Liên tiếp các thương hiệu taxi công nghệ Grab, Uber tăng phí và cước gần đây đã gây chú ý trong dư luận. |
Theo một số chuyên gia, sau quá trình “gây nghiện” làm cho người tiêu dùng quen với thương hiệu, trong tương lai cước của taxi Grab và Uber chưa chắc còn rẻ...
Lộ diện những… “Mr. tăng”
Tháng 11/2016, Uber tăng cước quãng đường từ 5.000 đồng/km lên 7.500 đồng/km, tương ứng tỉ lệ tăng 50%; tăng cước tối thiểu cho mỗi chuyến đi từ 5.000 đồng lên 15.000 đồng, tương ứng 300%; đồng thời và mức chiết khấu đối với tài xế sử dụng dịch vụ là 25%, và thời gian chờ là 450 đồng/phút (tương ứng 27.000 đồng/giờ).
Thế nhưng vừa mới đây, Uber cho biết sẽ tiếp tục tăng cước từ ngày 24/8 tại khu vực TP. HCM và sau đó là khu vực Hà Nội. Theo đó cước quãng đường tăng từ 7.000 đồng/km lên 8.500 đồng/km (tương ứng tăng hơn 21%).
Trước đó vào tháng 3/2017, Grab cũng công bố bảng giá cước mới điều chỉnh. Theo đó, cước GrabCar 4 chỗ ở khu vực TPHCM có giá cước tối thiểu 20.000 đồng/2km đầu, cước quãng đường tiếp theo là 9.000 đồng/km và cước thời gian chờ 300 đồng/phút. Cước GrabCar khu vực Hà Nội chỉ khác khu vực TPHCM ở cước quãng đường (8.500 đồng/km) và cước thời gian chờ (400 đồng/phút).
Với đà tăng cước của Grab và Uber hiện đã xấp xỉ với mức cước của một số thương hiệu taxi truyền thống ở Hà Nội như Sông Nhuệ, Ba Sao, Thành Công, Taxi Phù Đổng, Taxi Hà Đông, Vina Sao Taxi… Các thương hiệu này đều có mức “cước mở cửa” rẻ hơn Grab và Uber, tính cước tối thiểu/1km đầu thay vì 2km đầu mà Uber và Grab đang áp dụng. Cước quãng đường của họ cao hơn của Uber và Grab nhưng nếu hành khách đi những chuyến ngắn thì mức tăng không đáng kể.
Song các hãng taxi truyền thống ở Hà Nội không áp dụng chính sách cước giờ cao điểm như Uber và Grab (cước tiêu chuẩn nhân với 1.1 trở lên), vì thế trong ba khung giờ cao điểm sáng, trưa, chiều tối thì tổng mức cước trên cùng một khoảng cách của họ so với Grab và Uber có thể rẻ hơn.
Đừng ảo tưởng cước taxi Uber, Grab rẻ mãi
Khả năng Uber và Grab sẽ tiếp tục tăng cước và phí sử dụng dịch vụ của tài xế trong tương lai nhưng họ vẫn giữ một mức cước tiêu chuẩn (chưa tính cộng thêm các yếu tố tăng cước) rẻ hơn taxi truyền thống bởi theo một số chuyên gia, đối thủ chung hiện nay của taxi công nghệ Uber, Grab phải “đả bại” được xác định chính là taxi truyền thống.
Sau khi phổ cập dịch vụ tại thị trường Việt Nam, thời gian qua cũng là giai đoạn Grab, Uber sử dụng chính sách khuyến mãi ào ạt để “gây nghiện” qua đó cũng chiếm lấy cảm tình của người tiêu dùng. Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, những “cơn bão” khuyến mãi của Uber, Grab (vừa nhận khoản đầu tư mới 2 tỷ USD) cùng với lợi thế giá cước và các tiện ích khác đang dần lấy đi thị phần của taxi truyền thống. Tiến trình “gây nghiện” chỉ có thể tạm kết thúc một khi họ thống lĩnh được thị trường, dẫn dắt cuộc chơi. Song song đó hiện nay, cả Uber và Grab đều đang tận dụng dư luận xã hội để phản biện, thậm chí chỉ trích các chính sách bất lợi đối với họ qua đó gây áp lực lên cơ quan quản lý.
Những thiện cảm người tiêu dùng dành cho Uber hay Grab hôm nay giúp tạo cho họ vị thế dần vững mạnh về cả thương hiệu và thị phần, nhưng có thể sẽ trở thành cú phản đòn trong tương lai. Minh chứng sống động nhất là cú tăng phí chiết khấu đối với tài xế GrabBike khu vực Hà Nội từ 15% lên 20% áp dụng từ ngày 5/9 tới, và cú tăng cước quãng đường từ ngày 24.8 của Uber tại khu vực TPHCM như đề cập ở trên.
Nếu quan sát những lần tăng cước và phí sử dụng dịch vụ của Grab và Uber tại thị trường Việt Nam sẽ thấy rất rõ một đồ thị theo xu hướng tăng, thậm chí với tỉ lệ tăng khá cao và đã dần tiệm cận với mức cước của không ít thương hiệu taxi truyền thống tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, đây cũng mới chỉ là những động thái điều chỉnh tăng bước đầu vì dù sao cả Uber và Grab vẫn chưa thể thống lĩnh thị trường taxi. Đến khi Uber và Grab chiếm thị phần áp đảo, thì động thái tăng cước phí của họ sẽ được hiện thực hóa mạnh mẽ hơn nhằm thu lợi gấp bội những gì đã đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.