Trong vài năm qua, Uber đã thay đổi đang kể ngành kinh doanh taxi nhờ vào lợi thế giá rẻ và huy động được nhiều người tham gia hơn so với taxi truyền thống. Thành công và tăng trưởng chóng mặt của công ty này khiến cho giá thị trường của nó hiện đã đạt mức 41 tỉ USD, và được cho rằng sẽ còn tăng nữa trong tương lai.
Gần đây, Uber đã xem xét đến chuyện mở rộng vào các thị trường tương tự. Nếu nó có hàng ngàn tài xế trong một thành phố lớn sẵn sàng vận chuyển khách hàng từ điểm A đến điểm B vào bất cứ lúc nào thì tại sao không nhận vận chuyển luôn những kiện hàng? Đó chính là những gì Uber đang cố gắng thực hiện. Và nó không phải là công ty công nghệ duy nhất đang cố gắng đặt chân vào lĩnh vực giao hàng.
Như một điều tự nhiên, điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư lo lắng về những thiệt hại đối với FedEx và United Parcel Service (UPS). Tuy vậy, căn cứ theo những bình luận của Mike Glenn hồi tháng trước, FedEx chẳng hề lo lắng chút nào cả. Và đây là những lý do vì sao:
Giao hàng là công việc khó khăn
Trong một cuộc hội đàm với các nhà phân tích tháng trước, Mike Glenn, phó chủ tịch điều hành về phát triển thị trường và truyền thông của FedEx đã đưa ra hai lý do chính cho biết vì sao những dịch vụ như Uber sẽ không thể “ăn mất” được “chiếc bánh” của UPS FedEx. Thứ nhất là vì việc vận hành một mạng lưới giao hàng hiệu quả và đáng tin cậy là rất khó khăn (FedEx hiện đang phải tốn đến 4 tỉ USD/năm để giữ cho doanh nghiệp của mình có tính cạnh tranh và ngày càng phát triển). Thứ hai, ngoài mức tổng chi phí lớn như thế ra, doanh nghiệp đó cần phải có một quy mô khổng lồ để được hiệu quả về mặt chi phí. “Tôi nghĩ rằng những gì nhiều người chưa hiểu hết trong cuộc chơi này là: mặc dù công nghệ ngày nay làm cho giao diện người dùng tiện lợi và dễ dàng hơn nhưng chi phí đầu vào cơ bản vẫn không hề thay đổi,” Glenn nói. Trước đây, CEO của FedEx, Fred Smith, cũng từng có phát biểu tương tự.
Giao hàng bằng cách huy động nhiều người sẽ không hiệu quả
Xét ở một khía cạnh khác, giao hàng là việc được tổ chức khá chặt chẽ. Các tài xế của FedEx và UPS có những lộ trình được tối ưu hóa để làm cho việc giao nhận càng hiệu quả càng tốt. Dịch vụ giao hàng bằng cách huy động nhiều người sẽ không thể làm được điều đó vì những công ty như Uber thường không quy định ai đảm nhận việc gì.
Mọi người tin tưởng vào bộ đồng phục
Ngoài những vấn đề liên quan đến hậu cần ra, Glenn còn nói rằng: “Các nghiên cứu cho thấy: một người mặc đồng phục với tên tuổi rõ ràng xuất hiện trước cửa nhà là một vấn đề quan trọng đối với khách hàng”. Có lẽ điều đó ít nhất cũng có giá trị tương tự đối với những người hay doanh nghiệp đang đảm trách việc giao hàng. Nếu như một số khách hàng không hài lòng với chuyện gửi hay nhận hàng thông qua một tài xế không mặc đồng phục trên những chiếc xe không đồng nhất như Uber thì điều đó có thể là một rào cản lớn cho những dịch vụ như thế đặt chân vào lĩnh vực này.
Khó có khả năng thành công
Vì vậy, dường như Uber và những đối thủ cạnh tranh trong tương lai của Fedex và UPS sẽ phải vất vả nếu muốn đạt được quy mô và sự yêu thích của khách hàng nhờ vào đội ngũ nhân viên mang đồng phục như FedEx. Và thực sự là, những tham vọng trong lĩnh vực giao hàng của Uber đã khởi động rất chậm trong suốt năm qua.
Tuy nhiên, mặc dù Uber đang có rất ít cơ hội trong lĩnh vực giao hàng thì FedEx cũng không nên “khinh địch” bản thân họ được cho là cũng từng có “kinh nghiệm” chút ít về chuyện này. Theo một câu chuyện truyền miệng, Smith từng trình bày mô hình kinh doanh FedEx trong một luận văn kinh tế của mình hồi còn học đại học và bị giáo sư cho điểm… C vì nghĩ rằng nó sẽ không bao giờ thành công. Và trong những năm đầu mới thành lập FedEx, Smith từng phải mang 5.000 USD cuối cùng của công ty đến Las Vegas để… đánh bạc và may sao thắng được 27.000 USD mới có tiền đem về thanh toán chi phí nhiên liệu cho FedEx.
Vì thế, sẽ là ngớ ngẩn nếu phê phán tiềm năng “phá bĩnh” của Uber vào lúc này. Tuy nhiên, vào thời điểm này FedEx và UPS không phải lo lắng về một sự “đổi ngôi” trong thị trường của mình.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.