Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội sau 5 năm về điều chỉnh địa giới hành chính

Bạn đọc 27/11/2013 09:03

ThS. NGUYỄN HOÀNG HẢI Trung tâm Quản lý & Điều hành GTĐT Hà Nội


Sau thời điểm 01/08/2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đã khắc phục khó khăn để thực hiện tốt vai trò của mình. Mạng lưới tuyến tiếp tục được cải thiện và mở rộng, Chất lượng phục vụ có nhiều chuyển biến tích cực, hiện tượng tùy tiện bỏ điểm dừng đỗ, bỏ chuyến lượt, chạy sai biểu đồ đã giảm đáng kể. Thái độ phục vụ, văn minh xe buýt đã được cải thiện, những hình ảnh đẹp về giúp đỡ và nhường ghế cho người già, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, trả lại tài sản cho khách… ngày càng phổ biến, lượng hành khách sử dụng dịch vụ tiếp tục gia tăng. Hoạt động xe buýt tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, áp lực giao thông, ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt của Thành phố có 86 tuyến (tăng 13% với 2008); vận chuyển được 460 triệu lượt hành khách/năm (tăng 13,6% so với 2008). Mạng lưới tuyến xe buýt được chú trọng điều chỉnh hợp lý hóa, không ngừng cải thiện điều kiện vận hành và mở rộng vùng phục vụ tới các trung tâm dân cư mới và các quận huyện ngoại thành, 5 năm qua Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện gần 250 lượt điều chỉnh mạng lưới (năm 2008 điều chỉnh 13 lần/13 tuyến; năm 2009 điều chỉnh 84 lần/46 tuyến; năm 2010 điều chỉnh 38 lần/29 tuyến; năm 2011 điều chỉnh 46 lần/30 tuyến; năm 2012 điều chỉnh 67 lần/42 tuyến).

Phương tiện VTHKCC bằng xe buýt không ngừng tăng về số lượng và chất lượng: Từ năm 2008 đến nay, số lượng phương tiện tăng từ 966 xe lên 1.308 xe (tăng 35%), trong đó đầu tư đổi mới, bổ sung 461 phương tiện mới (chiếm 35%). Các xe hiện tại đều đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường EURO II và EURO III, 100% xe có điều hoà và lắp thiết bị giám sát hành trình GPS.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được duy trì và tiếp tục đổi mới, phát triển đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi phục vụ tốt cho xe buýt hoạt động và hành khách tiếp cận dịch vụ. Toàn mạng lưới hiện có 1.812 điểm dừng đón trả khách (tăng 60% so với 2008) với 350 nhà chờ xe buýt (tăng 23% so với 2008), 68 pano (tăng 51% so với 2008), 63 điểm đầu cuối (tăng 21% so với 2008), 03 điểm trung chuyển (Long Biên, Cầu Giấy, Nhổn, tăng thêm 01 điểm tại Nhổn).

Hoạt động kiểm tra giám sát hoạt động xe buýt được tăng cường về quân số, trang bị, đổi mới các hình thức hoạt động góp phần không đẩy mạnh chất lượng dịch vụ và quản lý tốt hơn ngân sách trợ giá của Thành phố. Năm 2012, số lượt kiểm tra giám sát đã đạt trên  540 ngàn lượt/năm (tăng 508% so với 2008); số lượt xe được giám sát tăng từ 2,8% năm 2008 lên 14,1%, năm 2012. Số biên bản xử lý vi phạm lập được tăng từ 187 cái năm 2008 lên 1.839 cái năm 2012 (tăng 983%). Số tiền thu từ xử phạt hợp đồng tăng từ 76,2 triệu đồng 2008  lên 701,2 triệu đồng năm 2012 (tăng 1.170%).

Công tác thông tin tuyên truyền về vai vai trò của vận tải công cộng và xây dựng nếp sông văn minh xe buýt, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên xe buýt cũng được tăng cường, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Sở GTVT Hà Nội đã cho phát hành nhiều ấn phẩm thông tin tuyên truyền về mạng lưới xe buýt (10.000 bản đồ mạng lưới xe buýt, 16.000 sổ tay hướng dẫn hành khách đi xe buýt, 1.000 bảng hướng dẫn vị trí ưu tiên trên xe). Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức tuyên truyền vai trò và văn minh xe buýt tới gần 2.000 báo cáo viên, đại diện các tổ chức chính trị xã hội của 10 quận huyện. Duy trì tốt công tác đào tạo, tập huấn về văn hóa giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông và văn minh xe buýt. Năm 2012, đã tổ chức tập huấn cho 2.000 lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt và 200 cán bộ kiểm tra giám sát. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sản xuất 03 clip với nội dung tuyên truyền thu hút nhân dân sử dụng xe buýt với nội dung ngắn gọn, ấn tượng thu hút người xem và đã được Ban An toàn giao thông Thành phố thẩm định phê duyệt; thực hiện phát sóng trên kênh Truyền hình Hà Nội 1 trong tháng 11 và tháng 12/2012.

Nhìn lại 5 năm sau mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, bên cạnh những chuyển biến tích cực, mạng lưới xe buýt vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Thứ nhất, chất lượng dịch vụ có mặt còn có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu của hành khách. Trong số gần 2.000 các vụ việc vi phạm quy định về hoạt động xe buýt đã xử lý trong năm 2012 thì có 58,5% vi phạm về bán vé, 8,5 % vi phạm về chất lượng phương tiện, 6% chạy sai biểu đồ, dừng đỗ sai quy định, 1,1% chạy sai lộ trình 0,4% vi phạm thái độ phục vụ của lái xe, phụ xe, vẫn còn tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng còi hơi tuỳ tiện, tình trang trộm cắp trên xe buýt vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo kết qủa phòng chống tội phạm hình sự trên các tuyến xe buýt của Tổ công tác 142 Công an Thành phố Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2013 đã phát hiện, bắt giữ, xử lý trên các tuyến xe buýt và tại các điểm đỗ xe buýt là 87 vụ với 123 đối tượng. Thứ tư, tình trạng chiếm dụng hạ tầng xe buýt, chiếm dụng lòng đường vỉa hè còn khá phổ biến gây khó khăn cho xe buýt ra vào điểm đón khách, nguy hiểm cho hành khách lên xuống xe, tiềm tàng nguy cơ gây mất an toàn giao thông, theo thống kê cho thấy tại các quận nội thành hiện có trên 70 vị trí thường xuyên bị chiếm dụng bởi hàng rong, xe máy, ôtô, xe rác,… Thứ năm, diễn biến phức tạp của giao thông đô thị vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến dịch vụ xe buýt. Trong năm 6 tháng đầu năm 2013, có gần 1% số lượt xe không thực hiện được do ùn tắc giao thông. Thứ sáu, hiện thành phố còn thiếu các cơ chế chính sách cụ thể cho việc hỗ trợ mua sắm phương tiện tiên tiến, thân thiện môi trường, các chính sách tạo nguồn tài chính cho vận tải công cộng hoạt động ổn định, có chất lượng, các chính sách để đảm bảo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là cho đội ngũ quản lý và hoạt động kiểm tra giám sát.

Trong thời gian tới phương hướng phát triển mạng lưới xe buýt sẽ tập trung để triển khai Luật Thủ đô và 02 quyết định quan trọng đó là Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020; và Quyết định số 3462/QĐ-UBND ngày 25/07/2011 của UBND Thành phố Hà Nội v/v phê duyệt đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Thủ đô năm 2011 đến 2015 và định hướng đến năm 2020; với các chỉ tiêu cơ bản sau:

- Giai đoạn 2011 – 2015 mở rộng và phát triển mạng lưới tuyến lên 91 tuyến. Sản lượng hành khách công cộng bằng xe buýt đạt 2,14 triệu HK/ngày. Đến 2015, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng 15% nhu cầu đi lại.

- Giai đoạn 2016 – 2020: Phát triển mạng lưới tuyến buýt lên 98 tuyến. Sản lượng hành khách công cộng bằng xe buýt đạt 2,73 triệu HK/ngày. Đến 2020, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng 20% nhu cầu đi lại.

Các giải pháp chủ yếu bao gồm:

- Tổ chức và điều chỉnh mạng lưới tuyến nhằm cải thiện, tăng cường năng lực vận hành, đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt hơn tại đô thị lõi và tới các trung tâm quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, các khu đô thị mới và các vùng phụ cận Hà Nội và điều chỉnh mạng lưới tuyến để tăng kết nối hiệu quả với các mô hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.

- Cải thiện và phát triển hạ tầng buýt đưa vào các mô hình hạ tầng tiên tiến (các điểm đầu cuối, các điểm trung chuyển, các làn đường dành riêng, hệ thống nhà chờ và giao thông tiếp cận,…) nhằm tăng cường năng lực và cải thiện chất lượng dịch vụ.

- Bổ sung và đổi mới đoàn phương tiện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đồng thời hướng tới hình thành một đoàn phương tiện đạt tiêu chuẩn buýt đô thị thân thiện môi trường, ưu tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (như CNG, LPG…), và xe buýt có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật.

- Hiện đại hóa công nghệ quản lý, áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát và điều hành và hệ thống thông tin hành khách tiên tiến.

- Đổi mới hệ thống vé linh hoạt, đa dạng, tiên tiến, có giá vé hợp lý đảm bảo hấp dẫn và thuận lợi cho người sử dụng, thuận tiện cho kiểm soát và quản lý doanh thu.

- Cải thiện và đổi mới mô hình quản lý, tăng cường năng lực quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong vận tải hành khách công cộng:

- Hoàn chỉnh các chính sách trong quản lý và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt bao gồm các quy định về xây dựng cơ sở hạ tầng, về kiểm tra giám sát, quản lý hệ thống vé, quản lý phương tiện và quản lý lao động tham gia thực hiện nhiệm vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội.

Ý kiến của bạn

Bình luận