Ứng dụng ITS không quá xa vời

Ứng dụng 10/04/2015 15:26

Hiện nay, giao thông thông minh đang trở thành xu hướng mới đối với công tác quản lý giao thông trên toàn thế giới. Với ưu điểm nhanh chóng, kịp thời và đáng tin cậy, giao thông thông minh đang dần dần thay thế hệ thống quản lý giao thông truyền thống.


giaothong thong minh

Ảnh minh họa

Ứng dụng của FCD và FPD vào giao thông thông minh ITS

Việt Nam đang từng bước đưa giao thông thông minh vào hệ thống quản lý giao thông đô thị và trên tuyến cao tốc. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai xây dựng hệ thống giám sát, điều hành giao thông với việc sử dụng hệ thống camera giám sát, trung tâm điều khiển giao thông, hệ thống radio để thu thập thông tin.

Ông Matias Ruiz Lobacher thuộc Học viện Quốc tế Berlin gGmbH (INA) cho biết, dự án REMON dựa trên ý tưởng khai thác các tín hiệu của phương tiện cá nhân nhằm vào phát triển bức tranh toàn cảnh về giao thông, thông qua đó xây dựng hệ thống giám sát và thông tin giao thông trực tuyến. Cụ thể, các phần của dự án REMON sẽ bao gồm: (1) GIS, bản đồ số, số đường phố, mô hình tăng trưởng đô thị; (2) Hệ thống giám sát và thông tin giao thông FCD và FPD; (3) Quản lý giao thông: Chiến lược và mô hình giao thông; (4) các kịch bản và quy hoạch đô thị sử dụng năng lượng hiệu quả.

Để có thể đạt được mục đích hướng tới giao thông thông minh đô thị, chương trình sẽ thu thập dữ liệu giao thông dựa trên dữ liệu xe con (FCD) và dữ liệu điện thoại trực tuyến (FPD), cụ thể nguồn dữ liệu sẽ được thu thập thông qua xe taxi, xe buýt, xe tải và xe máy. Ngoài ra, các chuyên gia còn điều chỉnh cách thức thu thập thông tin cho phù hợp với Việt Nam – đất nước có giao thông phụ thuộc vào xe máy. Bên cạnh đó, FCD và FPB sẽ còn được sử dụng là các công cụ phát hiện tình hình giao thông, đồng thời là công cụ giám sát nhằm đánh giá hiệu quả các biện pháp quản lý giao thông cũng như quy hoạch giao thông và đô thị.

Đối với giao thông thành phố, FCD sẽ nhắm tới taxi, xe buýt và xe tải nhẹ làm đối tượng phát hiện tình hình giao thông. Với các thuận lợi trong việc di chuyển linh hoạt, quãng đường di chuyển dài hơn so với ô tô thông thường và khu vực hoạt động bao phủ toàn mạng lưới đường và khu vực giao thông toàn thành phố, taxi sẽ là đối tượng chủ đạo trong việc xây dựng bức tranh giao thông tại các thành phố lớn. Hơn thế, do các nhà cung cấp dịch vụ taxi đã trang bị đầy đủ các thiết bị máy phát, navigator (định hướng) và điện thoại di động cho các xe, chi phí áp dụng sẽ rẻ hơn nhiều nếu so sánh với các phương tiện khác.

Hoạt động song song với FPD, Hệ thống dữ liệu điện thoại trực tuyến FPD sẽ thu thập thông tin dựa trên thiết bị điện thoại di động của người sử dụng xe máy, qua đó xây dựng bản đồ giao thông trực tuyến và trực tiếp.

Ứng dụng của FCD và FPD đối với kiểm soát giao thông đô thị

Với việc có trong tay dữ liệu trực tiếp, tốc độ cao từ FCD và FPD, các nhà quản lý giao thông sẽ có thể giám sát trực tiếp tình hình giao thông các tuyến đường và nút giao, quản lý đèn tín hiệu giao thông một cách chủ động, phù hợp với tình huống ngay trên đường thay vì thụ động, khuôn mẫu như trước đây. Ngoài ra, thông qua FCD và FPD, việc quản lý các đoàn xe (công ty taxi và xe buýt) sẽ trở nên đơn giản hơn.

Đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa cũng như hành khách, các ứng dụng của FCD (dữ liệu xe con di động) và FPD (dữ liệu điện thoại trực tuyến) có thể áp dụng cho việc giám sát tuyến đường và nút giao, điều hành và kiểm soát giao thông bằng đèn tín hiệu, quản lý hoạt động của các đoàn xe (bao gồm các công ty taxi và xe buýt) nhằm hướng tới quản lý trật tự giao thông một cách khoa học và hiệu quả hơn.

Tình hình triển khai áp dụng tại Việt Nam

Hiện nay, ý tưởng của dự án REMON tại Việt Nam được mang tên “Giám sát giao thông đô thị trực tuyến – Giải pháp quản lý giao thông và phát triển đô thị Hà Nội”. Ý tưởng dự án là dựa trên dữ liệu từ các phương tiện giao thông được lắp đặt thiết bị GPS và điện thoại di động của người lái xe. Dự án giao thông thông minh sử dụng tín hiệu GPS đang được áp dụng thử nghiệm trên một nhà mạng tại Việt Nam.

Theo TS Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, “Các thành phố lớn đang áp dụng ITS chỉ cần từ 8.000 đến 20.000 phương tiện là đã đủ thông tin giám sát khi áp dụng công nghệ này. Do đó, chỉ cần 10% số thuê bao của một nhà mạng tương đối kết nối với trung tâm giám sát là đã đủ để xác định tình hình giao thông thực tế của đô thị, mang lại hiệu quả cao cho công tác quản lý, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tương lai.

Liên quan đến những lo ngại trong cộng đồng, dữ liệu di chuyển của khách hàng sẽ bị các nhà mạng nắm giữ. TS. Hoàng Giang – Phó giám đốc Trung tâm Sản phẩm ứng dụng của Viettel cho biết, việc sử dụng dịch vụ giao thông thông minh sẽ dựa trên thỏa thuận tự nguyện giữa người dùng và nhà cung cấp, với thông tin cá nhân sẽ được cam kết bảo mật dựa trên các quy định pháp luật, vì thế dữ liệu cá nhân của người dùng sẽ hoàn toàn được bảo vệ. Ngoài ra, các phương tiện được lắp đặt GPS sẽ còn được bao gồm cả các dịch vụ tìm kiếm xe, chống trộm và cung cấp thông tin tình hình giao thông để giúp cho người sử dụng thuận tiện hơn khi tham gia gia thông .

Hà Vũ

Ý kiến của bạn

Bình luận