Xe ô tô dừng đỗ mua nhiên liệu tại cửa hàng xăng dầu số 125 Nguyễn Phong Sắc đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Ảnh: Vân Nhi |
Điều đáng nói, những vi phạm này diễn ra từ ngày này sang ngày khác, ai cũng thấy... song lại không được xử lý dứt điểm.
Bên trọng, bên khinh
Thực hiện Kế hoạch số 01 ngày 3/3, của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh, hàng loạt vi phạm, từ những quán ăn, quán nước, hàng rau, hàng thịt... đến các trung tâm thương mại đã bị xử lý. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, các cửa hàng xăng dầu vẫn chưa hề bị đụng chạm. Đơn cử, cửa hàng xăng dầu số 37 đường Láng (quận Đống Đa), cửa hàng xăng dầu số 125 Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), cửa hàng xăng dầu số 5 phố Hàng Bún (quận Ba Đình)... Tại đây, những cửa hàng này thản nhiên tận dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. Đặc biệt, có những thời điểm do lượng khách đông, nhân viên các cửa hàng còn ròng dây ra gần... giữa đường để bơm xăng cho khách.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Sơn, phường Láng Thượng (quận Đống Đa) cho biết, ngày nào cũng vậy, đặc biệt là giờ cao điểm, tuyến đường Láng đoạn qua cây xăng số 37 thường xuyên rơi vào ùn ứ giao thông do các phương tiện xếp hàng chờ đến lượt đổ xăng. “Hà Nội đang trong chiến dịch lập lại trật tự đô thị, tuy nhiên, với những gì mà các cửa hàng xăng dầu đã và đang làm thì hiệu quả của chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, giảm thiểu UTGT chưa đến đích” – anh Sơn đặt câu hỏi.
Tương tự, anh Nguyên Văn G. - chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Bún cho rằng, Hiến pháp khẳng định, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Thế nhưng, trong quá trình lập lại trật tự đô thị, các lực lượng chức năng chỉ nhăm nhăm xử lý người bán hàng rong, người bán nước chè, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ mà quên đi vi phạm của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng như các nhà hàng lớn.
Xử lý nghiêm tránh dư luận xấu
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Thắng – Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho biết, để thực hiện tốt Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP, UBND phường đã gửi thông báo đến tất cả các cơ sở kinh doanh trên địa bàn yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định về quản lý trật tự lòng đường vỉa hè. Tiếp nhận phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị, UBND phường sẽ chỉ đạo Công an phường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo các địa phương cũng cho rằng, hầu hết các cửa hàng xăng dầu khi được phép đi vào hoạt động đều phải có đường ra, đường vào dành cho các phương tiện. Việc để phương tiện tràn xuống lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông là có nhưng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn (?).
Người đi bộ phải đi xuống lòng đường trước cửa hàng xăng dầu số 37 Láng Thượng. Ảnh: Thanh Hải |
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù thời gian bơm nhiên liệu của các phương tiện chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, và trong chốc lát khó có thể gây ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vào giờ cao điểm nhiều phương tiện cùng chung một nhu cầu thì câu chuyện “chỉ diễn ra trong thời gian ngắn” là không chính xác.
Rõ ràng, đã đến lúc các lực lượng chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận, xử lý nghiêm tình trạng các cơ sở xăng dầu ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh để bảo đảm trật tự đô thị, và xóa đi những dư luận xấu trong việc xử lý trật tự đô thị.
“TCVN 4530: 2011 Cửa hàng xăng dầu – yêu cầu thiết kế” của Bộ KH&CN quy định: Trường hợp vị trí cửa hàng xăng dầu gần giao lộ phải bố trí đường ra vào khu vực cửa hàng không làm ảnh hưởng đến giao thông chung; Chiều rộng một làn xe đi trong bãi đỗ xe không nhỏ hơn 3,5m. Đường hai làn xe đi không nhỏ hơn 6m. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.