Vận tải hàng không: Tiềm năng và cơ hội

Thị trường 28/03/2016 06:23

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ và thị phần vận tải ngày càng lớn, ngành Hàng không Việt Nam (HKVN) đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển. Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục HKVN để thấy rõ hơn bức tranh vận tải của Ngành trong thời gian tới.

image001
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cụ HKVN

PV: Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, các đơn vị trong ngành GTVT đã thực hiện tốt công tác quản lý kinh doanh vận tải trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Xin ông cho biết Cục HKVN đã chuẩn bị cho công tác này như thế nào và những kết quả đạt được?

Ông Võ Huy Cường: Nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán rất lớn đối với ngành GTVT nói chung và đối với ngành Hàng không nói riêng. Để đáp ứng nhu cầu này, các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng HKVN đều có kế hoạch tăng chuyến trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Trong giai đoạn Tết từ 25/01/2016 đến 28/02/2016 (từ 16 tháng Chạp đến 21 tháng Giêng âm lịch), các hãng HKVN tăng thêm 4.664 chuyến bay với số tải cung ứng trung bình hàng ngày cao hơn 20% so với ngày bình thường theo kế hoạch bay đã được phê duyệt.

Trong giai đoạn vừa qua, Bộ GTVT, Cục HKVN đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị trong Ngành nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy của các hãng hàng không. Kết quả năm 2015, tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy của hàng không Việt Nam chỉ còn 15,5%, giảm gần 3 điểm so với năm 2014.

Nhận thức và dự báo được nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ tăng cao trong dịp Tết Bính Thân 2016, trong bối cảnh Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đã khai thác vượt công suất thiết kế và gặp nhiều khó khăn trong giao thông tiếp cận, Bộ GTVT, Cục HKVN đã phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và lễ hội Xuân 2016, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trong ngành Hàng không thực hiện tốt công tác chuẩn bị cũng như đưa ra các giải pháp để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, hạn chế tối đa tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến.

Có thể nói, với các biện pháp quyết liệt, cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là nỗ lực của các hãng hàng không, các đơn vị liên quan tại cảng hàng không, công tác phối hợp liên ngành chặt chẽ, hoạt động vận chuyển hàng không trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đã đảm bảo các chuyến bay tuyệt đối an toàn, không xảy ra vụ việc vi phạm an ninh hàng không và trật tự xã hội trong khu vực cảng hàng không, sân bay.

Cùng với sự phát triển kinh tế, lượng hành khách hàng không trong các năm qua nói chung và nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong giai đoạn Tết Nguyên đán nói riêng đã có sự tăng trưởng mạnh. Trong 9 ngày cao điểm Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, từ 5/02/2016 đến 13/02/2016 (27 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng), sản lượng thông qua các cảng HKVN đạt 14,2 nghìn lần hạ cất cánh (tăng 22,1%), 1,92 triệu lượt hành khách (tăng 24,4%) so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 906,1 nghìn lượt hành khách (tăng 21,2%) so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.

Bên cạnh những mặt đã làm được, trong các ngày từ 11 - 12/02/2016, do ảnh hưởng của thời tiết sương mù tại Cảng hàng không Vinh, vì lý do đảm bảo an toàn bay, một số chuyến bay của các hãng hàng không đi/đến Vinh phải tạm dừng khai thác nhưng các hãng hàng không không kịp thời cung cấp thông tin, lý do tới hành khách dẫn tới sự hiểu lầm, bức xúc của hành khách. Đại diện Cảng vụ Hàng không và hãng hàng không tại Cảng Hàng không Vinh đã phối hợp để lên phương án giải tỏa khách theo hướng chuyển khách sang các chuyến bay đi/đến Nội Bài kết hợp ô tô hoặc sắp xếp trên các chuyến bay của ngày kế tiếp, đồng thời giải thích, thu xếp đền bù thiện chí đối với hành khách tại Vinh, đảm bảo duy trì trật tự tại cảng hàng không.

Đến ngày 13/02, sau khi điều kiện thời tiết đã đảm bảo tiêu chuẩn khai thác, các hãng hàng không đã khai thác lại các chuyến bay đến Vinh, đồng thời bay tăng cường để giải tỏa toàn bộ khách bị ảnh hưởng. Cục HKVN đã yêu cầu các hãng hàng không, các đơn vị tại Cảng hàng không, đặc biệt là VietJet Air rút kinh nghiệm trong việc cung cấp thông tin tới hành khách cũng như việc đưa ra các phương án xử lý kịp thời, gây sự hiểu lầm cho hành khách, ảnh hưởng tới kế hoạch đi lại của người dân, đặc biệt là trong những ngày đầu năm mới.

van tai HK

PV: Sau đợt cao điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của hành khách tiếp tục gia tăng trong mùa lễ hội. Để đảm bảo sự an toàn cũng như đáp ứng điều kiện lưu thông của hành khách, Cục HKVN đã có sự điều chỉnh và giải pháp gì, thưa ông?

Ông Võ Huy Cường:  Ngay sau đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Cục HKVN đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không, cảng hàng không, quản lý bay và cảng vụ hàng không tổng kết công tác chuẩn bị và tình hình khai thác, phục vụ hành khách trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán, đặc biệt chú trọng vào các vấn đề: Đánh giá khả năng đáp ứng của đội tàu bay đối với kế hoạch tăng chuyến Tết đã xây dựng; công tác triển khai thực hiện việc đảm bảo tàu bay dự phòng trong thời gian cao điểm Tết (đảm bảo tỷ lệ 10% năng lực khai thác dự phòng); thực hiện nghĩa vụ của hãng hàng không trong trường hợp chậm chuyến, hủy chuyến, gián đoạn vận chuyển; đề xuất các biện pháp để hành khách không mua phải vé giả; ngăn chặn tình trạng lừa đảo, bán vé giả như đã xảy ra trong thời gian qua; nhận diện các khó khăn, vướng mắc nổi cộm; đề xuất kiến nghị biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc, rút kinh nghiệm cho kế hoạch phục vụ Tết các năm sau.

Cho đến nay, các đơn vị đều có báo cáo đánh giá cụ thể về mặt được, chưa được để nghiêm túc nhìn nhận, làm cơ sở để Cục HKVN đưa ra các phương án chuẩn bị cho các giai đoạn cao điểm sắp tới. Theo đánh giá, trong năm 2016, với các chính sách hoán đổi ngày nghỉ lễ phù hợp của Nhà nước, bên cạnh các giai đoạn cao điểm dài ngày thường lệ như nghỉ hè, nghỉ Tết thì thị trường hàng không sẽ đón các đợt cao điểm nghỉ lễ ngắn ngày như Giỗ tổ Hùng Vương (03 ngày), Lễ 30/4 và 01/5 (04 ngày), Lễ Quốc khánh 02/9 (03 ngày)...

Với các đánh giá về công tác khai thác, phục vụ hành khách từ đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Cục HKVN đã chủ động chỉ đạo, phối hợp các hãng hàng không, cảng hàng không, quản lý bay... để xây dựng các kế hoạch phân bổ giờ hạ, cất cánh, đảm bảo nguồn lực dự phòng tàu bay, tăng cường nhân lực... trong hoạt động khai thác, phục vụ hành khách cũng như công tác phối hợp liên ngành nhằm đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn trong khu vực lân cận/tiếp cận các cảng hàng không, sân bay.

PV:  So với các loại hình vận tải khác, năm 2015, hàng không được đánh giá là loại hình thu hút nhiều hành khách, ông đánh giá thế nào về nhận định này. Định hướng trong thời gian tiếp theo để ngành Hàng không tiếp tục tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn?

Ông Võ Huy Cường: Có thể nói, sự phát triển của nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều song hành với sự phát triển của ngành Hàng không. Với ưu thế tuyệt đối về thời gian, loại hình vận chuyển hàng không đã có lợi thế không nhỏ so với các loại hình vận tải khác, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, kéo mọi người gần nhau hơn, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư, thương mại, gián tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng, địa phương. Tại Việt Nam, ưu thế này đối với ngành Hàng không cũng không phải là ngoại lệ trong điều kiện hạ tầng GTVT giữa các vùng, địa phương vẫn còn không ít khó khăn.

Có thể nói, ngành Hàng không đã thực hiện tốt vai trò 1 mắt xích quan trọng trong sự phát triển của ngành GTVT, góp phần tích cực trong việc giảm tải cho vận tải đường bộ trong thời gian qua.

Để tiếp tục phát triển ngành Hàng không, Chính phủ, Bộ GTVT, Cục HKVN đã đề ra các mục tiêu, định hướng để tiếp tục phát triển ngành Hàng không trong giai đoạn tới, cụ thể:

Thứ nhất, tăng tỷ trọng vận tải hàng không trong cơ cấu chung của ngành GTVT, đặc biệt trên các hành trình đường dài, quốc tế.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển thị trường vận tải hàng không. Đến năm 2020, thị trường vận tải HKVN đứng thứ 4 trong ASEAN.

Thứ ba, vận tải hàng không trở thành loại hình giao thông phổ biến, có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các các vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo; phấn đấu đến năm 2020, có hoạt động khai thác quốc tế thường lệ đến toàn bộ các cảng hàng không quốc tế được công bố; tăng tần suất các chuyến bay trên các đường bay hiện tại đến toàn bộ các cảng hàng không nội địa với tối thiểu 7 chuyến/tuần, tất cả các hãng hàng không đều có hoạt động khai thác thường lệ trên tất cả các đường bay phục vụ kinh tế - xã hội.

Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam, thông qua việc hiện đại hóa đội tàu bay, mở rộng mạng đường bay, tăng cường chất lượng dịch vụ. Các hãng hàng không truyền thống xếp hạng 4 - 5 sao theo tiêu chí đánh giá của Skytrax, các hãng chi phí thấp có chất lượng ngang bằng với các hãng hàng không cùng loại trong khu vực; giữ tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng HKVN ở mức từ 12 - 15%; giảm tỷ lệ không hài lòng của hành khách đối với dịch vụ hàng không qua các năm.

Thứ năm, tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh cho hoạt động của các hãng hàng không; đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng HKVN, nâng cao trách nhiệm xã hội của các hãng HKVN không phải là hãng hàng không quốc gia.

Thứ sáu, đảm bảo 100% các vụ việc liên quan đến tranh chấp về quyền và lợi ích chính đáng của hành khách được xử lý theo quy định của pháp luật.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Ý kiến của bạn

Bình luận