Văn hóa và Văn hóa giao thông

Bạn đọc 15/01/2014 15:01

Văn hóa


          Chữ văn hóa ngày nay được sử dụng hết sức thông dụng, nhưng rất khó định nghĩa cho đầy đủ và chính xác, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực lại có những cái nhìn, tiếp cận khác nhau. Hơn nữa, mỗi người hiểu văn hóa theo một cách. Chính vì vậy, bộ mặt văn hóa biến thiên, có đủ hình dung sắc thái, có người cho nó mông lung như tinh thần, có người cho nó cụ thể, thực tiễn như vật chất. Dưới đây, tác giả đưa ra một số khái niệm về văn hóa, văn hóa giao thông và các tiêu chí về văn hóa giao thông.

          Theo quan niệm của các nhà nghiên cứu về văn hóa ở trong nước và quốc tế thì có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau:

          Theo thống kê của hai nhà nhân loại học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn thì có trên 160 định nghĩa khác nhau về văn hóa trong các công trình nổi tiếng thế giới. Tuy thế, điểm chung trong các định nghĩa khác nhau đều coi văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người với thiên nhiên và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua tiến trình lịch sử. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra.

          Năm 2002UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa, văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồnvật chấttri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.

          - Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004 thì đưa ra một loạt quan niệm về văn hóa:

          + Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử.

          + Văn hóa là một hệ thông hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình lao động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên, xã hội.

          - Định nghĩa của Hồ Chí Minh về văn hoá “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, phát luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá.”

          - Nghị quyết Trung Ương 5 (Khóa 8) nêu rõ: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đầu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Văn hóa giao thông.

          Theo nghiên cứu của Giáo sư Hoàng Chương: Trong ý nghĩa chung nhất, văn hóa giao thông cần được coi là một tập hợp những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra theo lý tưởng chân thiện mỹ trên lĩnh vực giao thông. Nói đến văn hóa giao thông là nói đến cái phải, cái thiện, cái đẹp của con người trong quá trình xây dựng, sử dụng các công trình, phương tiện giao thông, trong xây dựng và thực thi pháp luật về giao thông và trong tham gia giao thông. Văn hóa giao thông vừa là động lực, vừa là mục tiêu tạo nên một hệ thống giao thông hiện đại, văn minh, hiệu quả, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái và thân thiên.

          Văn hóa giao thông là một phần quan trọng của sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và là một trong những thước đo về trình độ văn hóa, văn hiến của dân tộc, là một lĩnh vực thể hiện rõ danh dự của tổ quốc, nhân phẩm của con người Việt Nam như nhiều học giả lớn của đất nước khẳng định trong các hội thảo về văn hóa giao thông.

          Văn hóa giao thông bao gồm cả hai mặt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất bao gồm các hạ tầng kỹ thuật giao thông, phương tiện giao thông, thiết bị điều hành giao thông. Văn hóa tinh thần bao gồm luật giao thông, cách thực thi luật giao thông, hành vi tham gia giao thông, trách nhiệm và tâm lý tham gia giao thông.

          Như vậy, trong khái niệm văn hóa giao thông, văn hóa của người tham gia giao thông, việc chấp hành luật giao thông dù là một nội dung rất quan trọng chính yếu nhưng không thể coi là nội dung duy nhất và bao trùm như quan niệm phổ biến hiện nay.

          Cần đề cập đầy đủ và sâu sắc đến văn hóa của người quy hoạch, xây dựng các chính sách pháp luật về giao thông, hạ tầng giao thông, người sản xuất các phương tiện giao thông, người xây dựng các công trình giao thông, người điều hành và thực thi pháp luật giao thông…

          Trên thực tế hiện nay, ở nước ta, tình trạng rối loạn, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, tai nạn giao thông gia tăng gây thiệt hại lớn cho xã hội, làm ảnh hưởng nặng nề tới sự nghiệp đổi mới phát triển giao lưu hội nhập của đất nước không chỉ do ý thức văn hóa, tinh thần thượng tôn pháp luật của người tham gia giao thông còn kém và bất cập, mà còn do sự yếu kém và bấp cập trong ý thức văn hóa của các cơ quan quy hoạch về giao thông, của người xây dựng hạ tầng giao thông, người xây dựng, điều hành và thực thi chính sách pháp luật giao thông.

          Việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông của đất nước, nhất là ở các đô thị lớn và các tuyến quốc lộ chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội. Về lâu dài, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện, cho con người, vì con người.

Tiêu chí Văn hóa giao thông

+  Tiêu chí chung

1. Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông;

2. Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh;

3. Tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông;

4. Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông;

5. Đi đúng làn đường, phần đường quy định;

6. Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép;

7. Tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông;

8. Tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn;

9. Có ý thức văn hoá xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn.

+ Tiêu chí cụ thể cho một số đối tượng

* Đối với cơ quan quản lý nhà nước về giao thông

- Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.

- Xây dựng các văn bản quản lý, hướng dẫn về giao thông phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính khả thi, tạo điều kiện cho người dân và cơ quan nhà nước thực hiện.

- Tuân thủ các quy định của pháp luật trong quy hoạch và quản lý quy hoạch giao thông;

- Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hợp lý, khoa học phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo mỹ quan và môi trường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người tham gia giao thông.

- Giám định, cấp phép cho các phương tiện tham gia giao thông, vận tải phải đảm bảo các chỉ số kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông thông đến mọi người dân, phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, vùng miền.

 - Xây dựng hệ thống cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn chuẩn mực để xử lý các vụ tai nạn, sự cố giao thông.

* Đối với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông

- Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, thuận lợi cho người tham gia giao thông.

- Thực thi, hướng dẫn, cưỡng chế, thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông nghiêm minh, chuẩn mực, lịch sự.

- Nhanh nhạy, linh hoạt trong giải quyết các tình huống ùn tắc và tai nạn giao thông.

- Ứng xử văn minh, không sách nhiễu, tiêu cực khi thi hành công vụ.

- Hướng dẫn, giúp đỡ người tham gia giao thông, đặc biệt là người tàn tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ.

* Đối với người tham gia giao thông

- Không vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông.

- Chấp hành nghiêm túc hệ thống báo hiệu đường bộ, đi đúng phần đường, làn đường quy định; không sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định.

- Bảo đảm tình trạng sức khỏe về thể chất và tinh thần khi tham gia giao thông.

- Duy trì phương tiện tham gia giao thông an toàn, sạch đẹp.

- Có thái độ hợp tác, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra tai nạn giao thông.

- Có trách nhiệm phản ánh và lên án các hành vi tiêu cực; tích cực đề xuất các sáng kiến trong lĩnh vực giao thông.

- Tận tình giúp đỡ người bị nạn, người già, người khuyết tật, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia giao thông.

- Tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông.

* Đối với cư dân sinh sống ven đường giao thông

- Tự giác chấp hành và tích cực tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

- Thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng về tình hình trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý các sự cố về trật tự, an toàn giao thông.

- Hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác sơ cứu, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.

- Phê phán, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Không tham gia các hoạt động cản trở, gây rối làm mất trật tự, an toàn giao thông. Không cổ vũ đua xe trái phép.

* Đối với chủ phương tiện tham gia giao thông

- Đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải; chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của chủ phương tiện trong việc khắc phục, giải quyết tai nạn giao thông.

- Chủ động tổ chức, tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất của người lái xe.

- Tự giác thực hiện việc sang tên, đổi chủ khi chuyển nhượng, mua bán phương tiện theo quy định của pháp luật.

TS. KHƯƠNG KIM TẠO

Ý kiến của bạn

Bình luận