Cầu Nhật Tân (Cầu Hữu nghị Việt Nhật) là một trong 3 dự án được JICA trao giải thưởng |
Được coi là điểm nhấn có ý nghĩa đặc biệt của thủ đô, gắn liền tổng thể khu vực phía Bắc và có vai trò như trục đối ngoại của đất nước, nối cảng hàng không quốc tế Nội Bài với trung tâm thành phố, đường nối Nội Bài – Nhật Tân và cầu Nhật Tân được thiết kế với quy mô lớn và nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ và người dân. Song song với dự án thi công cảng hàng không quốc tế Nội Bài T2, hai dự án này đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2015, góp phần cải thiện đáng kể diện mạo giao thông của cửa ngõ thủ đô.
Trước đó, ông Đinh Lê Thông, Giám đốc Ban điều hành dự án Nội Bài – Nhật Tân, thuộc ban quản lý dự án 85, bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân được bộ Giao thông Vận tải giao Ban quản lý dự án 85 làm đại diện chủ đầu tư, với mức đầu tư hơn 6700 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của JICA và nguồn vốn đối ứng trong nước. Dự án được triển khai từ tháng 12/2012, có chiều dài 12,1km. Theo thiết kế, tuyến đường này sẽ đạt tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, rộng từ 80m đến 100m với 6 làn ô tô chạy, tốc độ tối đa 80km/h và tối thiểu là 40km/h. Ngoài ra, hai bên tuyến sẽ có đường gom hỗn hợp cho các phương tiện ô tô, xe máy với mặt cắt rộng 7 mét. Bởi vậy, dự án đưa vào vận hành khai thác góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông cho cửa ngõ của thành phố.
Ông Đinh Lê Thông cho biết: Dự án Nội Bài – Nhật Tân giảm tải về lưu lượng cho tuyến đường Thăng Long – Nội Bài đang trong tình trạng ùn tắc thường xuyên; đồng thời rút ngắn thời gian đi từ trung tâm Hà Nội lên sân bay Nội Bài và các tỉnh lân cận. Tuyến đường với thiết kế quy mô, hoàn chỉnh sẽ góp phần tạo nên một hình ảnh thủ đô văn minh, hiện đại, kết nối hiệu quả các dự án lớn là cầu Nhật Tân và nhà ga T2.
Trong khi đó, đối với quá trình thi công Dự án Nhà ga quốc tế T2, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, ông Nguyễn Huy Dương, Phó Giám đốc Cảng cho biết: Cuối năm 2014, các dự án quan trọng tại cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ và bộ GTVT, đảm bảo tiêu chuẩn và đưa vào sử dụng. Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu xây dựng đẩy nhanh tiến độ, dứt điểm thực hiện từng hạng mục công trình, và thực hiện đúng các biện pháp thi công, lắp đặt các hệ thống biển báo, chiếu sáng, duy trì vệ sinh môi trường, luồng đường.
Với việc về đích đúng tiến độ và đáp ứng có hiệu quả vào việc kết nối giao thông của thủ đô, góp phần cải thiện vượt bậc môi trường đầu tư của Hà Nội, cụm 3 công trình này đã được trao giải thưởng Cống hiến 2015 của Chủ tịch Jica. Phát biểu trong buổi lễ nhận giải thưởng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng bày tỏ sự cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Việt Nam, dù trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và đất nước Nhật Bản vừa trải qua thảm họa thiên tai.
Trưởng đại diện của JICA tại Việt Nam, ông Mori Mutsuya trao giải thưởng cho Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng |
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Tôi xin cảm ơn và biểu dương những đóng góp tích cực, sự hợp tác chặt chẽ của Nhật Bản, và nỗ lực của tập thể cán bộ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Ban dự án 85, các nhà thầu đơn vị tư vấn để hoàn thành cụm công trình quan trọng này, một công trình đã được Chính phủ và nhân dân hai nước ghi nhận.
Giải thưởng Cống hiến là giải thưởng lớn hàng năm vô cùng uy tín và vinh dự, được trao tặng cho các dự án của JICA, các tập thể và cá nhân trên toàn cầu, nhằm ghi nhận những đóng góp thiết thực và có ý nghĩa to lớn của các dự án, các tập thể và cá nhân này cho sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước sở tại. Năm 2015, có 9 dự án, 4 cá nhân, và 1 tập thể trên toàn cầu được lựa chọn để trao Giải thưởng Cống hiến, trong đó có Việt Nam, Nepal, Campuchia, Ấn Độ, Ethiopia, Chile, Bangladesh và Jordan. Đặc biệt, Việt Nam đứng đầu danh sách khi chiếm 3 trong tổng số 9 giải thưởng cống hiến được trao tặng trên toàn thế giới.
Chúng ta cùng đến với những chia sẻ của ông Mori Mutsuya, Trưởng Đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam về ý kiến đánh giá của cơ quan này đối với các dự án phát triển giao thông vận tải nước ta có sự tham gia của phía Nhật Bản. Ngay sau đây là nội dung chi tiết.
PV: Vừa qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã trao giải thưởng Cống hiến cho cụm ba công trình giao thông của Việt Nam, ông có thể đánh giá về ý nghĩa của các dự án này?
Ông Mori Mutsuya: Đây là các dự án vô cùng quan trọng không phải chỉ vì nó đóng góp cho phát triển kinh tế mà còn vì đây là dấu ấn của một đất nước nữa vì khi bạn đến thăm bất kỳ đất nước nào thì ấn tượng đầu tiên chính là cửa ngõ quốc tế. Tôi đã có cơ hội đi thăm hơn 15 nước trên thế giới rồi và ấn tượng đầu tiên của tôi ở các quốc gia này đều là ấn tượng cửa ngõ quốc tế. Khi đến nước nào mà giao thông thuận tiện với cửa ngõ quốc tế đẹp thì tôi rất muốn quay lại đất nước đó, còn những quốc gia mà tôi thấy gặp khó khăn thì lần sau định đi đến tôi sẽ cảm thấy ngại ngần.
Ông Mori Mutsuya, Trưởng Đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam |
Ngoài ra, cửa ngõ quốc tế này còn là biểu tượng của mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, và như các bạn thấy, sân bay Nội Bài đã được cải thiện rất rõ rệt. Tôi có nhiều người khách, người bạn và khi mọi người sang thăm Việt Nam, có người đến văn phòng hay đến nhà riêng đều thấy ngạc nhiên vì sự thay đổi này. Tôi có thể nói là hiệu quả rõ ràng nhất chúng ta có thể nhìn thấy là khoảng thời gian di chuyển từ sân bay Nội Bài đến thành phố đã rút ngắn rất nhiều. Ngoài ra, hình ảnh thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam cũng được cải thiện...
PV: Ngoài ba dự án giao thông được nhận giải Cống hiến, JICA còn thực hiện rất nhiều dự án ODA trên các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam, ông có thể cho biết thêm thông tin về các dự án này?
Ông Mori Mutsuya: JICA thực hiện các dự án ODA của Nhật Bản cho Việt Nam trên mọi lĩnh vực, tuy nhiên hôm nay tôi xin chỉ nói về các dự án giao thông. VD ở Hà Nội chúng ta có dự án Vành đai 3, là một trong những dự án được thực hiện bằng ODA của Nhật Bản và các bạn có thể thấy rõ là lượng giao thông mà đường Vành đai 3 đã gánh cho giao thông của Hà Nội là vô cùng lớn. Ở Tp Hồ Chí Minh thì chúng tôi có Đại lộ Đông Tây, đường cao tốc Chí Minh – Dầu Giây. Trước đây khi chưa có đường cao tốc này thì từ Tp Hồ Chí Minh đi Tp Vũng Tàu phải đi qua Quốc lộ 1, sau đó đi theo Quốc lộ 51 và mất 3 tiếng đồng hồ thì mới tới được Vũng Tàu. Tuy nhiên, bây giờ khoảng thời gian đã rút ngắn xuống hơn một nửa. Cái này không chỉ là mối quan hệ về kinh tế mà nó còn làm cho các mối quan hệ trở nên gần gũi hơn. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản còn được cải thiện hơn qua các dự án như dự án cảng Thị Vải – Cái Mép, ở Tp Hồ Chí Minh có dự án cảng Cát Lái.
PV: Một câu hỏi cuối cùng, xin ông có thể đánh giá về các giải pháp pháp triển giao thông của Việt Nam? Theo ông, ngành giao thông Việt Nam cần lưu ý những vấn đề gì ?
Ông Mori Mutsuya: Nói về các dự án giao thông, tôi đánh giá rất cao sự lãnh đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ông Thăng làm việc với tinh thần quyết liệt và luôn giữ đúng tiến độ dự án, đây là một trong những điểm mấu chốt để thay đổi không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội. Tôi nhận thấy về giao thông thì hệ thống giao thông tại Việt Nam ngày càng tốt hơn. Ví dụ như đường cao tốc từ Hà Nội – Sa Pa, trước đây tôi đi du lịch ở Sapa thì thường đi bằng tàu và phải mất ít nhất hai đêm hoặc ít nhất phải qua đêm. Tuy nhiên bây giờ tôi đi đường cao tốc và chỉ mất khoảng 5 tiếng rưỡi bằng ô tô. Như vậy, với hệ thống giao thông tốt hơn, các bạn không chỉ cải thiện về giao thông mà còn có thể thúc đẩy du lịch và nông nghiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ví dụ như các bạn sản xuất rau ở các vùng nông thôn nhưng không thể đưa kịp về các thành thị thì việc này không có nhiều ý nghĩa nữa. Tuy vậy, khi có hệ thống giao thông tốt thì việc này không còn khó khăn nữa, do vậy Việt Nam cần phát triển hơn nữa về giao thông.
PV: Cảm ơn ông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.