Quy định chạy đủ số chuyến trong khung giờ quy định mới được cộng tiền hỗ trợ của Uber áp dụng từ 4h ngày 15/1/2016 đang tạo ra những phản ứng kém tích cực từ những tài xế (đối tác). Nhiều đối tác của nền tảng công nghệ này ở Hà Nội đã đình công phản đối quy định trên.
Trong hàng trăm ý kiến độc giả gửi về Zing.vn đang xuất hiện hai luồng quan điểm. Một số cho rằng đòi hỏi trên của tài xế là chính đáng và cho biết Uber dường như quá cứng rắn và o ép. Tuy nhiên, số khác lại đặt ra vấn đề cánh tài xế đang "được voi đòi tiên" vì doanh nghiệp cũng cần thay đổi chính sách để có thể tối ưu hóa lợi nhuận.
Vì sao lái xe phản ứng mạnh?
Anh Thanh Hà, một tài xế Uber (Văn Quán, Hà Nội) cho biết, việc chạy đủ cuốc để được cộng toàn bộ số tiền hỗ trợ là rất khó. Song, nếu không được cộng khoản này, cánh tài xế có thu nhập chỉ ở mức trung bình, không đủ sống.
Phản bác quan điểm cho rằng đình công phản đối chính sách mới là đòi hỏi thái quá, anh Vũ Đức, một tài xế khác ở Hà Nội chia sẻ, chuyện thu nhập cao khi lái xe Uber chỉ là quá khứ. Khi đó, đơn vị này có nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng, đối tác, nên thu nhập của cánh tài xế luôn ở mức cao hơn so với lái cho các hãng taxi truyền thống.
Đại diện Uber cho biết mọi chính sách nền tảng công nghệ này đưa ra đều dựa trên thỏa thuận với các đối tác. Ảnh: VnMedia. |
Thế nhưng, hiện tại, quy định mới tung ra của Uber chẳng khác gì dồn tài xế vào tường. Anh Đức chia sẻ, việc cộng tiền khuyến mại khi phải chạy tối thiểu 3 cuốc trong một khung giờ cao điểm chẳng khác nào lái không công cho nền tảng này khi cước phí hiện tại chỉ 6.000 đồng.
Tài xế này tính toán, bình quân, cước Uber 6.000 đồng/km, trừ đi 20% còn 4.600 đồng. Nếu trừ tất cả các chi phí tiền điện thoại, xăng, hao mòn, mỗi km, tài xế chỉ thu được khoảng 2.000 đồng.
"Đặc biệt, vào giờ cao điểm ở Hà Nội thường xuyên bị tắc đường. Nhiều lần, khách chỉ ở cách mình 500 m nhưng phải di chuyển mất gần 30 phút. Do đó, được cộng tiền khuyến mại từ Uber là rất khó", anh Đức cho hay.
Riêng với chính sách thay đổi, trước mắt, thu nhập của các tài xế từng ngày giảm sút.
Một người lái xe Uber ở Hà Nội cho biết, với quy định mới, tính ra, mỗi ngày, anh đã mất gần 500.000 đồng. Tổng thu nhập một ngày hiện tại, chưa trừ chi phí xăng xe của anh chỉ khoảng 300.000-400.000 đồng. Theo tài xế nói trên, mức cước phí Uber rẻ như hiện tại (6.000 đồng/km) chỉ mang có lợi cho khách hàng. Uber và tài xế là người chịu thiệt.
Tài xế đòi hỏi cao hay Uber quá "rắn"?
Tiết lộ nói trên của giới tài xế lái cho Uber bị cho là mâu thuẫn với thông tin "phần lớn lợi nhuận kinh doanh đều chuyển cho đối tác" Uber tuyên bố cách đây không lâu.
Trước đó, phản hồi thông tin mỗi ngày chuyển 1 tỷ về Hà Lan, không minh bạch chuyện đóng thuế, đại diện Uber khẳng định, phần lớn lợi nhuận thu đuợc đều đuợc chuyển về cho đối tác lái xe tại Việt Nam. Vị này nhấn mạnh, đối tác ở đây chính là những người dùng công nghệ của Uber để kinh doanh (các tài xế).
Thế nhưng, theo tìm hiểu của Zing.vn, phần lớn đối tác lái Uber hiện nay đều cho hay họ không rõ có được "phần lớn lợi nhuận" hay không. Họ chỉ biết với mỗi cuốc đều phải trích 20% để chi trả chi phí công nghệ và hoàn toàn không rõ số tiền này đi đâu. Còn khi quy định mới được áp dụng, họ là người chịu thiệt, thu nhập giảm sút.
Uber cho biết sẽ không điều chỉnh quy định. Ảnh: VnEconomy. |
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề quy định mới và những phản ứng của tài xế, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc đại diện Uber tại Việt Nam cho biết quy định đều được thỏa thuận với đối tác. Việc hợp tác dựa trên cơ sở tự nguyện, đôi bên cùng có lợi.
Đại diện truyền thông Uber cho hay, đơn vị này sẽ vẫn giữ nguyên quy định cũ. Còn tiền khuyến mại sẽ thay đổi theo tình hình thị trường. Vị này khẳng định, việc điều chỉnh có mục đích đảm bảo thu nhập ổn định cho đối tác. Các tài xế có thể toàn quyền kiểm soát thời điểm và thời gian, lựa chọn làm việc trên nền tảng hoặc chấm dứt mối quan hệ đối tác bất kỳ lúc nào.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.