Chính sách phát triển GTVT bền vững, thân thiện với môi trường
Vấn đề quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống GTVT hợp lý, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả luôn có sự gắn kết hữu cơ với nhau trong chiến lược phát triển, quản lý GTVT của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Cần xây dựng thành tiềm thức về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân khi tham gia giao thông. Bên cạnh chiến lược phát triển và quản lý GTVT thì việc hoàn thiện các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm nâng cao nhận thức, tạo thói quen bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng trong công tác vận tải, ứng dụng công nghệ cho công nghiệp môi trường trong giao thông của cộng đồng dân cư có thể coi là mục tiêu chính cần đạt được trong thời gian tới.
Hoạt động của ngành GTVT với đặc thù có tính xã hội cao, việc quản lý cũng hết sức đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Tính hoàn thiện của kết cấu hạ tầng; chất lượng phương tiện; phương pháp tổ chức khai thác vận tải, điều tiết giao thông kết hợp với giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng; và một điểm rất quan trọng nữa là ý thức của người tham gia giao thông.
Từ nay đến năm 2020 cần phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT công cộng, nhất là giao thông đô thị; đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị từ 16 - 26%. Đối với các thành phố lớn, phát triển mạnh hệ thống xe buýt thân thiện với môi trường; nhanh chóng đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng nhanh, khối lượng lớn tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đạt tỷ lệ đảm nhận vận tải khách công cộng 35 ÷ 45%; tiến tới kiểm soát được tốc độ gia tăng của xe máy, xe ô tô con cá nhân trên cơ sở đồng thuận và tự nguyện.
Qua đó, chúng ta đã thấy rõ ý nghĩa của vấn đề quy hoạch, phát triển giao thông hợp lý, trong đó có việc phát triển các phương tiện GTVT thân thiện với môi trường sẽ mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Kiểm tra tại hiện trường thiết bị vệ sinh tự hoại do PETECH sản xuất, lắp trên toa xe khách |
Phát triển phương tiện GTVT thân thiện với môi trường
Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Người khuyết tật thì chính sách phát triển phương tiện giao thông văn minh, tiện nghi, ít phát thải, thân thiện với môi trường đã được quan tâm và đưa vào chiến lược phát triển ngành GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các loại hình vận tải và phương tiện giao thông thân thiện với môi trường được quan tâm theo hướng:
Đổi mới tổ chức khai thác vận tải tối ưu, cải thiện giao thông đô thị
Đây là chủ đề rất quan trọng, việc phát triển vận tải từng bước hiện đại với chi phí hợp lý, an toàn, giảm thiểu tác động môi trường và tiết kiệm năng lượng. Cần sớm ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức; nhanh chóng đổi mới phương tiện vận tải có hiệu suất khai thác sử dụng cao, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường; chú trọng hoàn thiện hệ thống dịch vụ vận tải đối ngoại, trước hết là vận tải hàng không, đường sắt nhằm tăng cường khả năng giao lưu và tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường.
Trước hết, cần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải khách công cộng trong nội đô và khu vực liền kề; nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn phương tiện vận tải khách công cộng phù hợp đặc thù của từng tỉnh, thành phố với tiêu chí thân thiện với môi trường, đáp ứng tiện nghi và bảo đảm yêu cầu của người tham gia giao thông; rà soát, tổ chức mạng vận tải khách công cộng hợp lý, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho nhân dân; kết hợp với việc sử dụng loại phương tiện vận tải bằng xe buýt có hàm lượng phát thải tối thiểu thì chúng ta sẽ cải thiện đáng kể chất lượng không khí của khu vực trọng điểm trong đô thị, nhất là với Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đồng thời cần tạo lập thói quen đi bộ, đi xe đạp trong khu đô thị đối với người tham gia giao thông cự ly ngắn.
Tổ chức quản lý giao thông đô thị một cách khoa học, sử dụng công nghệ và các trang thiết bị hiện đại; phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và bảo vệ môi trường; nâng cấp, mở rộng hai trung tâm điều khiển giao thông của Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và đầu tư các trung tâm tương tự ở các đô thị khác khi có nhu cầu.
Sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường trong chiến lược phát triển GTVT
Tại các đô thị lớn, trước mắt là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh vận tải khách công cộng; ưu tiên phát triển vận tải khách số lượng lớn, đường sắt đô thị; chú trọng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại, an toàn, tiện lợi; phát triển hệ thống giao thông tĩnh và giao thông tiếp cận cho người khuyết tật; kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân; giải quyết ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đô thị.
Sử dụng phương tiện ít phát thải, tiết kiệm nhiên liệu; áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện GTVT; sử dụng nhiên liệu sạch: Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên nén (CNG); ứng dụng năng lượng thay thế cho phương tiện GTVT: Phương tiện sử dụng điện, hydro, xăng sinh học (E5, E10), diesel sinh học (B5…); ứng dụng các sản phẩm tiên tiến của nền công nghiệp môi trường nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực tới môi trương nướn, không khí, đất…
Quản lý chất lượng phương tiện GTVT thông qua áp dụng tiêu chuẩn khí thải bảo đảm sự phát triển bền vững với môi trường
Ngày 10/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm thúc đẩy phát triển phương tiện ít phát thải. Qua 3 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trước hết là ô tô đã dần đi vào nền nếp, góp phần kiểm soát phát thải chất gây ô nhiễm không khí.
Thời gian tới, ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện việc kiểm soát khí thải đối với các loại xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố theo Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và nghiên cứu xây dựng lộ trình phù hợp để đưa vào áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn (mức Euro 3, 4, 5) cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Phát triển phương tiện GTVT thân thiện với môi trường thông qua ứng dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu thay thế
Ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2020, với các mục tiêu là phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Theo kế hoạch, cả nước sẽ có 5 nhà máy sản xuất xăng sinh học đi vào hoạt động với tổng công suất 365.000 tấn/năm đủ để pha chế 7,3 triệu tấn xăng E5.
Bên cạnh đó, một số dự án thí điểm sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên nén (CNG) đã được triển khai và mang lại hiệu quả như: Ứng dụng bộ chuyển đổi xăng sang LPG đã được sử dụng khá rộng rãi trên xe taxi ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; thử nghiệm CNG cho xe buýt đô thị, xe taxi ở TP. Hồ Chí Minh.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong trong GTVT
Để cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Đề án này có ý nghĩa quan trọng với các tỉnh, thành phố; việc kiểm soát khí thải xe cơ giới trên địa bàn cần thực hiện từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung trước tiên vào các khu vực ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Cần huy động các nguồn lực cần thiết, khuyến khích và huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện nhằm kiểm soát cho được tình trạng ô nhiễm không khí trong độ thị, đặc biệt khu đông dân cư sinh sống.
Tại các nước đang sử dụng nhiều xe máy, ô tô, để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của khí thải do động cơ đốt trong sinh ra, người ta đã lắp bộ xử lý khí thải (Catalyst). Giải pháp này mang tính chủ động, cưỡng bức để cải thiện chất lượng không khí cho các đô thị của Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị có mật độ cao các loại mô tô, xe máy, ô tô tham gia giao thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.