Vận tải lao đao vì Covid-19: Kiến nghị loạt biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 15/06/2021 08:15

Nhiều DN vận tải cho biết, dịch Covid lần thứ tư gây tác hại nặng nề, khiến hoạt động vận tải của họ gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản. Các DN, Hiệp hội vận tải và các địa phương mong muốn Chính phủ sớm có gói hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, phí dịch vụ , lãi vay ngân hàng...


IMG_20210614_203655

Bến xe Mỹ Đình vắng khách, giảm gần 70% phương tiện vào bến. Ảnh: Ngọc Cường

Đề nghị hỗ trợ tối đa cho DN

Bộ GTVT cho biết, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), trong tháng 5/2021, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tại một số địa phương phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sản lượng vận chuyển giảm so với tháng 4/2021. Các địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có các tuyến vận tải khách cố định đi, đến các địa phương này.

Để giảm bớt khó khăn cho DN vận tải hành khách trên địa bàn Thành phố Hà Nội, mới đây, Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Tổng công ty vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư phát triển ngành nước và Môi trường chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe trực thuộc tiếp tục xem xét, nghiên cứu phương án giảm giá dịch vụ xe ra vào bến và các khoản chi phí khác cho các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến.

Theo Sở này hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động vận tải hành khách. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, giảm số chuyến hoạt động, giảm sức chứa do phải bố trí ngồi giãn cách theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhu cầu đi lại của người dân giảm nhiều làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt) Đỗ Văn Bằng cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, tất cả xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách. Doanh nghiệp có 100 xe, nhưng chỉ chạy hai, ba xe để duy trì tuyến, mỗi chuyến xe tuyến Hà Nội - Lào Cai chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành khoảng 7,5 triệu đồng.

"Doanh nghiệp không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng, các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động. Không riêng gì DN chúng tôi mà nhiều đơn vị vận tải khác cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản và người lao động mất việc làm do dịch bệnh và khó khăn kinh tế", ông Bằng chia sẻ.

Trong khi đó, trao đổi với Tạp chí GTVT - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng Khúc Hữu Thanh Hải cho biết, qua các đợt dịch, nhiều DN vận tải hành khách, bến xe giảm trung bình 70-80% doanh thu. Nhiều đơn vị phải dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và sản lượng hành khách sụt giảm mạnh dẫn đến thu không đủ chi, DN không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng, các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động.

Dung-hoat-dong-van-tai-hanh-khach-di-den-tinh-Bac-

Hoạt động vận chuyển hành khách hiện đang rất vắng khách và gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

"Nhiều DN có nguy cơ phá sản và người lao động mất việc làm do dịch bệnh và khó khăn kinh tế” - ông Hải thừa nhận.

Trước những khó khăn này, Hiệp hội Vận tải Hải Phòng kiến nghị Bộ GTVT và các ngành có liên quan giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng cho các DN kinh doanh vận tải, bến xe; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô đăng ký mới để kinh doanh vận tải. Đối với các DN vận tải, bến xe còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho DN được giãn nộp số nợ đến 31.12.2021 (không tính lãi nộp chậm).

Tương tự, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP.Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp vận tải khách công cộng được ngừng đóng (không phải đóng) bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021, miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021.

Mới đây, trong văn bản gửi gửi UBND TP.HCM, Sở GTVT thành phố cũng nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và Sở đã tạm ngừng 39 tuyến xe buýt do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Các khoản chi phí lớn phải trả như lãi suất vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí kiểm định, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi… gần như là cố định, vì đến hạn là bắt buộc phải thanh toán, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động ổn định của các đơn vị vận tải", Sở Giao thông vận tải TP.HCM nêu rõ.

Trước tình hình đó, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP.HCM đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đã đầu tư phương tiện và được UBND TP.HCM phê duyệt danh mục dự án đầu tư theo Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014 - 2020 được ngân sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021.

Kiến nghị chính phủ lùi xử phạt xe khách, xe tải chưa lắp camera 

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành liên quan việc chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa.

"Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-TTg về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, cơ bản các quy định của Nghị định đã và đang được thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải, nhu cầu đi lại của nhân dân, năng lực vận chuyển lưu thông hàng hóa, đảm bảo trật tự ATGT đường bộ", Bộ GTVT thông tin.

camera-nghi-dinh-10-truoc-hay-sau-van-can-lap-theo

Dịch Covid-19 tác động lớn đến việc thực hiện quy định lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vân tải - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 10 là quy định: “Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Thời hạn thực hiện phải hoàn thành xong trước ngày 1/7/2021".

Để tiếp tục thực hiện quy định của Nghị định 10 và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58/2021 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Bộ GTVT báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiến nghị Chính phủ cho phép chưa xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 100 đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải.

Cụ thể, từ nay đến hết ngày 31/12/2021 chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo. Từ ngày 1/1/2022 xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này.

Đối với vận tải hành khách, từ nay đến hết ngày 30/6/2022 chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên. Từ ngày 1/7/2022 xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này.

Ý kiến của bạn

Bình luận