Vai trò của công cụ pháp luật đối với công tác quản lý hoạt động đầu tư công theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ ở Việt Nam

29/01/2018 10:54

Bài viết đề cập đến sự cần thiết của hình thức hợp tác công - tư và vai trò của công cụ pháp luật theo hình thức đối tác công - tư trong xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ ở Việt Nam.

ThS. NCS. Đỗ Văn Thuận

Trường Đại học Giao thông vận tải

Người phản biện:

PGS. TS. Bùi Ngọc Toàn

GS. TSKH. Nghiêm Văn Dĩnh

TÓM TẮT: Bài viết đề cập đến sự cần thiết của hình thức hợp tác công - tư và vai trò của công cụ pháp luật theo hình thức đối tác công - tư trong xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ ở Việt Nam.

TỪ KHÓA: PPP, đầu tư công, giao thông đường bộ.

Abstract: The paper aims to clarify the need of using the public private partnerships contract and the role of legal frames for this formula that assists the development of road infrastructure projects in Vietnam.

Keywords: PPP, public investment, road traffic.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng và kết cấu hạ tầng giao thông nói chung có vai trò quan trong phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống đường bộ tốt tạo ra điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương hàng hóa giữa các địa phương trong nước, giúp giảm bớt chi phí vận tải do rút ngắn quãng đường và chất lượng đường được nâng cao, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển của luồng hàng hóa và tiết kiệm thời gian di chuyển của người tham gia giao thông đường bộ. Thực tiễn cho thấy, hệ thống đường bộ được nâng cấp đến địa phương nào thì bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương đó đã thay đổi hoàn toàn, phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn. Điều này cho thấy cần đầu tư nhanh chóng và thích đáng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Nhận thức được vai trò quan trọng trên, trong nhiều năm qua, Nhà nước trích một phần không nhỏ ngân sách để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không thể chỉ trông chờ nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước mà cần huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Vấn đề đặt ra là nguyên tắc đầu tư của khu vực tư nhân là phải thu hồi vốn và đảm bảo có lãi. Tức là, nếu để khu vực tư nhân đầu tư thì sau khi đầu tư họ phải được thu phí hoặc thu tiền cho thuê… Mô hình đối tác công - tư ra đời chính là chìa khóa cho bài toán này.

Mặt khác, như chúng ta biết, đầu tư công, trong đó có đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là khu vực đầu tư mà bấy lâu nay chưa thực sự hấp dẫn khu vực tư nhân bởi rất nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân rất quan trọng cần được đề cập đó là các công cụ pháp lý chưa đủ để khuyến khích, tạo điều kiện và thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư. Chính vì vậy, bài viết này đề cập đến sự cần thiết của mô hình đối tác công - tư và vai trò của công cụ pháp luật đối với công tác quản lý đầu tư công theo hình thức PPP trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.

2. SỰ CẦN THIẾT CỦA HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG - TƯ TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ Ở VIỆT NAM

Với quan điểm “kết cấu hạ tầng đi trước một bước”, trong những năm qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi về năng lực và chất lượng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến 2020 là rất lớn (Bảng 2.1).

Bảng 2.1. Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2020

Loại đường

Tổng nhu cầu(tỷ đồng)

Bình quân năm(tỷ đồng/năm)

Quốc lộ (không bao gồm QL1, đường Hồ Chí Minh)

255.701

31.963

      Quốc lộ 1

89.362

22.340

      Đường Hồ Chí Minh

240.839

26.760

Đường bộ cao tốc      Trong đó, riêng cao tốc Bắc Nam phía Đông

446.289209.173

49.09226.147

Đường bộ ven biển      - Giai đoạn đến 2020      - Giai đoạn sau 2020

28.13216.01312.120

1.600

Đường tỉnh

120.000

12.000

Giao thông đường bộ đô thị cho thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

287.500

29.000

Giao thông nông thôn

151.404

15.140

Trong khi Chính phủ đã quyết định giảm tổng mức đầu tư từ hơn 40% GDP trước đây xuống còn 34% năm 2012 và 30% năm 2013, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ phải giảm xuống còn 8 - 9% GDP cho sát với mức của khu vực hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, đầu tư cho hạ tầng đường bộ cũng sẽ thấp hơn trước rất nhiều. Vì vậy, để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kết cấu giao thông đường bộ thì nguồn vốn sẽ lấy ở đâu? Một trong các giải pháp để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đó là hình thức đối tác tác công - tư (PPP).

Theo thông lệ quốc tế, có nhiều hình thức cụ thể của PPP, đó là: Hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT, hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO), hợp đồng BTL, hợp đồng BLT, hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M). Mỗi hình thức cụ thể của PPP nói trên phù hợp với những loại kết cấu hạ tầng hoặc loại dịch vụ công nhất định.

Hiện nay, đối tác công - tư đang được đánh giá là hình thức huy động vốn tối ưu nhất cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ bởi 10 lý do sau:

Thứ nhất, dự án đầu tư theo hình thức PPP tạo ra cơ chế năng động trong việc phân công hợp lý giữa các bên trong hợp đồng dự án PPP (khu vực công và khu vực tư), bên nào có khả năng làm tốt hơn một công việc cụ thể sẽ được phân giao thực hiện phần việc đó, đồng thời được hưởng các quyền lợi từ phần việc đó. Nói cách khác, đó là sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố tác động đến suốt vòng đời của dự án, sự phân bổ rủi ro giữa các bên một cách tối ưu nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, nội dung chính của hợp tác công - tư là chia sẻ rủi ro và trách nhiệm giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, trong đó trách nhiệm gánh chịu chính đối với những rủi ro thuộc về khu vực tư nhân. Nhà nước cũng có trách nhiệm trong việc hỗ trợ khu vực tư nhân về tài chính để đảm bảo dự án khả thi và giảm bớt khó khăn cho khu vực tư nhân. Nội dung hợp đồng của các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) cần phải bao quát các khía cạnh pháp lý, tài chính chủ yếu của hợp đồng như quá trình đầu tư, chủ thể, tính cấp quyền, tính chất tài chính và mối quan hệ giữa các bên tham gia hợp đồng. Cụ thể là trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển hạ tầng giao thông đường bộ sẽ được phân chia giữa Nhà nước và tư nhân dựa trên khả năng, kiến thức kinh nghiệm giữa các bên. Chẳng hạn, đối với công tác giải phóng mặt bằng, đây là công tác liên quan đến đền bù và tái định cư các hộ dân trên mặt bằng thi công dự án, phía tư nhân không đủ quyền lực để thực hiện công tác này. Vì thế, phía Nhà nước sẽ chủ động giải phóng mặt bằng. Nhà nước có thể thương thảo với người dân và có thể cung cấp nhà tái định cư cho người dân bị giải phóng mặt bằng, mà không bị ảnh hưởng của lợi ích cá nhân.

Thứ ba, trong điều kiện vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, mô hình PPP là giải pháp hữu hiệu để phát triển hạ tầng cơ sở xã hội. Như vậy, bản chất của vấn đề khi triển khai PPP là giúp nhà nước huy động vốn. Nhà nước sẽ có thể tận dụng được nguồn vốn cũng như nhân lực và năng lực của doanh nghiệp.

Thư tư, PPP sẽ tạo cơ hội cho khối doanh nghiệp có thêm việc làm, nâng cao năng lực và được tham gia vào các dự án của Chính phủ. Tuy vậy, vấn đề tiên quyết đối với các nhà đầu tư thực hiện mô hình PPP chính là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ các dự án.

Thứ năm, với cơ chế tiền lương còn thấp của cơ quan Nhà nước, hợp tác PPP còn giúp cơ quan quản lý tận dụng cơ chế tiền lương linh hoạt của doanh nghiệp, vì với cơ chế lương nhà nước hiện nay rất thấp, khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao dẫn đến làm giảm hiệu quả đầu tư của các dự án mà Nhà nước tham gia.

Thứ sáu, tính hiệu quả trong việc xây dựng các công trình công, trong đó có công trình đường bộ đã được nâng cao đáng kể với thời gian thực hiện được rút ngắn hơn so với việc áp dụng mô hình độc quyền Nhà nước trong đầu tư.

Thứ bảy, các vấn đề tiêu cực khác như: Sử dụng vốn không hiệu quả, thất thoát vốn, thâm hụt vốn, chất lượng công trình không đảm bảo... đã phần nào được giải quyết thông qua cơ chế quản lý mới kết hợp hai nhân tố Nhà nước và tư nhân trong mô hình PPP. Chất lượng công trình được nâng cao hơn vì có sự tham gia giám sát của cả hai bên.

Thứ tám, tăng tính thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực mạnh về nguồn vốn có thể làm một mình hay kết hợp với hai, ba nhà đầu tư tư nhân khác.

Thứ chín, thông qua PPP, Việt Nam có điều kiện tiếp cận, làm chủ các công nghệ quản lý, công nghệ thi công hiện đại mà đối tác tư nhân nước ngoài tham gia đưa tới Việt Nam, việc chuyển giao công nghệ hầu như không có, nhưng việc học hỏi và đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật là yếu tố bắt buộc của đối tác tư nhân nước ngoài.

Thứ mười, các vấn đề cấp bách như thâm hụt ngân sách, khó khăn trong huy động nguồn vốn tạm thời đã được giải quyết với nguồn vốn huy động từ phía tư nhân.

3. VAI TRÒ CỦA CÔNG CỤ PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ CÔNG THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG - TƯ (PPP) TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ Ở VIỆT NAM

Thời gian qua, chính sách thu hút đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công, trong đó có đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được điều chỉnh bởi Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg. Tuy nhiên, một số nội dung quy định trong hai văn bản này còn chưa thống nhất.

Thứ nhất, cấp duyệt dự án đầu tư: Nghị định 108 quy định phân cấp triệt để cho các bộ, ngành và địa phương trong tất cả các khâu như xác định dự án, lập và công bố danh mục dự án, chuẩn bị dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong khi Quyết định 71 quy định theo cơ chế một cửa, trong đó huy động sự phối hợp và tham gia ngay từ đầu của các cơ quan nhà nước chuyên ngành nhằm chuẩn bị dự án kỹ lưỡng trước khi mời gọi nhà đầu tư đối với các dự án thí điểm.

Thứ hai, mức độ tham gia của Chính phủ: Giữa hai văn bản này quy định các hạn mức tham gia của Nhà nước khác nhau: Nghị định 108 quy định tổng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án không được vượt quá 49% tổng vốn đầu tư của dự án, trong khi Quyết định 71 quy định phần tham gia của Nhà nước không vượt quá 30%. Mặc dù mục đích quy định của các hạn mức này tại hai văn bản là khác nhau nhưng vẫn dẫn đến sự so sánh và nhầm lẫn không cần thiết. Bên cạnh đó, theo thông lệ quốc tế, các loại hợp đồng BOT, BTO, BT là các hình thức thể hiện cụ thể của đầu tư PPP. Việc quy định riêng rẽ về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT theo Nghị định 108 và đầu tư theo hình thức PPP theo Quyết định 71 dẫn đến cách hiểu cho rằng đây là các hình thức đầu tư riêng rẽ. Việc ban hành Nghị định PPP trên cơ sở hợp nhất, hoàn thiện Nghị định 108 và Quyết định 71 là yêu cầu khách quan không chỉ để khắc phục những hạn chế của từng văn bản, mà còn nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP.

Hiện nay, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng của nguồn vốn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ tại Việt Nam, đầu tư theo hình thức PPP nhằm thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân là một kênh hiệu quả. Chúng ta đã triển khai kế hoạch xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng và có hệ thống về đầu tư theo hình thức PPP, bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và các thông tư, văn bản hướng dẫn khác có liên quan. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát huy mọi nguồn lực nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ ở Việt Nam. Kết thúc thời gian dài thí điểm, hình thức đầu tư đối tác công - tư được nâng tầm tại Điều 27 Luật Đầu tư 2014 và mới đây nhất, ngày 14/02/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để điều chỉnh vấn đề này. Những văn bản trên được cho là rất cần thiết, sẽ phần nào giải tỏa cơn khát vốn đầu tư vào các công trình hạ tầng công cộng trong bối cảnh nợ công cao, khó lòng tiếp tục huy động ngân sách nhà nước theo cách cũ.

Như vây, có thể thấy vai trò quan trọng của công cụ pháp luật trong đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ ở Việt Nam theo hình thức đối tác công - tư. Cụ thể là:

Một là, là cơ sở pháp lý quy định cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước dự án PPP trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.

Để tồn tại và phát triển con người buộc phải liên kết với nhau thành những cộng đồng có tổ chức. Tổ chức quản lý là yếu tố cần thiết tất yếu của đời sống cộng đồng xã hội. Khi xã hội phát triển, tính chất xã hội hóa các hoạt động xã hội ngày càng cao thì yếu tố tổ chức quản lý càng cần được đề cao và nâng lên thành luật trên từng lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Pháp luật có vai trò quan trọng trong việc quy định cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước đối với xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ. Hệ thống cơ quan quản lý xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ nằm trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước nói chung và được tổ chức thống nhất từ Trung ương tới địa phương.

Hệ thống cơ quan quản lý trong công tác quản lý hoạt động đầu tư công theo hình thức PPP bao gồm: Chính phủ, Ban chỉ đạo PPP, Bộ GTVT, văn phòng PPP và các bộ, ngành có liên quan, ban giải phóng mặt bằng đại diện ở địa phương. Trong đó:

- Chính phủ: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo luật định điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng tại các dự án; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phê duyệt danh mục dự án PPP; chỉ đạo, tổ chức, thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ; quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án lớn, dự án trọng điểm, quyết định đầu tư xây dựng, quyết định chủ đầu tư/nhà đầu tư của các dự án PPP; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát dự án PPP công trình đường bộ.

- Ban Chỉ đạo PPP: Được thành lập theo Quyết định số 1624/QĐ-TTg ngày 29/10/2012 của Thủ tướng Chính Phủ. Ban chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình triển khai thực hiện mô hình đầu tư theo hình thức PPP. Cụ thể:

+ Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, kế hoạch, giải pháp chiến lược thực hiện đầu tư theo hình thức PPP;

+ Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện dự án;

+ Chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn việc triển khai dự án PPP, đồng thời xem xét, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm thống nhất hoạt động quản lý;

+ Chỉ đạo việc tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về PPP (nghị định, luật).

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập Văn phòng PPP trực thuộc Cục Quản lý Đấu thầu (02/4/2012) làm đầu mối tham mưu và triển khai các nhiệm vụ PPP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Bộ GTVT: Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT có quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ về hợp tác công - tư như sau:

+ Xây dựng, quản lý danh mục dự án đầu tư theo hình thức PPP;

+ Quản lý việc triển khai, thực hiện dự án, hợp đồng dự án và quá trình vận hành khai thác dự án;

+ Kiểm tra, kiểm soát việc tổ chức, triển khai thực hiện dự án.

Hai là, cơ sở pháp lý quy định hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ.

Cơ quan hành chính nhà nước là một bộ phận của bộ máy nhà nước do Nhà nước thành lập để thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước thông qua hoạt động chấp hành, điều hành. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước do hiến pháp, luật, pháp lệnh và nhiều văn bản dưới luật quy định. Mặt khác, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước do vị trí, tính chất của nó trong hệ thống các cơ quan quyết định. Quyền hạn của các cơ quan hành chính nhà nước là phương tiện pháp lý cần thiết mà Nhà nước quy định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Cơ quan hành chính nhà nước có hệ thống thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chung bao gồm Chính phủ và UBND các cấp.

Trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong phạm vi toàn quốc thông qua các hoạt động chủ yếu sau:

- Phê duyệt quy hoạch dự án PPP trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc.

- Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, nghị quyết của Chính phủ; chỉ thị; quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công).

- Các quy định của Nhà nước về công tác quản lý hoạt động đầu tư công theo hình thức PPP và phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư công theo hình thức PPP trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ cho toàn bộ hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan;

- UBND: Là cơ quan có thẩm quyền chung, thông qua hoạt động chấp hành - điều hành của mình để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và hành chính - chính trị trong phạm vi lãnh thổ nhất định. Từ đó, pháp luật về công tác quản lý hoạt động đầu tư công theo hình thức PPP trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ có vai trò quy định chi tiết và cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ. UBND có trách nhiệm trước Chính phủ hoặc UBND cấp trên trực tiếp về hoạt động đầu tư công theo hình thức PPP trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ ở địa phương.

Ba là, cơ sở pháp lý cho việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ.

Vi phạm pháp luật được hiểu là hành vi trái pháp luật, có lỗi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Các quy phạm hiện hành về xử lý vi phạm pháp luật trong công tác quản lý hoạt động đầu tư công theo hình thức đối tác công - tư (PPP) bao gồm hai mức độ hành chính và hình sự.

Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có hành vi cố ý hay vô ý vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý hoạt động đầu tư trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ.

Bốn là, cơ sở pháp lý cho xã hội hóa công tác xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo tính toán của Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 là 1.015 nghìn tỷ đồng, khả năng đáp ứng nhu cầu từ các nguồn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách (vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA) theo Bộ GTVT chỉ vào khoảng 28%. Phần thiếu hụt là 731 nghìn tỉ đồng, trong đó các dự án có khả năng đầu tư bằng hình thức xã hội hóa có tổng mức đầu tư khoảng 452,6 nghìn tỉ đồng, trong đó yêu cầu phần vốn góp Nhà nước là khoảng 157 nghìn tỉ đồng.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý và cơ chế chính sách về PPP đã được Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện thực tiễn, thông lệ quốc tế, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - Nhà đầu tư - Người sử dụng. Việc này đã tạo điều kiện cho xã hội hóa công tác xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ được thuận lợi hơn.

4. KẾT LUẬN

Trong điều kiện vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, mô hình PPP là giải pháp hữu hiệu để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Như vậy, bản chất của vấn đề khi triển khai PPP là giúp Nhà nước huy động vốn. Nhà nước sẽ có thể tận dụng được nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp. Tuy vậy, Nhà nước cần phải đảm bảo sự ổn định của quy hoạch và chính sách về PPP. Đặc biệt, cần phải xây dựng khung thể chế (phạm vi) về PPP cho từng hình thức đầu tư, để các nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn và tự cân đối nặng lực (phân loại theo ngành, theo giá trị đầu tư, theo vòng đời của dự án…). Ngoài ra, hướng dẫn, xây dựng, thẩm định dự án kỹ lưỡng, đấu thầu và cạnh tranh minh bạch. Các yếu tố chi phí hợp lí, môi trường pháp lí, thể chế và năng lực xây dựng cũng góp phần quan trọng trong việc mang lại hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Tài liệu tham khảo

[1]. Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014.

[2]. Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014.

[3]. Nghị định số 108/2009/ND-CP, ngày 27/11/2009 về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao.

[4]. Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.

[5]. Nghị định số 15/2015/ND-CP, ngày 10/4/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

[6]. Nghị định số 30/2015/ND-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

[7]. Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg, ngày 9/11/2010 về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Ý kiến của bạn

Bình luận