Tình trạng “xe dù” diễn ra nhức nhối tại trước cổng Bến xe Mỹ Đình (đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). |
“Nở rộ” vi phạm
Những ngày sau Tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi thực hiện việc khảo sát tại một số bến xe, ga tàu trên địa bàn TP. Hà Nội. Ðiều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất là sự lộng hành của các đối tượng “cò xe”, “cò vé” và tình trạng xe khách ngang nhiên bắt khách dọc đường.
Chiều ngày 01/3/2018 (tức ngày 14 tháng Giêng), có mặt tại Bến xe Mỹ Đình, chúng tôi lách qua dòng người đông đúc bước vào phía sau của bến xe này, nơi đang có gần trăm phương tiện dừng, đỗ trên khoảng sân chật chội. Khó nhọc lắm chúng tôi mới thoát ra khỏi đám đông phụ xe và đội quân “cò mồi” luôn miệng mời chào, chèo kéo khách. Ði phía trước chúng tôi là một bà cụ cố bíu chặt lấy tay cô cháu gái. Hai bà cháu với vẻ mặt hốt hoảng, rảo bước “chạy trốn” những gã “cò xe” mặt mày dữ tợn.
Tại Bến xe Giáp Bát, trước mắt chúng tôi là một phụ nữ tay xách nách mang cố sức vẫy vùng khỏi đám đông, tuy nhiên cuối cùng người này vẫn bị một phụ xe lôi xềnh xệch lên xe của nhà xe Tiến Phương hoạt động chuyên tuyến Hà Nội - Thanh Hóa… Thành phần “cò xe” hoạt động tại Bến xe Giáp Bát là bản thân những người phụ xe và các đội “cò mồi” chuyên nghiệp, thậm chí những người bán hàng rong, hàng nước, xe ôm kiêm thêm nhiệm vụ “gom” khách cho các xe.
Ðảo qua các bến xe Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, chúng tôi bắt gặp hàng chục xe có biểu hiện chạy chậm hoặc dừng, đỗ dọc đường để bắt khách. Chúng tôi không thể liệt kê hết số lượng xe có hiện tượng vi phạm, xin nêu một số xe có các biển kiểm soát: 29V-2820, 29LD-2194, 18N-2655, 18B-155.75, 18N-2169, 36M-320.07, 35N-2665, 17K-2581, 36B-025.56, 29B-630.01, 16LD-0926, 53S-7583, 16N-2791, 34B-00170, 98B-418.08, 16N-0624, 30M-7447...
Tại những điểm “nóng” nội thành Hà Nội, trên các tuyến phố như Giải Phóng, Nguyễn Lân, Trường Chinh (Thanh Xuân); Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Lãng Yên (Hai Bà Trưng); Nguyễn Hoàng, Lê Quang Đạo, Phạm Hùng, Hàm Nghi (Nam Từ Liêm); Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Trung Hòa, Nam Trung Yên (Cầu Giấy), tình trạng các loại “xe dù”, “bến cóc” diễn ra công khai. Trong đó, nổi cộm là các xe khách “núp” dưới danh nghĩa xe du lịch, xe chạy hợp đồng hoạt động như xe tuyến cố định. Khoảng 30 phút “mục sở thị” trên tuyến phố Nguyễn Lân (Thanh Xuân), chúng tôi đếm được khoảng 10 chuyến xe “trá hình” thuộc nhà xe Vân Anh, Đại Nam Limousine, Trường Hằng... hoạt động trên tuyến Hà Nội - Thanh Hóa công khai bán vé và xếp khách ngay tại văn phòng giao dịch. Khi xe “xuất bến” tiếp tục chạy chầm chậm trên đường để bắt thêm khách. Vừa nhìn thấy có người đón bên đường, lái xe lập tức tấp xe vào lề, phụ xe nhảy xuống, mặc cho phía sau hàng trăm phương tiện đang chạy cùng chiều với tốc độ cao.
Bất cập trong công tác quản lý
Thực trạng nhốn nháo trong hoạt động vận tải khách trong và sau dịp Tết Nguyên đán hầu như năm nào cũng diễn ra. Các cơ quan chức năng thường xuyên có kế hoạch triển khai sớm để đối phó với thực trạng này, tuy nhiên kết quả đạt được chưa như mong muốn, thậm chí có lúc, có nơi, tình hình lại trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo chuyên gia vận tải Thân Văn Thanh, nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các bến xe, ga tàu.
“Thực tế cho thấy còn có sự “phân vùng” trong công tác quản lý bến. Theo quy định về thẩm quyền quản lý, trong phạm vi khuôn viên bến thuộc trách nhiệm của ban quản lý bến xe; phía trước cổng bến do lực lượng Công an, dân phòng sở tại, còn các tuyến đường xung quanh lại thuộc chức năng, nhiệm vụ của CSGT..., điều này dễ dẫn đến hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị chức năng. Ðiển hình là tại khu vực Bến xe phía Nam (Hà Nội) thường xuyên có các lực lượng nhân viên bảo vệ, Công an, dân phòng, CSGT, TTGT tuần tra, ứng trực, tuy nhiên hoạt động “cò vé”, các nhà xe nhồi nhét khách, cố tình chạy rùa bò vẫn ngang nhiên diễn ra ngay trước mặt lực lượng chức năng”, ông Thanh phân tích.
Cũng theo ông Thanh, một nguyên nhân khác gây ra sự nhốn nháo, lộn xộn trong hoạt động vận tải khách ở Hà Nội là do sự phân bổ, điều tiết lượng xe ở các bến chưa thật sự hợp lý và khoa học. Bến xe phía Nam trong tình trạng quá tải, nhếch nhác nhưng vẫn được phép khai thác, vận chuyển lượng khách đông đúc. Trong khi đó, Bến xe Yên Nghĩa nằm trên trục QL6 có địa điểm thông thoáng, rộng rãi hơn lại chưa được san sẻ, tiếp nhận thêm lượng khách từ các xe buýt trung chuyển. Việc dồn các xe vào bến trung tâm, đặc biệt là tình trạng xe khách chạy xuyên trung tâm thành phố cũng là nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng lộn xộn giao thông ở nội đô.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội, trong dịp trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018, lực lượng này thông thường chú trọng vào việc xử lý lái xe vi phạm về tốc độ, đi vào đường cấm, chở quá tải, chở hàng lậu, còn các trường hợp “cò xe”, bắt khách dọc đường thì chế tài xử phạt còn nhẹ. Thậm chí, một số vi phạm về nạn “xe dù”, “bến cóc”, trong đó có nêu đích danh các doanh nghiệp vi phạm, cơ quan chức năng nhiều lần xử lý nhưng chưa đủ sức răn đe, cho nên chỉ một thời gian sau, hiện tượng này lại tái diễn.
Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 48/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2018, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng kiểm tra, đôn đốc công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền, phổ biến đến các đơn vị kinh doanh vận tải nhắc nhở người điều khiển phương tiện kinh doanh, nhân viên phục vụ trên phương tiện nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...
Đặc biệt, để đảm bảo TTAGT dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia đã thông báo số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về những vi phạm TTATGT.
Trước tình trạng lộn xộn tại các bến xe, ga tàu và tình hình nhốn nháo trong hoạt động vận tải khách ở các địa phương, đặc biệt là ở TP. Hà Nội vẫn tiếp tục diễn ra, thiết nghĩ các lực lượng chức năng cần phối hợp thực hiện thật tốt nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, nhất là trong những ngày cao điểm mùa lễ hội năm 2018. Thêm vào đó, cần huy động lực lượng, phương tiện nhằm tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ để kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm các sai phạm, không để tái diễn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” mà bao năm qua vẫn còn tồn tại
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.