đối đầu trực tiếp với các hãng taxi thì đơn vị này lại liên kết để hoạt động. Việc này gây rất nhiều khó khăn khi một mình doanh nghiệp này trên một chiến tuyến. 

Song theo ông Giang, nhận định Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất của Uber trên thế giới cũng không sai. Bởi Việt Nam có dân số trẻ và là một trong những nước đô thị hóa trong top đầu của châu Á. Khi tốc độ đô thị hóa cao, giao thông sẽ ngày càng mở rộng, nhu cầu đi lại ngày càng tăng lên sẽ là cơ hội nhìn thấy được của một công ty công nghệ về lĩnh vực vận tải. 

Ngoài ra, nền kinh tế của chúng ta nhìn chung vượt qua giai đoạn đầu khủng hoảng đang dần ổn định trở lại, thu nhập người dân đang dần tăng lên. Theo dự đoán của tập đoàn tư vấn Boston (BCG), Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu và giàu có mạnh nhất Đông Nam Á, dự kiến lên 33 triệu người vào năm 2020. Nhu cầu đi lại bằng ôtô có thể tăng lên. Đó sẽ là lợi thế cho các hãng dịch vụ vận tải, một tiềm năng có thể chỉ có ở Việt Nam.

Có thể thấy, ở Việt Nam, chi phí để mua và sử dụng (chi phí lưu thông, đỗ xe) một chiếc ôtô tương đối lớn. Do đó, người dùng sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ Uber rẻ hơn mua phương tiện. Lợi thế này chỉ có ở một số nước bảo hộ ôtô và các ngành tiêu thụ đặc biệt như Việt Nam. Song có thể trong vòng 5 năm nữa, lợi thế này sẽ giảm đi khi các điều khoản Việt Nam ký AEC có hiệu lực. 

"Song, những thách thức như đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như kiểm định được chất lượng tài xế, nếu Uber làm tốt, công ty này sẽ được nhìn nhận theo một cách hoàn toàn từ chính khách hàng - đối tượng đánh giá thiết thực nhất trong cuộc chiến của Uber với các đối thủ khác", ông Giang cho hay. 

Ý kiến của bạn

Bình luận