Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Hiệp hội vận tải về Luật GTĐB sửa đổi |
Không nên tách Luật GTĐB thành 2 Luật mới
Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nêu vấn đề: Theo chỉ đạo thì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được sửa đổi theo hướng tách làm 2 Luật mới là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự ATGTđường bộ. Luật Giao thông đường bộ thì giao Bộ GTVT chủ trì soạn thảo, còn Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giao Bộ Công an soạn. "Tôi đã nhiều lần nêu ý kiến về việc này. Làm như vậy thì chỉ cần thực hiện một hành vi người tham gia giao thông đường bộ phải tham khảo 2 luật. Việc này sẽ phát sinh nhiều bất cập, thậm chí có khả năng tranh chấp trách nhiệm và quyền hạn giữa Bộ GTVT và Bộ Công an trong quản lý ", ông Thanh lưu ý.
Biển báo đường bộ |
Để cụ thể, ông Thanh đưa ra một số ví dụ: Về hệ thống báo hiệu đường bộ, từ Luật GTĐB năm 2001, năm 2008 tới nay đều quy định: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Báo hiệu đường bộ do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật khác của công trình đường bộ. Nhưng tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ lại quy định: Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống báo hiệu đường bộ”.
Tương tự, về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, từ năm 1995 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe dân sự được Chính phủ giao Bộ GTVT quản lý và đã thực hiện ổn định. Nhưng nay dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ lại quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…
Không thể tách rời các yếu tố cấu thành giao thông đường bộ |
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Dương Tất Sinh, Đại học Công nghệ GTVT cho rằng, Luật GTĐB 2008 đã xây dựng là tập hợp tổng thể các chế tài có tính liên quan đến giao thông đường bộ, bao gồm quy định chung, quy tắc giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng gao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, các điều khoản thi hành. Nó như sợi dây gắn kết các mắt xích khác nhau của giao thông vận tải đường bộ thành một thể thống nhất với mục đích đảm bảo năng lực chung của hệ thống với các ràng buộc liên quan lẫn nhau. Cũng theo ông Sinh, trải qua thời gian phát triển kinh tế-xã hội và để theo kịp sự tiến bộ của khoa học-công nghệ, Luật GTĐB (sửa đổi) cần bổ sung và hoàn thiện các nội dung chi tiết còn bất cập của Luật GTĐB 2008 là cần thiết nhưng việc tách thành 2 luật riêng là không phù hợp bởi nó sẽ làm mất tính logic, quan hệ tương hỗ và mất tính thống nhất giữa các nội dung cấu thành lĩnh vực giao thông đường bộ.
Nên giữ nguyên cơ quan quản lý đào tạo sát hạch lái xe
Cũng tại hội thảo nhiều đại biểu băn khoăn về việc chuyển giao cho Bộ Công an quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức- Trường ĐH Việt Đức sau khi đưa ra một số dữ liệu nghiên cứu, ông cho biết trong những năm qua TNGT luôn luôn được kiểm chế và trong 3 thập niên qua (1990-2020) tỉ lệ số người chết do TNGT trên 100 ngàn GPLX giảm 52 lần, tỉ lệ người chết trên 10 ngàn phương tiên đường bộ cũng giảm mạnh gần 13 lần. Ngoài ra, GPLX của Việt Nam được nhiều nước công nhận và cho phép được đổi sang GPLX quốc gia của họ như Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Đức, Nhật Bản. Việt Nam cũng đã tham gia ký kết các văn bản như: Hiệp định công nhận GPLX giữa các nước ASEAN; Các Hiệp định, Nghị định thư về vận tải đường bộ với Trung Quốc, từ năm 2014 tham gia Công ước Quốc tế về Giao thông Đường bộ (Công ước Viên 1968)..., theo đó GPLX của Việt Nam được 85 nước trên thế giới công nhận. Điều này khẳng định trình độ và chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX của Việt Nam đang tiệm cận với thế giới. Việc quản lý, sát hạch, cấp GPLX nếu chuyển sang Bộ Công an quản lý chẳng khác nào chuyển công tác quản lý dân sự sang cho lực lượng vũ trang, nó ngược với thông lệ quốc tế.
Kiểm tra phương tiện tại các bến xe |
Tương tự, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hải Phòng cho rằng, với GPLX quốc tế do Việt Nam cấp, ông đã từng lái xe ở Úc suốt 3 năm mà không gặp phải rào cản nào. Do đó ông Tiến đề nghị nên giữ nguyên cơ quan quản lý như hiện nay là Bộ GTVT.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong 27 năm qua Bộ GTVT quản lý tốt, đã đầu tư và ổn định công tác này, nếu thay đổi sẽ gây xáo trộn xã hội rất lớn.
“Sẽ có hàng ngàn cán bộ, nhân viên thuộc Bộ GTVT mất việc hoặc phải chuyển đổi ngành nghề khác. Trong khi đó Bộ Công an phải tuyển dụng, hoặc tiếp nhận và đào tạo lại đội ngũ cán bộ chiến sĩ mới làm nhiệm vụ này cùng việc phải đầu tư trang thiết bị mới. Từ đó dẫn tới tốn kém ngân sách rất lớn,” ông Thanh cảnh báo.
Được biết, đây là lần thứ 3 Tổng cục ĐBVN tổ chức hội nghị lấy ý tham góp ý kiến vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ ( sửa đổi).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.