Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị trao đổi về hoạt động KHCN&ĐMST giữa Bộ KH&CN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa diễ ra tại Hà Nội.
Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong nông nghiệp
Báo cáo về tình hình hoạt động KH&CN của Bộ NN&PTNT trong thời gian qua, đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, năm 2021 GDP nông lâm thủy sản vẫn tăng khoảng 2,85 – 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy, sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Những thành quả đạt được có vai trò rất lớn, trụ cột quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng KH,CN&ĐMST trong ngành NN&PTNT.
Khoa học và công nghệ đã tập trung vào các sản phẩm chủ lực: Chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, kháng bệnh và chống chịu… nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, nhiều quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng đã giảm chi phí đầu tư.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình sản phẩm quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen… được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã chia sẻ những kết quả đạt được, trao đổi những khó khăn, thuận lợi trong hoạt động KH,CN&ĐMST lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm đưa KH&CN đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành nông nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận các nội dung hướng dẫn xây dựng kế hoạch KH,CN&ĐMST giai đoạn 2022 – 2025.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của Bộ NN&PTNT, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN đã có những phát biểu và nhận thấy đây là những vấn đề thực tiễn, có tính cấp thiết để giải quyết những vấn đề KH,CN&ĐMST phục vụ cho phát triển ngành nông nghiệp.
Ứng dụng KH&CN giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản
Theo báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2022 và yêu cầu đặt ra đối với KHCN&ĐMST trong hoàn thành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030; đại diện một số hội, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học chia sẻ về tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về KHCN&ĐMST để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo đó, Bộ NN&PTNN, chủ trì thu thập 14 chỉ tiêu trong Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam, xác định phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm và đã đưa nội dung này vào Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ năm 2017 đến nay, Bộ đã hoàn thành 5 bộ Luật quan trọng, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều, ban hành 5 chiến lược ngành thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045, qua đó thể chế hóa rõ hơn quan điểm phát triển bền vững để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Về giải pháp KH&CN, trong thời gian tới Bộ NN&PTNN xác định sẽ tăng cường tiềm lực KH&CN, tập trung đầu tư phát triển một số viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình tiên tiến của khu vực và quốc tế; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của ngành; hình thành nhóm nghiên cứu mạnh giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia. Chú trọng phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp; nghiên cứu phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thải phát thải nhà kính; nghiên cứu các giải pháp KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, Bộ KH&CN luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho các chương trình hợp tác, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị quản lý, các đơn vị làm công tác nghiên cứu khoa học quan tâm, nghiên cứu kỹ, để triển khai thực hiện theo đúng định hướng trong “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi chúng ta triển khai và thực hiện theo đúng Chiến lược thì khẳng định được vai trò của KHCN&ĐMST với sự phát triển của ngành, lĩnh vực.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, ngành khoa học có nhiều đặc thù, là lĩnh vực nghiên cứu và có tính rủi ro cao. Do đó rất cần sự chung tay, đồng hành của Bộ NN&PTNT, nói lên được sự đóng góp của KH&CN trong việc phát triển kinh tế - xã hội, để các Bộ, ngành và lãnh đạo các cấp chia sẻ với đặc thù của KH&CN.
Cũng tại Hội nghị, thay mặt Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ KH&CN, trong thời gian qua. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ và đồng hành của Bộ KH&CN trong các hoạt động KHCN&ĐMST, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển KH&CN của ngành nông nghiệp, đóng góp vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng của ngành.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi, biến động khó lường do dịch bệnh, xung đột, thiên tai và các hiện tượng thiên nhiên bất thường do biến đổi khí hậu, mặc dù tăng trưởng bứt phá nhanh, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Để có thể “dĩ bất biến ứng vạn biến”, biến thách thức thành cơ hội, ngành nông nghiệp đã đưa ra rất nhiều các định hướng chiến lược, chính sách và giải phát để nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, trong đó Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH&CN và ĐMST) luôn được coi là mũi nhọn, là chìa khóa thành công tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
"Ngành nông nghiệp Việt Nam rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ KH&CN để cùng hợp tác phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu, và giúp Việt Nam thực hiện các cam kết về giảm phát thải và chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, cần phải tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện, môi trường làm việc cho các nhà khoa học, chuyên gia để họ có thể phát huy vai trò, bên cạnh đó cần đẩy mạnh ứng dụng KH&CN làm "bệ phóng" giúp ngành NN&PTNT nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.