Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia sẽ thuộc Bộ Công Thương

Chính trị 12/06/2018 18:37

Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương với nhiệm kỳ 5 năm.


 

Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia sẽ thuộc Bộ Công Thương
Tỷ lệ biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi. Ảnh: PV

Với 95,28% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, ngày 12/6 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi), trong đó một trong những nội dung quan trọng là Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia sẽ thuộc Bộ Công Thương. 

Trước khi biểu quyết thông qua toàn dự luật, Quốc hội đã biểu quyết riêng Điều 8 về hành vi bị cấm liên quan cạnh tranh và Điều 46 về Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia với kết quả hơn 90% tán thành. 

Theo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các thành viên. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác là bộ máy giúp việc cho Uỷ ban này. 

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh. Uỷ ban này cũng sẽ tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại đối với các quyết định liên quan đến vụ việc cạnh tranh...

Góp ý trước đó nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn việc để Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công Thương sẽ "phình thêm bộ máy, không đảm bảo tính độc lập trong xử lý các vụ việc cạnh tranh". Tại nhiều nước cơ quan này là tổ chức, thực thi quyền hạn độc lập. 

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị sửa quy định thành viên Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng, tương tự quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và có thể kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm các chức danh này lên 7 năm.

Tuy nhiên, giải trình sau đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội "xin giữ như dự thảo luật". Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế lý giải, việc quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia gồm Chủ tịch do Thủ tướng bổ nhiệm nhằm đảm bảo tính độc lập trong thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Nhiệm kỳ của Chủ tịch uỷ ban này là 5 năm cũng phù hợp với quy chế bổ nhiệm cán bộ, công chức.

Ngoài ra, các quy định liên quan tới cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh cuốc gia.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm 118 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Luật cũng đưa ra điều khoản chuyển tiếp, hành vi vi phạm cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004 được tiếp tục xem xét, giải quyết. 

Ý kiến của bạn

Bình luận