VANJ sẵn sàng góp sức phát triển Al ở Việt Nam

Sản phẩm 14/05/2019 15:23

Kết thúc chuỗi hoạt động “Kết nối các nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp” do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các tập đoàn VinGroup, FPT, CMC, Tiến Nông tổ chức mới đây từ 3-6/5/2018 tại Hà Nội, các nhà khoa học trẻ cũng chia sẻ rằng: lần này họ về nước bởi họ vẫn canh cánh trong lòng về lời đề nghị đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược phát triển công nghệ AI, phát triển nền tảng khoa học mở cho AI… của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy - người đã “đặt hàng” các nhà khoa học trẻ người Việt tài năng ở trong và ngoài nước ngày 20/8/2018 với sự kiện ghi dấu ấn - hơn 100 người Việt trẻ tài năng về nước, thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc


3_5 cac dai bieu chup anh luu niem
Kết nối các nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp

Kết nối chuyên gia quốc tế thúc đẩy AI ở Việt Nam

Cũng theo chia sẻ của Tổ chức Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VanJ), trong tổ chức này có hơn 300 nhà khoa học trẻ đang sinh hoạt trong mạng lưới. Lần này có 22 Giáo sư, tiến sỹ về công nghệ, phần lớn tốt nghiệp và đang công tác tại ĐH Tokyo. Những nhà KH đang làm việc và học tập tại Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp trong nghiên cứu, giảng dạy và thương mại hoá, phát triển các sản phẩm của họ ở trong nước như vi mạch, cảm biến, công nghệ lõi phục vụ thành phố thông minh, các ứng dụng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. 

AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo) được coi là lĩnh vực công nghệ nền tảng trong cuộc cách mạng 4.0, được ứng dụng trong nhiều khía cạnh của đời sống như y tế, giáo dục, sản xuất…. Hiện nay, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang góp phần giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống như giao thông, chăm sóc sức khoẻ, điều khiển ô tô tự lái, nhà thông minh… Trí tuệ nhân tạo được coi là nhân tố nền tảng để các doanh nghiệp chuyển dịch số hoá, tạo ra nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống.

Tiến sĩ Lê Đức Anh, ĐH Tokyo - người có 13 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đã giới thiệu về mạng lưới học thuật của người Việt Nam tại Nhật. Với sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Việt Nam tại đất nước mặt trời mọc, TS. Lê Đức Anh cho rằng việc nghiên cứu, phát triển AI của các kỹ sư người Việt tại Nhật sẽ có rất nhiều thuận lợi. Họ sẽ có cơ hội được tiếp xúc, làm việc cùng các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về AI cũng như cùng nhau trao đổi, nâng cao kiến thức, năng lực về công nghệ của mình. VanJ sẽ là cầu nối để những kỹ sư phần mềm FPT Japan giao lưu, học hỏi về Trí tuệ nhân tạo với các chuyên gia người Việt tại Nhật Bản cũng như những chuyên gia hàng đầu về AI trên thế giới.

TS. Cao Vũ Dũng, Quản lý và Kỹ sư AI, Skydisc Inc, Nhật Bản chia sẻ về những thành tựu mà AI mang lại trong cuộc sống như: Nhận diện ảnh (Image Classification); Nhận diện giọng nói; Nhận diện khuôn mặt; Phát hiện ung thư; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên. TS. Dũng cho biết Nhật Bản muốn xây một Super smart society (Xã hội đầu tiên 5.0 dẫn đầu thế giới). Tuy nhiên cũng có rất nhiều thách thức đối với họ như: Thiếu lực lượng IT: họ cần 550.000 kỹ sư CNTT vào năm 2030. Đây là cơ hội cho các công ty IT nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang có lợi thế lớn trong cung cấp nhân lực về AI. Nhật Bản đặt mục tiêu đào tạo 250.000 chuyên gia AI /năm. Mục tiêu chính của Nhật Bản là ứng dụng AI trong y tế, sản xuất và nền tảng di động.

Chia sẻ về cơ sở hạ tầng cho AI, Tiến sĩ Đào Thanh Bình, Nhóm Hệ thống tính toán cao cấp, Bộ phận quản lý công nghệ toàn cầu, Rakuten Inc., Nhật Bản cho biết, AI đang được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực Chính phủ điện tử, nhà thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tài chính, đối thoại tự động (chatbot), kinh doanh thông minh (business intelligence). Các chính phủ, công ty và học viện đã và đang quan tâm đầu tư rất nhiều cho AI với số tiền đầu tư tăng lên nhanh chóng hằng năm. Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực kinh tế, con người và cơ hội để thúc đẩy quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát triển ứng dụng dựa trên AI để bắt kịp các nước khác. 

TS. Nguyễn Kiên, ĐH Chiba, Nhật Bản đang nghiên cứu AI cho công nghệ mạng chia sẻ: "Nếu tôi có những chuyên gia để làm về AI cho kết nối mạng thì có thể gặt hái được những dự án quan trọng trong lĩnh vực này". Tại nơi công tác của mình là trường ĐH Chiba, TS. Nguyễn Kiên thường làm những dự án thử nghiệm cho sinh viên thực hành và ông Kiên rất sẵn sàng cùng các sinh viên của mình giải những bài toán về AI mà các doanh nghiệp như FPT đặt ra. TS Kiên nhấn mạnh thêm rằng hiện nay là cơ hội tốt để có một nguồn nhân lực tốt về AI vì hiện tại ai cũng nói về AI, cái cần ở đây là kỹ sư AI, và cần phải được đào tạo bài bản, nghiêm túc. 

Khẳng định xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay ở Nhật Bản thường đề cập là 5.0, Việt Nam không thể bõ lỡ cơ hội phát triển về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, Giáo sư trợ lý, TS. Nguyễn Ngọc Mai Khanh, Trung tâm Thiết kế - Giáo dục Vi mạch, Đại học Tokyo, Nhật Bản muốn nhấn mạnh yếu tố bảo mật và đào tạo nhân lực dài hạn. Để đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, một trong những yếu tố Việt Nam cần ưu tiên là tự chủ về thiết kế chế tạo vi mạch. Theo TS. Mai Khanh, an ninh mạng là một thách thức đối với xã hội loài người khi tiến hành các cuộc cách mạng công nghiệp, nhất là với dự báo sẽ có khoảng 10 tỷ thiết bị thông minh được sử dụng trong vài năm tới. Nguy cơ tin tặc có thể sử dụng các lỗ hổng bảo mật cũng như công cụ từ phần cứng và phần mềm để can thiệp vào hệ thống thông tin, sau đó gắn một số chíp hoặc phần mềm gián điệp để thu thập thông tin. Giải quyết vấn đề này sẽ tốn nhiều chi phí cho cơ sở hạ tầng có thể lên tới 120 -200 tỷ USD. Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức doanh nghiệp.

Ông Ngô Quốc Hưng, Trưởng nhóm nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo (Công ty AINOVATION) bày tỏ, để xây dựng một trung tâm AI lớn trong khu vực thì quan trọng nhất là vấn đề con người. Ông Hưng cho rằng, việc đầu tiên là cần đào tạo để có một nguồn nhân tài AI dồi dào để từ đó chắt lọc được những kỹ sư giỏi phối hợp cùng với đội ngũ chuyên gia từ nước ngoài làm về AI.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, để phát triển được một trung tâm theo đúng nghĩa hấp dẫn mọi người đến làm việc, hợp tác thì doanh nghiệp cần phải bắt đầu từ con người, đào tạo nhân viên của chính mình và mời các chuyên gia về cộng tác từ xa để tạo ra một cộng đồng. Sau đó phải có chiến lược để làm các chủ đề nghiên cứu mang tính thời sự, tích hợp nhiều công nghệ và ít người làm được.

Mong muốn đóng góp cho Việt Nam nhiều hơn nữa

TS. Nguyễn Thành Vinh, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật công nghiệp tiên tiến Nhật Bản cho biết: VANJ là tổ chức được thành lập với mục tiêu tạo dựng mạng lưới và tổ chức các hoạt động khoa học của những người Việt đã hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu tại Nhật Bản. Đối tượng tham gia VANJ bao gồm (nhưng không giới hạn) những nhà khoa học, nghiên cứu sinh và nhân viên đã hoặc đang công tác, học tập tại các trường Đại học, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức, công ty ở Nhật Bản. Sứ mệnh của VANJ nhằm hỗ trợ, kết nối và góp phần phát huy tối đa đóng góp của các nhà khoa học với giáo dục, khoa học của Việt nam và với sự phát triển của quan hệ hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

VANJ đang tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động chính: tổ chức hội thảo khoa học thường niên và theo quý, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học mở và thực hiện các dự án với nhiều đối tác tại Việt Nam. 

 Trong chuyến thăm và làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam như FPT, CMC, VinGroup, các nhà khoa học trẻ trong tổ chức VANJ rất đỗi ngạc nhiên về môi trường làm việc, văn hoá doanh nghiệp ở trong nước.

Các nhà khoa học tâm sự rằng: Trước đây, họ thường nghe từ trong nước rằng: Tính kỷ luật của nhân viên Việt Nam còn nhiều hạn chế; Nhân viên Việt Nam không đề cao cách hợp tác làm việc theo nhóm, môi trường làm việc không đảm bảo tiện ích, thiếu trang thiết bị, các phòng Lab không có người vận hành,.... Vậy mà khi bước chân vào FPT Campus, các nhà khoa học rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy anh em IT đi làm bằng xe buýt, môi trường cảnh quan không những xanh, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá Á Đông. Người làm IT ở đây không khô khan như những viên ngói mà các bạn ấy thân thiện và cư xử lịch thiệp như người Nhật vậy.

Sau khi đi thăm quan và trao đổi với người trong làng IT, các nhà khoa học nói rằng: họ đang ở Việt Nam mà có cảm giác như đang ở môi trường làm việc rất chuyên nghiệp, mang tính chuyên nghiệp.

Tiến sỹ Tạ Đức Tùng (hiện đang công tác tại Phòng nghiên cứu Kawahara thuộc Đại học Tokyo) cho rằng: “Cá nhân tôi và những nhà khoa học trong Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) sẵn lòng làm cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản trong hợp tác-nghiên cứu khoa học”. Chúng tôi sẵn lòng dành thời gian để giúp các tập đoàn công nghệ, các trường ĐH liên quan của Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo, trao đổi học thuật và trực tiếp đào tạo các chuyên gia nước nhà.

Các nhà khoa học VANJ tin tưởng rằng: với môi trường làm việc, văn hoá doanh nghiệp cộng với những công nghệ tiên tiến mà họ được nghe, được nhìn tại buổi làm việc với các doanh nghiệp của Việt  Nam, họ tin anh em làm khoa học sẽ an tâm hơn về các cơ hội làm việc ở trong nước. Mong là trong thời gian sắp tới, sẽ có nhiều nhà khoa học giỏi của Việt Nam và trên thế giới về làm việc tại nước nhà.

Ý kiến của bạn

Bình luận