Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của thanh niên

03/05/2022 12:38

Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông là một thành tố của văn hóa. Thanh niên chiếm tỉ lệ lớn trong các hoạt động giao thông hiện nay.


 

Ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông” năm 2021 tại Bắc Ninh. Ảnh: bacninhtv.vn

Ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông” năm 2021 tại Bắc Ninh. Ảnh: bacninhtv.vn

Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông là một thành tố của văn hóa. Thanh niên chiếm tỉ lệ lớn trong các hoạt động giao thông hiện nay. Bằng việc sử dụng bảng hỏi khảo sát với 800 thanh niên (tuổi từ 16 đến 30) tại Hà Nội, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế và Trà Vinh cho thấy, các hành vi lệch chuẩn của thanh niên trong tham gia giao thông còn khá phổ biến. Trong quá trình tham gia giao thông, thanh niên không chỉ thực hiện một số hành vi ứng xử lệch chuẩn với người khác mà còn với cả các công trình giao thông công cộng. Trên cơ sở thực trạng khảo sát, một số giải pháp về tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi, văn hóa tham gia giao thông của thanh niên cũng đã được đề xuất, gợi ý.

Thời gian qua, tình hình vi phạm luật giao thông và vi phạm các chuẩn mực văn hóa giao thông, nhất là trong giới trẻ diễn ra khá phổ biến. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn và mất an toàn trong tham gia giao thông. Văn hóa giao thông là một thành tố cấu thành của văn hóa, là một trong những thước đo đánh giá sự tuân thủ và chấp hành pháp luật cũng như các chuẩn mực văn hóa, xã hội đã được mọi người thừa nhận. Chính vì thế, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của người trẻ còn là một trong những biểu hiện tích cực trong nhân cách của họ.

Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Thứ nhất, đó là phải hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Hai là, phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác. Gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ, chia sẻ kịp thời. Thứ ba, cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường như tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt.

Bài báo nhằm mục tiêu nhận diện văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của thanh niên, trên hai chiều cạnh là: (1) hành vi ứng xử giữa thanh niên với người khác và (2) hành vi ứng xử của thanh niên với cảnh quan môi trường giao thông. Nghiên cứu được thực hiện năm 2020 trên một mẫu gồm 800 thanh niên tại các tỉnh, thành là Hà Nội, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế và Trà Vinh với phương pháp được sử dụng là bảng hỏi điều tra kết hợp phỏng vấn sâu (12 người).

Thực trạng ứng xử của thanh niên khi tham gia giao thông

* Hành vi ứng xử giữa thanh niên với người khác

Tìm hiểu về những hành vi ứng xử của thanh niên trong không gian giao thông cho thấy, một số hành vi lệch chuẩn, thiếu văn hóa hiện đang được số đông thanh niên tham gia khảo sát thực hiện có thể kể đến bao gồm:

1) Đứng xem, quay clip các cuộc ẩu đả do TNGT (ĐTB = 3,32, trong đó 80,4% thanh niên đã từng thực hiện hành vi này ở các mức độ khác nhau).

Thời gian qua, hình ảnh về những vụ ẩu đả, đánh người sau khi xảy ra va chạm giao thông lan truyền trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khiến dư luận rất bức xúc. Nhiều hiện tượng khi tham gia giao thông xảy ra va quệt bình thường hay có mâu thuẫn nhỏ là sẵn sàng tự xử lý bằng cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người khác, không cần phân biệt phải trái, không cần lực lượng chức năng tới giải quyết.  Điều này cho thấy thái độ và ứng xử của người tham gia giao thông với nhau chưa có sự chuẩn mực và tôn trọng. Thậm chí, nhiều người khi chứng kiến các vụ ẩu đả không kịp thời can ngăn, không báo các cơ quan chức năng, CSGT đến giải quyết, thay vào đó, họ đứng xem, quay clip, livestream để chia sẻ trên mạng xã hội. TNGT khi xảy ra mang đến những ảnh hưởng về sức khỏe và thiệt hại về tài sản nên nhiều người chịu áp lực và căng thẳng. Nếu không đủ tỉnh táo để kịp thời tìm hiểu đúng, sai dễ dẫn đến những hành vi không đẹp. Hậu quả của sự thiếu bình tĩnh, nóng giận có thể xảy ra các tình huống đánh nhau, gây rối trật tự công cộng... Do vậy, tất cả trường hợp tai nạn xảy ra nên báo cho lực lượng CSGT để làm rõ nguyên nhân, từ đó sẽ kịp thời xử lý, bồi thường nếu có thiệt hại về vật chất, sức khỏe cho những bên liên quan. Kết quả phỏng vấn sâu của đề tài cho thấy, 10/12 thanh niên đều đồng tình với việc, khi chứng kiến các cuộc ẩu đả do TNGT thì bản thân nên tìm cách để gọi người hỗ trợ và nếu như chính bản thân thanh niên là người gặp va chạm giao thông, TNGT thì họ cũng có xu hướng tìm cách giải quyết bình tĩnh. Một số ý kiến chia sẻ rằng: “Nhiều sự việc nghiêm trọng, mâu thuẫn đẩy lên cao gây ra chuyện đáng tiếc. Nó không chỉ dừng lại ở vi phạm hành chính mà còn dẫn đến các hành vi phạm pháp hình sự, như: cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản... Vì vậy, đừng đẩy câu chuyện đi quá xa; khi xảy ra tai nạn, nếu là người sai, hãy nói lời xin lỗi và bỏ qua cho nhau” (Nam, 28 tuổi, Bắc Giang) hay “Văn hóa giao thông nói một cách đơn giản là sự tự giác chấp hành pháp luật giao thông, là ứng xử có văn hóa khi đi đường hoặc khi xảy ra va chạm, TNGT. Việc nhường nhịn nhau cũng là cách để xây dựng văn hóa giao thông từ những điều nhỏ nhất” (Nữ, 25 tuổi, Hà Nội).

Nhận thức của đa số thanh niên nhìn chung là tích cực khi thanh niên ủng hộ mạnh quan điểm: “khi va chạm giao thông nên ứng xử bình tĩnh” (ĐTB=4,22; ĐLC=1,24). Xét theo tỉ lệ phần trăm thì có tới 79,9% thanh niên được hỏi ủng hộ quan điểm này. Khi tham gia giao thông, rất nhiều tình huống có thể xảy ra mà chính mỗi người chúng ta không thể lường trước được. Sự va chạm giữa các phương tiện đôi khi chỉ là do sự vô ý của người điều khiển nhưng với một suy nghĩ tiêu cực thì đó lại là nguyên nhân của những hành vi ứng xử thiếu mẫu mực không đáng có. Thời gian gần đây, dư luận xã hội cả nước không lạ lẫm với thông tin về hàng loạt những vụ ẩu đả, đánh nhau chỉ vì va quệt giao thông trên đường. Mặc dù nguyên nhân của những trường hợp va quệt chỉ là do vô ý và hậu quả gây ra là không đáng kể nhưng hệ lụy do chính cách ứng xử của những người điều khiển phương tiện tạo ra là vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Có nhiều vụ chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ trong quá trình tham gia giao thông đã dẫn đến cãi nhau, đánh nhau, đâm chém gây thương tích, thậm chí là chết người. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, tất cả những người được hỏi đều đồng tình với quan điểm nên ứng xử bình tĩnh khi gặp va chạm giao thông. Một ý kiến trong số này cho rằng: “Va chạm giao thông là điều không ai muốn nhưng quan trọng là cách cư xử và xử lý tình huống của hai bên như thế nào. Với những vụ va chạm nhỏ, thay vì người đi đường có thể xử lý một cách nhẹ nhàng, trao đổi, thương lượng một cách ổn thỏa thì sự việc lại bị đẩy lên tới mức đỉnh điểm nên đã có những trường hợp mang thương tật không phải vì tai nạn mà do ẩu đả sau va chạm, thậm chí không ít đối tượng còn chống đối, hành hung cả lực lượng chức năng. Tuy nhiên, nếu người trong cuộc biết cách giải quyết sự việc một cách có văn hóa, có thiện chí, hợp tình, hợp lý sẽ khiến mọi việc trở nên rất dễ dàng” (Nữ, 28 tuổi, Hà Nội).

2) Không trả lại đồ bị rơi cho người đi đường (ĐTB = 2,94, trong đó 30,1% thanh niên đã từng thực hiện hành vi này ở các mức độ khác nhau).

Trong quá trình tham gia giao thông, việc người tham gia giao thông bị rơi đồ hoặc chứng kiến người khác rơi đồ là khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người nhặt được đồ nhưng không trả lại đồ bị rơi cho người mất. Tìm hiểu về nguyên nhân của hành vi này, kết quả phỏng vấn sâu đề cập đến một số cách giải thích: thứ nhất, do đồ bị rơi không biết của ai nên cũng không biết liên hệ với ai để trả lại; thứ hai, dù nhìn thấy người bị rơi đồ nhưng do đường quá đông hoặc người đánh rơi đồ quá vội nên không thể đuổi theo để trả lại ngay được; thứ ba, người nhặt được đồ không tin tưởng cơ quan chức năng sẽ tìm lại được chủ nhân món đồ nên họ cũng không có ý định đưa món đồ đến cơ quan chức năng để nhờ tìm lại chủ nhân. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên không hiểu rằng, hành vi giữ trái phép đồ của người khác không chỉ thể hiện một sự vi phạm chuẩn mực văn hóa khi tham gia giao thông mà xét ở khía cạnh pháp luật, hành vi này còn có thể bị quy vào tội “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”. Hành vi này được hiểu là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật. Trong đó, người nhặt tài sản buộc phải biết tài sản đó không phải của mình mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm và bán cho người khác là đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

3) Bỏ mặc người bị nạn trong các cuộc TNGT (ĐTB=2,87, trong đó có 81,4% thanh niên đã từng thực hiện hành vi này ở các mức độ khác nhau). Tuy vậy, nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả hơi trái ngược với kết quả nghiên cứu của Lưu Minh Văn, Trần Văn Kham và cộng sự (2016) khi các tác giả này thực hiện điều tra trên mẫu sinh viên và đưa ra nhận định rằng, đa số các phản hồi đều cho rằng, khi gặp một tình huống người dân bị va chạm giao thông, người chứng kiến sẽ kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ (46,7%). Một tỉ lệ lớn khác thì “xúm lại xem” (48,8%).

Việc bỏ mặc người bị nạn trong các cuộc TNGT là một hiện tượng xảy ra khá thường xuyên. Việt Nam vốn là một xã hội “duy tình”, khi xem xét hành vi của ai đó thường được quy kết rằng đúng hay sai, có đạo đức hay không. Nếu như trước đây, khi một ai đó bị tai nạn thì chắc hẳn sẽ có người cứu giúp. Nhưng những năm gần đây, chuyển sang xã hội mà khi phán xét hành vi của ai đó thường căn cứ trên các luật định thì tình hình có chiều hướng phức tạp hơn.

Nếu một ai đó gặp rủi ro TNGT vào ban ngày, người giúp đỡ trước sự chứng kiến của nhiều người thì chuyện khá đơn giản. Nhưng nếu điều đó xảy ra vào ban đêm và chỉ có một mình đối diện với người bị nạn thì trong tình huống như thế ở Việt Nam hiện nay rất khó phán xét. Sẽ là thiếu thực tế nếu phán xét ngay rằng người đó là vô cảm, thiếu đạo đức. Thực tế cho thấy, nhiều người rơi vào cảnh làm ơn mắc oán, bị vướng vào những chuyện rắc rối mà mình không lường trước được. Có người bị hành hung vì bị hiểu lầm là người gây tai nạn, có người bị lôi vào những vụ án phức tạp kéo dài hàng năm trời với tư cách là nhân chứng, hay đơn giản hơn là bị lưu giữ và phải khai báo rất phức tạp, mất thời gian. Ngoài ra, còn có thể kể ra vô vàn lý do khác nữa khiến người ta ngần ngại, chẳng hạn muốn giúp nhưng không có kỹ năng có thể làm cho người bị nạn nặng hơn, chưa kể là có người yếu bóng vía, sợ máu, sợ người chết... Kết quả phỏng vấn sâu cũng cho thấy nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này, chẳng hạn như:

“Thấy người ta bị tai nạn nằm đó bị thương tích, vậy mà không ai dừng lại giúp, sao họ máu lạnh, vô tình như vậy? Nếu được một người đi qua giúp đỡ sớm hơn thì nạn nhân đã có được nhiều cơ hội sống sót hơn rồi” (Nữ, 27 tuổi, Thừa Thiên - Huế); “Nếu sợ bị vạ lây không dám trực tiếp lại gần giúp đỡ thì cũng nên gọi cấp cứu hoặc báo cho cảnh sát. Một cuộc gọi đâu khó khăn gì đâu mà nỡ lòng nào đi qua, mặc kệ người ta đau đớn nằm đó vậy. Tình thương giữa người với người thời buổi này càng ngày càng cạn kiệt như vậy sao?” (Nữ, 30 tuổi, Bắc Giang). Song một người khác lại nêu quan điểm: “Bây giờ làm gì cũng không nên ôm việc vào người, nhiều khi làm ơn mắc oán, giúp đỡ người ta rồi mà người nhà họ vừa nhìn thấy mình, chưa biết mình là người giúp đỡ hay là người gây tai nạn đã lao vào đánh đập, tấn công” (Nam, 27 tuổi, Hà Nội).

Trên thực tế, quy định về việc giúp đỡ người bị TNGT đã được luật hóa. Luật quy định, ngoài tài xế gây tai nạn, những người bỏ mặc nạn nhân trong đang trong tình trạng nguy kịch có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 (Điều 132 quy định, mọi công dân khi nhìn thấy người khác ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nếu có điều kiện cứu giúp mà không cứu dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm). Như vậy, theo quy định này, tài xế gây tai nạn và những người qua đường có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân bằng cách kêu mọi người giúp đỡ hoặc báo cho công an nhưng nếu không ai làm vậy thì hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức, thể hiện một sự thiếu văn hóa, vô cảm khi tham gia giao thông.

4) Bỏ mặc, không quan tâm đến người già, người khuyết tật khi tham gia giao thông (ĐTB=2,30, trong đó có 64,5% thanh niên đã từng thực hiện hành vi này ở các mức độ khác nhau) và 5) Tranh ghế của người già, phụ nữ có thai, trẻ em khi tham gia giao thông (ĐTB=2,15, trong đó có 60,2% thanh niên đã từng thực hiện hành vi này ở các mức độ khác nhau).

Ý thức nhường ghế và giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng là một nét đẹp trong văn hóa giao thông. Khách đi xe buýt phải chủ động “nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai, người khuyết tật, trẻ em” từ lâu đã được coi là mặc định trên mọi tuyến buýt. Quy định này được kẻ vẽ rồi dán, treo khung trên nhiều chỗ trên xe để mọi người đều có thể dễ dàng nhìn thấy. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải thanh niên nào cũng sẵn sàng và tự nguyện thực hiện điều đó. Trên xe buýt, khi nhìn thấy đối tượng được ưu tiên, nhiều thanh niên giả vờ coi như không biết đến chuyện phải nhường ghế. Người giả vờ ngủ gật gục đầu xuống thành ghế, người đóng kịch như bị đau bụng hay say xe... để cố giữ cái ghế ngồi mà không chịu đứng lên nhường. Có trường hợp phải đợi đến khi nhân viên bán vé hoặc người khác nhắc nhở mới chịu đứng lên.

Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, hầu hết thanh niên đều đồng tình với việc cần phải quan tâm đến những đối tượng người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ em khi tham gia giao thông. Theo thanh niên thì “việc nhường ghế cho người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai hoặc trẻ em thì rất cần thiết bởi vì đây là nhóm đối tượng mà mình quan tâm nhiều hơn, nó mang một ý nghĩa nhân văn hơn trong cộng đồng xã hội của mình, đặc biệt là các bạn thanh niên khi mình lên xe mà mình nhìn thấy những người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật thì mình cũng sẵn lòng mình nhường chỗ ngồi cho họ bởi vì họ đi lại cũng khó khăn. Những người đi xe, có những người đi xe bị say rất nhiều, họ cũng cần được nhường chỗ, có ai đó sẵn lòng thì đây là một hành động rất ý nghĩa, nhân văn” (Nữ, 28 tuổi, Hà Nội). Một ý kiến khác lại cho rằng, hành động này xuất phát từ truyền thống văn hóa từ lâu đời của nước ta: “Truyền thống văn hóa Việt Nam mình thì trọng tính tôn ti, trọng tình cảm, tính cộng đồng cao nên tinh thần đoàn kết, tương trợ tương thân tương ái, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, cho nên việc mà mình lên buýt hay các chuyến xe mà mình nhường ghế, nhường chỗ cho người cao tuổi, phụ nữ hay trẻ em thì nó có từ lâu đời rồi” (Nam, 30 tuổi, Thừa Thiên - Huế).

Theo văn hóa Việt Nam, hành vi không quan tâm đến người già, người khuyết tật, thậm chí là tranh ghế của người già, phụ nữ có thai, trẻ em khi tham gia giao thông được coi là hành vi thiếu văn hóa, vi phạm chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên, hành vi này nếu xem xét trong bối cảnh Nhật Bản thì cách nhìn nhận vấn đề có thể sẽ khác.

Như chúng ta đã biết, Nhật Bản là một nước phát triển, với nhịp độ sống cao nhất thế giới. Số lượng người tham gia giao thông bằng tàu điện ngầm, nhất là giờ cao điểm luôn trong tình trạng chật cứng. Vì vậy trong thời điểm này, việc nhường chỗ cho người khác cũng rất khó khăn. Mặt khác, mỗi khoang tàu điện ngầm ở Nhật đều được thiết kế rõ ràng, đều có một dãy ghế ưu tiên có màu khác biệt dành cho những người có sức khỏe yếu, hoặc khuyết tật. Người Nhật luôn được biết đến là dân tộc có ý thức rất cao, những người khỏe mạnh, lành lặn dù trên tàu có đang chật cứng cũng không bao giờ ngồi vào dãy ghế ưu tiên. Bởi họ biết, chỗ nào mình nên ngồi và chỗ nào không, cộng thêm lòng tự trọng không cho phép họ thực hiện hành vi “sai trái” ấy. Vì vậy, gần như trên tàu luôn có chỗ dành cho những người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, người Nhật không bao giờ muốn mình trở nên yếu đuối trước mặt người khác, nhất là người lạ. Bởi vậy, hành động nhường ghế có thể sẽ gây tác dụng ngược so với ý định tốt đẹp ban đầu. Người được nhường ghế sẽ nghĩ rằng trong mắt người khác, họ là một kẻ yếu đuối cần được “ban phát lòng thương”. Đặc biệt, dân số Nhật đang được coi là “già” nhất thế giới, tuy nhiên, người Nhật không bao giờ thừa nhận mình già, nên họ sẽ không muốn được người khác nhường cho ghế chỉ vì họ đã lớn tuổi. Cuối cùng, xã hội Nhật Bản rất coi trọng sự bình đẳng, muốn ai cũng được đối xử như nhau. Họ không thích sự ưu ái, nhường nhịn.

Trên đây là 5 hành vi ứng xử mang tính thiếu văn hóa mà thanh niên thực hiện tại nơi công cộng trong quá trình tham gia giao thông. Ngoài những hành vi nêu trên, một số hành vi cũng được đánh giá là thiếu văn hóa khi tham gia giao thông cũng được phản ánh như: uống rượu khi tham gia giao thông; bấm còi ầm ĩ khi tham gia giao thông; ăn mặc hở hang không phù hợp hay hối lộ cảnh sát khi vi phạm luật giao thông. Có thể thấy, những hành vi ở trên, xem xét ở một khía cạnh nhất định đã biểu hiện một sự vô cảm, vô tâm của thanh niên. Nó thể hiện một sự lệch chuẩn trong ứng xử của thanh niên với các chủ thể khác trong quá trình tham gia giao thông như: với những người cùng tham gia giao thông khác, với những người làm nhiệm vụ điều hành giao thông.

Kết quả nghiên cứu của tác giả Hoa Hữu Lân (2017) lại cho thấy, một số hành vi thiếu văn hóa trong tham gia giao thông của thanh niên Hà Nội phổ biến có thể kể đến như: lấn chiếm làn đường (61%); chạy nhiều hàng, chen lấn (42%); lao lên vỉa hè (36%); bấm còi, hú ga (27%).

* Hành vi ứng xử của thanh niên với cảnh quan môi trường

Khi tham gia giao thông, thanh niên không chỉ biểu hiện quan hệ của mình với những người khác (những người cùng tham gia giao thông) mà họ còn thể hiện quan hệ, cách ứng xử với cả cảnh quan, môi trường trong không gian đó. Các hành vi của thanh niên có thể gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, hư hại công trình giao thông hoặc làm ô nhiêm môi trường giao thông, thậm chí là gây nguy hiểm cho chính bản thân mình.

Một số hành vi thiếu văn hóa, chưa đẹp của thanh niên trong không gian giao thông bao gồm:

1) Sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông (84,4% thanh niên đã thực hiện hành vi này ở các mức độ khác nhau) và trêu đùa, không tập trung khi điều khiển phương tiện giao thông (40,6% thanh niên đã từng thực hiện hành vi này ở các mức độ khác nhau). Hiện nay, một bộ phận người dân khi tham gia giao thông vừa lái xe, vừa nghe điện thoại diễn ra phổ biến, vi phạm nhiều nhất là người lái xe mô tô, xe máy. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Thực tế thời gian qua, xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng có liên quan đến lái xe sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Ngày nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ mua bán hàng hóa và giao hàng trực tuyến, người mua và người bán đều sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh và trả cước phí vận chuyển. Đội ngũ giao hàng online sử dụng phương tiện mô tô, xe máy là chủ yếu và dụng điện thoại để liên lạc, định vị tìm kiếm địa chỉ của khách hàng, do đó sẽ thiếu chú ý quan sát, làm chủ tốc độ... khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều người đang lái xe vẫn vô tư lướt web, truy cập, nhắn tin hoặc tìm kiếm các thông tin trên mạng... sẽ giảm đi sự tập trung, xử lý tình huống không tốt có nguy cơ gây ra TNGT rất cao. Nhìn nhận từ góc độ văn hóa giao thông, việc sử dụng điện thoại trong lúc lái xe hay đùa nghịch khi tham gia giao thông còn là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động. Đã có nhiều vụ TNGT xảy ra từ việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện. Một ý kiến thu được từ phỏng vấn sâu nói rõ hơn về điều này: “Tôi cũng đã từng là nạn nhân của một vụ tai nạn do lái xe mải dùng điện thoại. Khi thấy chướng ngại vật phía trước, lái xe giật mới mình đánh lái sang bên đường, cũng may là va chạm chỉ khiến chiếc xe hư hỏng, còn người cũng chỉ bị thương nhẹ. Sau lần đó, hễ thấy ai dùng điện thoại khi lái xe là tôi góp ý luôn” (Nam, 28 tuổi, Hà Nội).

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: “Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động”. Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng (điểm 1, Khoản 3, Điều 5); người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm 0, Khoản 3, Điều 6); người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động; người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù) sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng (điểm h, Khoản 1, Điều 8). Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại đi động vẫn diễn ra phổ biến do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế và một phần do mức xử phạt còn thấp, số người vi phạm bị xử phạt chưa đáng kể.

2) Không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô và xe gắn máy (32,2% thanh niên đã từng thực hiện hành vi này ở các mức độ khác nhau). Tình trạng thanh niên không đội mũ bảo hiểm nhất là học sinh, sinh viên đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm là khá phổ biến. Nghiên cứu của Nguyễn Văn Kim (2016) cho thấy, hành vi “không đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy” là hành vi cũng thường gặp trong thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên. Việc đội một chiếc mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ thương tích nếu xảy ra tai nạn. Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, số vụ TNGT có liên quan tới mô tô, xe máy, xe đạp điện chiếm trên 70%. Phần lớn các vụ TNGT đều để lại di chứng nặng nề, một phần nguyên nhân do người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng quy cách. Mới đây, để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện, đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Chủ tịch UBND, kiêm trưởng Ban ATGT các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự và các lực lượng cảnh sát khác tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến đường, phát hiện xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT liên quan đến người đi mô tô, xe máy vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

3) Phi xe lên vỉa hè khi tắc đường: Hành vi này không những vi phạm luật giao thông mà ở góc độ văn hóa giao thông thì hành vi này là hành vi không có văn hóa giao thông. Vỉa hè là không gian dành cho người đi bộ, do đó, việc lấn chiếm vỉa hề dù bất cứ lý do gì cũng là phạm luật. Đối với lỗi đi xe trên vỉa hè căn cứ vào điểm D, khoản 4, Điều 6, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển xe máy đi trên hè phố, không gây tai nạn bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.

4) Vứt rác và khạc nhổ khi tham gia giao thông: Vứt rác bừa bãi trong quá trình tham gia giao thông là một biểu hiện kém văn minh. Chưa kể, hành vi đó cũng trực tiếp gây nguy hiểm cho những người đi đường và làm mất mĩ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người say xe, nôn mửa rồi vứt ra đường qua cửa xe, bên cạnh đó, nhiều loại rác thải khác cũng bị vứt ra đường. Ở một số nước phát triển, những hành vi này thường bị phạt rất nặng. Tại Việt Nam, theo quy định tại điểm D, khoản 1, Điều 20, Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thóat nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Trường hợp vứt rác gây tai nạn cho người khác, theo Điều 604 Bộ luật Dân sự thì người vứt rác có thể phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa nghiêm túc và hình phạt chưa đủ sức răn đe. Vấn đề này chủ yếu dựa vào ý thức và trách nhiệm của con người. Nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới đang tăng cường trừng phạt những hành vi sai trái của người dân ở nơi công cộng, nhất là xả rác, khạc nhổ… Theo thống kê, Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) đã ban hành khoảng 26.000 vé phạt vì hành vi xả rác nơi công cộng trong năm 2015 - con số cao nhất trong vòng 6 năm. Trong số này, 70% trường hợp bị phạt là người địa phương.

Bên cạnh hành vi vứt rác bừa bãi khi tham gia giao thông, hành vi khạc nhổ bừa bãi cũng không phải là hiếm. Nhiều thanh niên khi điều khiển giao thông nhưng vô tư khạc nhổ ra đường gây mất mĩ quan đô thị cũng như gây ảnh hưởng đến những người khác. Một số ý kiến chia sẻ rằng: “Tôi thấy việc khạc nhổ bừa bãi ra đường là vấn đề văn hóa cần nhắc đến trong đời sống văn minh đô thị. Chuyện tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà quan trọng là một chỉ dấu cho thấy văn hóa của con người và văn minh đô thị vẫn còn rất xa” (Nữ, 26 tuổi, Thừa Thiên - Huế); “Mình từng bị một thanh niên đi xe phía trước phun nước miếng bay vào mặt. Cảm giác thật kinh khủng. Cũng may mình có đem theo khăn giấy để lau nhưng vẫn ấm ức vì trong cuộc sống còn nhiều người vô ý thức, mất lịch sự (Nữ, 28 tuổi, Bắc Giang) hay “Đề nghị bổ sung vào Luật Giao thông đường bộ, xử lý nghiêm những hành vi khi tham gia giao thông: nhổ nước bọt, hút thuốc lá, vứt rác. Đây là những hành vi không chỉ ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác, mà còn làm kém đi văn minh đô thị” (Nam, 27 tuổi, Trà Vinh).

Thanh niên được khảo sát đa số ủng hộ quan điểm “Nên có quy định phạt nặng đối với những người gây tổn hại đến môi trường, công trình công cộng” (ĐTB = 3,84; ĐLC = 1,48). Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm (khoản 1, Điều 303, Bộ luật Hình sự 2015). Đánh cắp, phá hoại các thiết bị giao thông, hành vi không những vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng của người tham gia giao thông khi các thiết bị cảnh báo giao thông không còn tác dụng. Thiết nghĩ, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để sớm chấm dứt nạn mất trộm, phá hoại các thiết bị giao thông.

Theo một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá về các nguyên nhân đưa tới hành vi ứng xử không phù hợp của người dân nơi công cộng, phần lớn nhận định tập trung vào các lý giải, như: nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia dịch vụ nơi công cộng còn yếu (chiếm 76,4%); công tác giáo dục, định hướng hành vi ứng xử nơi công cộng chưa được quan tâm (64,9%); do thói quen lối sống (61,8%); các chế tài, quy định xử phạt còn thiếu (61,3%); chưa có bộ quy tắc ứng xử cho người dân ở nơi công cộng (60,2%); các giá trị đạo đức truyền thống bị xem nhẹ (59,2%); việc xử lý, xử phạt người dân vi phạm còn chưa nghiêm (58,1%)... Thiết nghĩ, đây là các nguyên nhân có thực, làm cho xu hướng bạo lực có phần nghiêm trọng hơn, dễ khởi phát hơn, hậu quả để lại nặng nề hơn. Vì hành vi bạo lực không chỉ gây tổn hại về thân thể, mà còn để lại tổn thương nặng nề về tinh thần, tình cảm của người bị xâm phạm. Trong các nguyên nhân đó, nguyên nhân từ nhận thức, tâm lý, lối sống của cá nhân là quan trọng hơn cả, bởi cách hành xử của mỗi người trước hết chịu sự chi phối của nhận thức, tư duy, trình độ, tình cảm riêng...

Kết luận

Như vậy, bài báo đã bước đầu phản ánh một vài khía cạnh và hành vi ứng xử phổ biến của thanh niên trong quá trình tham gia giao thông. Qua đó chúng ta thấy rằng, hiện tượng thanh niên hành xử thiếu văn hóa, vi phạm luật giao thông và các chuẩn mực văn hóa giao thông là không hề hiếm gặp. Từ thực trạng trên, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm cải thiện và nâng cao văn hóa ứng xử giao thông theo hướng văn minh, lịch sự cho thanh niên gồm:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông cho các đoàn viên, thanh niên với nhiều phương pháp cụ thể; tuyên truyền cho thanh niên về ý nghĩa của văn hóa giao thông; đẩy mạnh, cải tiến công tác tuyên truyền ATGT, phù hợp với đặc điểm riêng của các tầng lớp xã hội. Đi đối với việc giáo dục pháp luật về giao thông, cần đặc biệt chú trọng hướng dẫn các kỹ năng giao thông an toàn; tổ chức các lớp học miễn phí về ATGT;

- Giáo dục các giá trị về an toàn, tuân thủ nhất là trong lĩnh vực giao thông cho thanh niên để từ đó những giá trị này sẽ dẫn dắt, thúc đẩy những hành vi tuân thủ luật giao thông và chấp hành các quy định về ATGT trong thanh niên; định hướng, xây dựng những thói quen cho thanh niên trong ứng xử khi tham gia giao thông, đó là: ý thức thượng tôn pháp luật, ý thức nhường nhịn, kiên nhẫn, bình tĩnh, tuân thủ sự điều hành của CSGT, tự giác chấp hành đúng luật giao thông, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng...;

- Giáo dục tính cộng đồng khi tham gia giao thông cho thanh niên. Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông. Điều này thể hiện qua việc không chen lấn, việc cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông, như cấp cứu người bị nạn, chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường; cùng với CSGT phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác; thấy các sự cố về đường sá, phương tiện, phải kịp thời báo hiệu, thông báo cho nơi liên quan, để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Tính cộng đồng khi tham gia giao thông sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tắc đường do ai cũng muốn đi nhanh muốn chen lấn, giúp ngăn chặn những vụ việc va chạm, tranh cãi hoặc thậm chí đánh lộn không đáng có trên đường cũng như chấm dứt tình trạng vô cảm trước nỗi đau và rủi ro của người khác.

- Cha mẹ cần thường xuyên giám sát việc tham gia giao thông của con mình; kịp thời đôn đốc, nhắc nhở con điều chỉnh hành vi tham gia giao thông không phù hợp; có biện pháp cứng rắn khi con liên tục có những hành vi vi phạm trật tự ATGT.

- Xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử trong tham gia giao thông, bao gồm những tiêu chí như:

+ Người tham gia giao thông phải hiểu biết đầy đủ và chấp hành nghiêm luật giao thông; 

+ Người tham gia giao thông phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông;

+ Người tham gia giao thông phải có lòng tự trọng và lòng nhân ái;

+ Các cơ quan chức năng phải xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm luật giao thông.

- Tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm về những hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông và tập huấn kỹ thuật lái xe an toàn;

- Tổ chức các chương trình, phong trào nhằm nâng cao văn hóa giao thông cho thanh niên. Từ đầu năm 2020 đến nay, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức hàng loạt hoạt động, kế hoạch nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, phải kể đến như: Chương trình đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “Toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe máy”, triển khai các cuộc thi giao thông học đường, ATGT cho nụ cười ngày mai... Những chương trình này đã góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho từng đối tượng cụ thể;

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia giao thông cho thanh niên thông qua đẩy mạnh tuyên truyền các khẩu hiệu về ATGT như: “Đội mũ bảo hiểm đúng quy định khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện”; “Nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông”; “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”; “Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường”; “Tuổi trẻ nói không với TNGT”... nhằm hình thành nên trong mỗi thanh niên hành vi cư xử có văn hóa, đúng luật, an toàn và có ý thức lịch sự, tự giác tuân thủ pháp luật về ATGT như một chuẩn mực đạo đức xã hội, khơi dậy nét đẹp thuần phong mỹ tục khi tham gia giao thông; giúp cho đoàn viên, thanh niên có ý thức và trách nhiệm đúng khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải đảm bảo an toàn cho những người khác.

- Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm ATGT công cộng;

- Tăng cường các biện pháp kiểm tra, tuần tra trật tự ATGT và đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm giao thông bằng hình thức “phạt nguội”;

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát môi trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phá hoại cảnh quan môi trường tại không gian giao thông; đề xuất phạt lao động công ích đối với những hành vi vi phạm văn hóa ứng xử với cảnh quan môi trường tự nhiên tại không gian giao thông.

TS. Nguyễn Anh Tuấn
Viện Nghiên cứu Thanh niên

 

Ý kiến của bạn

Bình luận