Bộ Giao thông Vận tải đã bổ sung quy định đào tạo, cấp giấy phép lái xe số tự động từ ngày 1/1/2016. Chương trình đào tạo, sát hạch bằng lái xe ô tô số tự động đơn giản hơn, thời gian ngắn hơn, chi phí giảm. Tuy nhiên, tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng… có rất ít học viên đăng ký thi xe số tự động. Vậy, đâu là lý do khiến học viên không mặn mà với việc thi xe số tự động?
Học viên thi sát hạch tại Trung tâm đào tạo lái xe Đông Đô. |
Vừa thi đỗ bài thi sát hạch xe ô tô số sàn tại Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Đông Đô, chị Vũ Thị Ngọc Hoa ở Thành Hà (tỉnh Hải Dương) phấn khởi cho biết: Đây là lần đầu thi thực hành đã đạt được kết quả tốt. Gia đình đã có chiếc xe ô tô số tự động, nhưng khi chọn chương trình thi thì chị không chọn thi xe số tự động.
Chị Ngọc Hoa lý giải: “Thực ra tôi thấy là thi xe số sàn sẽ tốt hơn với bản thân tôi vì tôi muốn học cái khó để đi đến cái dễ. Nhà tôi đã có xe ô tô rồi và đã mua xe số tự động nhưng tôi vẫn chọn học xe số sàn”.
Nhiều học viên đi thi bằng lái xe ô tô đều có tâm lý như chị Hoa, đều chọn thi xe số sàn vì với bằng lái này sẽ cho phép điều khiển số tự động. Trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn Hà Nội chỉ có khoảng 10 học viên đăng ký học lái xe số tự động. Tương tự như ở Hà Nội, tại tỉnh Khánh Hòa, có những trung tâm sát hạch từ khi mở chỉ có một học viên đăng ký… Trong khi đó, để đáp ứng điều kiện đào tạo, các trung tâm sát hạch đã phải đầu tư trang thiết bị, tập huấn cho giáo viên chương trình đào tạo xe số tự động lên đến cả tỷ đồng. Điều này cho thấy, dù ngành giao thông đã tăng sự lựa chọn cho người dân song chủ trương này chỉ phục vụ cho số ít hay công tác tuyên truyền chưa đến được với người đi thi bằng lái xe ô tô?
Ông Trần Văn Toản - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Đông Đô (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Sau 3 tháng triển khai, trung tâm mới đã tổ chức thi khóa đầu tiên với 20 học viên lấy bằng lái xe ô tô số tự động. Do đây là hình thức mới nên cần thông tin đến người học, thi bằng lái xe số tự động của các trung tâm đào tạo chưa được chú trọng, do đó lượng học viên sẽ ít. Một nguyên nhân nữa khiến các trung tâm đào tạo cũng không muốn đào tạo số tự động vì đầu tư cho sát hạch số tự động từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng.
Ông Trần Văn Toản nói: “Vấn đề ở đây là do thông tin, các trung tâm đào tạo có đặt mục tiêu đào tạo để quảng bá thông tin hay không và hướng đến sự tư vấn cho người học. Người học ban đầu chưa biết, chưa nắm được thông tin thì cần được tư vấn là nhu cầu tới đâu, trung tâm đào tạo hướng cho người học đến các hình thức đào tạo lái xe cho phù hợp”.
Theo ông Tống Ngọc Đông, Trưởng phòng Quản lý phương tiện người lái, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh, ở địa phương đã có 4 trung tâm đào tạo được cấp phép đào tạo và sát hạch lấy bằng lái xe ô tô số tự động. Việc đầu tư ban đầu đối với các trung tâm đào tạo đã được phép sử dụng xe hợp đồng trong đào tạo và sát hạch, do đó mức chi phí đầu tư ban đầu các cơ sở đào tạo có thể tính toán cho phù hợp. Nếu nhu cầu học viên chưa nhiều thì việc đầu tư có thể làm từng bước.
“Tôi cho rằng đây là chủ trương mới, do đó quan trọng nhất là công tác tuyên truyền để người đi thi bằng lái xe nhận thức được đối với đào tạo về số tự động. Do là tuyên truyền chưa tốt, nhiều người cho rằng học xe số tự động sẽ hạn chế ở nhiều xe khác không được lái. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu mọi người hiểu được và xuất phát từ thực tiễn, tức là không kinh doanh vận tải mà chỉ có nhu cầu lái xe phục vụ gia đình và xe gia đình chỉ là xe số tự động thì mọi người sẽ hưởng ứng thi số tự động”- ông Đông nói.
Việc cấp bằng lái xe số tự động chỉ nhằm làm đa dạng sự lựa chọn cho người dân, để ai có nhu cầu lái xe số tự động có thể học, và học loại xe nào sử dụng xe đó là tốt nhất, gắn với những nhu cầu thực tế. Song, tâm lý người dân cho rằng đằng nào cũng mất công học thì học lái xe số, do đó có rất ít người học lái xe số tự động.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.