Ứng phó cấp Quốc gia giải quyết tai nạn tàu thuyền trên biển

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 28/05/2020 06:41

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN vừa ban hành Kế hoạch số 217 ứng phó cấp quốc gia về tai nạn tàu thuyền trên biển


unnamed
Ảnh minh họa

Mục tiêu tổng quát

Huy động nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó có hiệu quả tai nạn tàu, thuyền trên biển nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường; giúp duy trì thường xuyên các lực lượng trên biển, góp phần đảm bảo vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược biển Việt Nam, khẳng định trách nhiệm của quốc gia trong việc tuân thủ các công ước, điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia.

Mục tiêu cụ thể

- Làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó; huy động lực lượng, phương tiện thuộc quyền tổ chức ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển theo chức năng, nhiệm vụ được phân công;

- Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức huấn luyện, luyện tập; đề cao giải pháp phòng ngừa, phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác tìm kiếm cứu nạn tàu, thuyền trên biển;

- Tăng cường nguồn lực, phát huy tốt sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế và cá nhân liên quan trong hoạt động ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển.

Phạm vi, đối tượng

- Kế hoạch này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam và trong vùng nước cảng biển.

- Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế và cá nhân liên quan trong hoạt động ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên vùng biển Việt Nam và trong vùng nước cảng biển có trách nhiệm thực hiện kế hoạch này.

Đánh giá tình hình

Dự kiến một số loại hình tai nạn tàu, thuyền trên biển có thể xảy ra:

- Tàu vận tải hàng hóa (bao gồm tàu hàng tổng hợp, tàu hàng rời, tàu dầu, tàu khí hóa lỏng, tàu container...) trong nước hoặc nước ngoài đâm va với tàu, thuyền khác làm chết, bị thương, mất tích một hoặc nhiều người và gây chìm, cháy, nổ, ô nhiễm môi trường biển (tràn dầu hoặc hóa chất độc).

- Một tàu hoặc nhóm tàu cá bị sự cố, mất liên lạc, hỏng máy, cháy, nổ, chìm tàu do lỗi kỹ thuật, gặp thời tiết nguy hiểm trên biển hoặc đâm va với tàu khác làm chết, bị thương, mất tích một hoặc nhiều người.

- Tàu chở khách du lịch (bao gồm cả du thuyền) trong nước hoặc nước ngoài đâm va với tàu vận tải, va đá ngầm hoặc thời tiết gió bão nguy hiểm... làm chết, bị thương, mất tích một hoặc nhiều người và gây chìm, cháy, nổ, tràn dầu trên biển.

Năng lực, lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn

* Bộ GTVT:

- Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam gồm 4 trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực (Khu I tại Hải Phòng, Khu vực II tại Đà Nẵng, Khu vực III tại Vũng Tàu, Khu vực IV tại Nha Trang). Các trung tâm này có 7 tàu SAR tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng, ca-nô cao tốc có thể hoạt động khu vực xa bờ và hệ thống thông tin liên lạc đi kèm;

- Lực lượng của các cảng vụ hàng hải: Gồm 25 cảng vụ hàng hải khu vực, các cảng vụ này có một số tàu, ca-nô công vụ hoạt động đảm bảo an toàn an ninh hàng hải và các thiết bị cẩu, bốc xếp có khả năng chủ trì hoặc tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển và tại các vùng nước cảng biển;

- 02 Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam: Gồm các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực hoa tiêu, bảo đảm an toàn hàng hải trên cả nước; có nhiều phương tiện thủy như ca-nô, tàu kéo, sà lan công trình, sà lan mở đáy, tàu lai dắt... và nhiều thiết bị đi kèm;

- Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL): Phụ trách các hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam từ Móng Cái đến Cà Mau; Trung tâm Xử lý và kiểm soát Thông tin Hàng hải Hà Nội; Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Inmarsat Hải Phòng (Hai Phong Land Earth Station); Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat (VNLUT/MCC) tại Hải Phòng;

- Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT có thể cung cấp các dịch vụ về hàng hải, trục vớt, dịch vụ kỹ thuật ngầm và tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển như: Công ty Trục vớt Cứu hộ Việt Nam (VISAL); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC); Tổng công ty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco); Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam; Công ty Vận tải và thuê tàu...;

- Lực lượng khác: Các cảng vụ đường thủy nội địa, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không, Trung tâm Hiệp đồng Tìm kiếm cứu nạn Hàng không (miền Bắc, Trung, Nam) và các cơ quan, đơn vị khác thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, xây dựng, vận tải (đường biển, thủy nội địa), thông tin, viễn thông, y tế...

* Bộ Quốc phòng:

- Các tàu, xuồng, ca-nô và các phương tiện thủy khác làm nhiệm vụ vận tải, huấn luyện, tuần tra, thực thi pháp luật trên sông, trên biển thuộc: Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các quân khu ven biển, Binh chủng Đặc công, Binh chủng Công binh, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng...;

- Các trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Song Tử Tây (Khánh Hòa);

- Các trung tâm đào tạo, huấn luyện: Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường biển; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung; Trung tâm Quốc gia Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không;

- Lực lượng, phương tiện bay (máy bay cánh bằng, thủy phi cơ, trực thăng) của các cơ quan, đơn vị thuộc: Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh đoàn 18...;

- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, vận tải biển, tài nguyên môi trường, y tế, thông tin, viễn thông... (như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, bệnh viện các tuyến).

* UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương:

- Lực lượng, phương tiện của các sở, ban, ngành và huyện (thành phố) trực thuộc tỉnh, thành phố; tàu, thuyền, phương tiện thủy của các tổ chức, cá nhân, ngư dân do UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương trực tiếp quản lý phương tiện (hoặc được quyền huy động khi có vụ việc);

- Lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành và lực lượng, phương tiện của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, tài nguyên môi trường, vận tải biển, vận tải đường sông, y tế, viễn thông... đứng chân trên địa bàn.

* Tổ chức, tập đoàn thuộc Chính phủ và các bộ, ngành khác:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Các đội tàu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; các trung tâm thông tin chuyên ngành thủy sản; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thủy sản, y tế...;

- Bộ Công Thương: Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dầu khí, vận tải biển, tài nguyên môi trường... (như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Trường Cao đẳng Dầu khí, Xí nghiệp vận tải biển và Công tác lặn/Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro);

- Lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành khác (Công an, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Ngoại giao); cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp thuộc Chính phủ; bộ, ngành, địa phương hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, vận tải biển, tài nguyên môi trường, y tế, thông tin, viễn thông...

* Lực lượng khác:

- Các tàu vận tải quốc tế đang hoạt động trong vùng lãnh hải Việt Nam hoặc có hải trình quốc tế gần vị trí tàu, thuyền của Việt Nam gặp nạn;

- Hội Chữ thập đỏ; các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, tình nguyện;

- Phương tiện, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa trong và ngoài khu vực theo thỏa thuận với Việt Nam hoặc do Việt Nam thuê... 

Ý kiến của bạn

Bình luận