Vai trò của hệ thống đường sắt trên cao tại Singapore

Khoa học - Công nghệ 30/11/2015 04:33

Mỗi ngày ở Singapore có tới 2 triệu lượt khách sử dụng mạng lưới tàu điện ngầm từ 6 giờ sáng cho tới tận nửa đêm.

 

Yishun_MRT_Station_with_PSDs
Một ga tàu điển hình tại Singapore

Singapore là một trong những quốc gia có hệ thống giao thông cộng cộng lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới. Với diện tích nhỏ bé 719km3, hiện đất nước “sư tử” đang nắm trong tay hệ thống giao thông công cộng với tổng chiều dài lên tới 3.000km, giúp đất nước này nối liên kết với Hồng Kông thông qua các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Hệ thống tàu điện ngầm Singapore (gọi tắt là MRT - Mass Rapid Transport) là hệ thống đường sắt đô thị sớm thứ hai ở Đông Nam Á, sau hệ thống giao thông đường sắt hạng nhẹ Manila. Hệ thống có phạm vi hoạt động rộng và tính hiệu quả cao giúp việc đi lại giữa các nơi trong thành phố và khu vực ngoại ô được dễ dàng với mức chi phí hợp lý. Chính vì vậy, mỗi ngày ở Singapore có tới 2 triệu lượt khách sử dụng mạng lưới tàu điện ngầm từ 6 giờ sáng cho tới tận nửa đêm.

Các tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Singapore được xây dựng từ thời kỳ chính quyền Lý Quang Diệu, khi đó Chính phủ đã cho thành lập Cục Giao thông đường bộ vào những năm 1983. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Cục là xây dựng một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, đáng tin cậy và chi phí ổn định. Một phần trong kế hoạch thời kỳ đó bao gồm phát triển hệ thống đường sắt đô thị trên cao đối với giao thông đường bộ, nhằm đảm đương vai trò xương sống của hệ thống giao thông công cộng Singapore.

Trong quá trình lập kế hoạch xây dựng, do thiếu kinh nghiệm và công nghệ cho một dự án quy mô lớn, các nhà chức trách Singapore đã phải tham khảo các tiêu chuẩn thiết kế của các nước sở hữu hệ thống đường sắt đô thị lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Trong đó, phương án về tiêu chuẩn an toàn NFPA 130 đã được áp dụng, tiêu chuẩn này được ban hành lần đầu tiên năm 1983 bởi Hiệp hội Phòng cháy quốc gia Hoa Kỳ. Tiêu chuẩn này liên tục được bổ sung, sửa đổi trong những năm 1986, 1990, 1997, 2000, 2003 bởi hội đồng khoa học công nghệ để phù hợp với những phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến.

Hiện tại, hệ thống MRT Singapore đang có 84 ga đang hoạt động, đưa tổng chiều dài toàn hệ thống đường sắt đô thị lên tới 130km. Quyền kinh doanh đối với hệ thống này hiện đang thuộc về Công ty TNHH SBS Transit và Tập đoàn SMRT. Hai đơn vị này hiện đang sở hữu mạng lưới taxi và xe bus lớn nhất Singapore.

Hệ thống MRT Singapore có 4 tuyến: Tuyến Bắc - Nam với ký hiệu màu đỏ, tuyến Đông - Tây với ký hiệu màu xanh kết nối thẳng đến Sân bay quốc tế Changi, tuyến Đông - Bắc với ký hiệu màu tím và tuyến vòng tròn với ký hiệu màu cam. Hệ thống MRT bắt đầu hoạt động vào lúc 5 giờ 30 phút sáng và kết thúc lúc 1 giờ sáng ngày hôm sau, trung bình cứ 3 đến 8 phút sẽ có 1 đoàn tàu cập ga.

Về mặt thiết kế, một trạm ga MRT của Singapore được chia làm 2 khu vực chính: Hệ thống tầng hầm phía trên với trang bị hệ thống bán vé tự động, hệ thống điều phối và cung cấp dịch vụ thẻ với 2 nhân viên túc trực liên tục trong thời gian hoạt động. Khu vực tầng trên còn được trang bị hệ thống máy rút tiền ATM, điện thoại công cộng, thang cuốn và thang máy dành cho người khuyết tật. Sân ga chờ tàu nằm ở tầng sâu hơn với lớp kính chịu lực ngăn cách với các đoàn tàu. Ngoài ra, hai bên ga tàu cũng được trang bị hệ thống cửa thoát hiểm, hệ thống thang máy, thang bộ, lối đi, cửa bán vé tại nhà ga được thiết kế phù hợp với lưu lượng hành khách đi tàu lúc giờ cao điểm, đảm bảo cho việc thoát nạn trong trường hợp có cháy một cách an toàn, nhanh chóng.

Tại Singapore, sở hữu một chiếc xe hơi cá nhân là một việc vô cùng đắt đỏ. Vì vậy, với ưu điểm vượt trội là dễ sử dụng và giá rẻ, MRT là phương tiện đi lại nhanh và hiệu quả nhất ở đất nước này. MRT còn được đánh giá là một trong những hệ thống giao thông sạch nhất thế giới. Hệ thống MRT còn được đi cùng với chất lượng dịch vụ gần như hoàn hảo.

Các đơn vị vận hành tàu điện ngầm đều áp dụng những biện pháp đảm bảo chăm sóc các nhu cầu của hành khách một cách tốt nhất, chẳng hạn như thiết kế lối đi riêng cho người sử dụng xe lăn, các gia đình có con nhỏ dùng xe đẩy, người có sức khỏe kém hay khách du lịch mang hành lí cồng kềnh... Khách sử dụng thường xuyên có thể mua thẻ trả trước, loại thẻ này có thể sử dụng được trên tất cả các loại phương tiện công cộng ở Singapore. Còn nếu không có nhu cầu thường xuyên (như khách du lịch) thì có thể trả tiền cho từng chặng, với chi phí khá rẻ.

Ngoài ra, hệ thống MRT còn có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế Singapore. Xung quanh các trạm chung chuyển chính của hệ thống MRT đều có sự hiện diện của các trung tâm thương mại lớn, tạo điều kiện cho khách sử dụng MRT có thể dễ dàng mua sắm sau khi ra khỏi nhà ga. Hệ thống chờ taxi và xe buýt cũng được thiết kế sao cho gần cửa các nhà ga khác nhằm giúp người dân và khách du lịch có thể dễ dàng chuyển tiếp phương tiện trong hệ thống giao thông công cộng.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận