Vận tải khởi sắc với nhiều “điểm sáng” sau đại dịch

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 12/12/2022 14:36

Khi dịch Covid-19 từng bước được khống chế, xã hội bước vào giai đoạn bình thường mới, vận tải khách và hàng hóa ngay lập tức đã chớp thời cơ, tận dụng tối đa cơ hội để chiếm lĩnh thị trường, phục vụ nhu đi lại của người dân và sản xuất kinh doanh hậu đại dịch.


Vận tải khởi sắc với nhiều “điểm sáng” sau đại dịch - Ảnh 1.

11 tháng đầu năm đã có 90,8 triệu khách thông qua các cảng hàng không, tăng 221% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh minh họa

Vận tải khách, hàng hóa tăng trưởng ấn tượng

Thông tin tại cuộc họp giao ban thường kỳ cuối tháng 11, đại diện Văn phòng Bộ GTVT cho biết, vận tải hàng hóa 11 tháng ước đạt 1.832 triệu tấn, tăng 24,6% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa 11 tháng ước đạt 402 tỷ tấn.km, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng hóa 11 tháng của ngành Hàng không tăng 2,9%, đường bộ tăng 23,2%, đường thủy tăng 28,9%, đường biển tăng 29,2% và đường sắt tăng 3,6%.

Vận chuyển hành khách 11 tháng ước đạt 3.350 triệu lượt, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hành khách 11 tháng ước đạt 155,4 tỷ hành khách.km, tăng 71,4% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hành khách 11 tháng của ngành Hàng không tăng 218,2%, đường biển tăng 57,7%, đường sắt tăng 198,1%, đường bộ tăng 47,8% và đường thủy tăng 43,5%.

Là một trong những lĩnh vực sớm thích ứng nhanh với tình hình mới, 11 tháng đầu năm 2022, vận tải hành khách đường thủy nội địa ước đạt 220 triệu lượt khách, tăng 69% và 2,9 tỷ lượt khách.km, tăng 85%; về hàng hóa đạt 365,2 triệu tấn, tăng 79% và 77,4 tỷ tấn.km, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục ĐBVN, vận tải đường bộ đã khởi sắc trở lại sau thời kỳ "ngủ đông" do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp vận tải đã chớp ngay thời cơ để thích ứng với tình hình mới với thị phần vận tải đường bộ chiếm 95% lượng hành khách và vận tải hàng hóa chiếm 75% trong 4 loại hình vận tải.

"Mặc dù chưa phải là con số tổng kết năm 2022, song với những chính sách thích ứng tình hình mới, ngành vận tải đường bộ chắc chắn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng với hai con số", ông Cường khẳng định.

Vận tải khởi sắc với nhiều “điểm sáng” sau đại dịch - Ảnh 2.

Thị phần vận tải đường bộ luôn chiếm tỷ lệ cao so với 4 loại hình vận tải còn lại. Ảnh minh họa

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để hàng không tăng trưởng bền vững

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 11 đã có 8,67 triệu khách thông qua các cảng hàng không, tăng 7% so với tháng 10/2022 và tăng 630% so với tháng 11/2021. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 1,67 triệu khách, tăng 2.706,2% so với tháng 11/2021; khách nội địa đạt 7 triệu khách, tăng 508,9% so với tháng 11/2021.

Tính chung 11 tháng đầu năm đã có 90,8 triệu khách thông qua các cảng hàng không, tăng 221% so với cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế đạt 9,8 triệu khách, tăng 2.041% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng hành khách nội địa có xu hướng tăng mạnh, đạt 81 triệu khách thông qua, tăng 191,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong số này, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 45 triệu khách, tăng 217,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vận chuyển 4,4 triệu khách quốc tế, tăng 3.145,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ GTVT sẽ tổ chức kiểm tra, làm việc với một số địa phương về chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; công tác bảo đảm trật tự ATGT các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt; chuẩn bị tốt phương án vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự ATGT, gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2023.

Đề cập đến lý do chính dẫn đến sự phục hồi về sản lượng vận chuyển hàng không, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng, dịch Covid-19 đã được kiểm soát có hiệu quả và các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại trạng thái bình thường mới, đồng nghĩa với hầu như không có hạn chế về việc đi lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp HKVN đã có sự chuẩn bị kịp thời cho giai đoạn phục hồi ngay từ khi dịch bệnh còn đang bùng phát mạnh mẽ. Đặc biệt, các hãng hàng không lớn đều đã tích cực chuẩn bị và mở thêm các đường bay mới ở trong nước và quốc tế đi cùng các chính sách về giảm giá để kích cầu.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, mặc dù nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân vẫn lớn tuy nhiên dịch bệnh kéo dài 2 năm ở Việt Nam khiến thu nhập của người dân giảm, làm giảm khả năng thanh toán cho phương tiện đi lại bằng đường hàng không. Thực tế này dẫn tới ngành Hàng không sẽ phải nỗ lực vượt bậc trong thời gian cao điểm và hoạt động cầm chừng ở những giai đoạn thấp điểm.

 Bên cạnh đó, thị trường hàng không vẫn còn chịu ảnh hưởng từ việc cho phép mở lại các đường bay quốc tế, đặc biệt là một số nước có đông khách đến Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Khách từ Nga cũng khó có thể đi lại với Việt Nam làm các hãng hàng không mất một lượng lớn khách bay, làm chậm lại quá trình phục hồi các đường bay quốc tế để đạt mức như trước khi có dịch Covid-19.

Để các doanh nghiệp hàng không tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, tiến tới đạt và thậm chí vượt đỉnh 2019, theo ông Dũng, trước mắt cần hoàn thiện công tác tổ chức, điều tiết hệ thống giao thông và đẩy nhanh một cách đồng bộ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không đã được phê duyệt, đảm bảo sự kết nối các phương tiện vận chuyển hàng không và đường bộ đối với những cảng hàng không trọng điểm, lưu lượng khách thông qua ở mức cao.

"Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc đàm phán với các quốc gia mà trước đây có lượng lớn hành khách tới Việt Nam để mở cửa và đẩy mạnh giao thông hàng không nhằm nhanh chóng phục hồi và mở rộng thêm các tuyến đường bay quốc tế, đồng thời tiếp tục các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp HKVN cho tới khi thị trường quốc tế được phục hồi đầy đủ", Chủ tịch VABA cho biết thêm.