Chẳng hạn, chiếc xe đang bị kẹt cứng trên một con phố đông đúc, bạn hoặc chồng/vợ quyết định chọn một tuyến đường khác để có thể rút ngắn thời gian trở về nhà nhưng lại rẽ nhầm hướng. Bạn tức tối hét lên từ ghế phụ: "Đen hết nói! Làm sao để về nhà đây?".
Những đứa trẻ ngồi phía sau giật mình, khóc thét lên. Tất cả hoang mang, năng lượng tiêu cực bao trùm. Từng đó xao nhãng, bất an sẽ tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm, tăng nguy cơ lái ẩu và tai nạn.
Lái xe xao nhãng là một hành vi phổ biến hiện nay. Phần lớn chúng ta đều quy chụp lỗi lầm, tai nạn ô tô là do người lái bất cẩn hoặc phân tâm do dùng điện thoại trong lúc lái xe. Nhưng ít ai nghĩ rằng, sự xao nhãng của tài xế đôi khi là do "chạm" phải luồng cảm xúc tiêu cực của những người ngồi bên cạnh.
Đại đa số hành khách trên xe đều không nhận ra họ chính là một tác nhân quyết định hành trình đó có suôn sẻ hay không. Một kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, mọi hành vi của người ngồi trong xe đều có vai trò tương đương với người cầm vô lăng, đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi.
Vì sao mọi hành vi của hành khách lại tác động đến tâm lý tài xế?
Kết quả của một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, tài xế chở thêm hành khách sẽ tiềm ẩn nguy cơ va chạm, gây chấn thương nghiêm trọng với tỷ lệ hơn 60% so với việc lái xe một mình. Hành vi của hành khách tác động đến người lái theo cả hướng tiêu cực lần tích cực, phụ thuộc nhiều vào yếu tố: Độ tuổi của hành khách, mối quan hệ giữa người lái và hành khách, thậm chí là giới tính của hành khách và người lái.
Ví dụ, một người đàn ông tự cầm lái sẽ hạn chế mức độ nguy hiểm ở mức thấp nhất, nếu họ chở thêm một người phụ nữ xinh đẹp có thể làm họ phân tâm hơn là chở một người cùng giới tính. Đối với xe chở nhiều hành khách, người lái thường ít quan sát hơn, giảm khả năng nhận biết các nguy cơ mất an toàn ở phía trước.
Làm thế nào để trở thành một hành khách đáng tin cậy?
Hành khách là những người tạo nên tinh thần cho hành trình lái xe. Họ có thể là một người bạn đồng hành điềm tĩnh, hữu ích hoặc cũng là người truyền cho tài xế nguồn năng lượng tiêu cực. Do đó, với vai trò là một hành khách trong quá trình về quê ăn tết, du xuân, bạn nên:
Hãy đảm nhận vai trò người phụ xe hưu ích
Điều này đồng nghĩa với việc bạn trở thành người bạn tin cậy, kề vai sát cánh với tài xế trong suốt chuyến đi. Việc của bạn đơn giản là chỉ dẫn đường đi chính xác, trả lời điện thoại thay cho người lái, cảnh báo những nguy hiểm mà bạn nhận thấy ở phía trước.
Tránh gây phiền hà, rắc rối cho tài xế
Muốn người cầm lái tập trung cao độ vào công việc của họ thì bạn nên hạn chế làm phiền, gây rắc rối hoặc khiến người lái phân tâm. Bạn nên điều chỉnh âm lượng khi nói chuyện điện thoại, không thay đổi nhạc liên tục khi ngồi trên xe hoặc đưa ra lời nhận xét tiêu cực về kỹ năng lái xe của tài xế.
Giữ tỉnh táo
Hành khách ngủ trên xe cũng làm gia tăng nguy cơ buồn ngủ của tài xế. Nếu có thể, bạn chủ động cầm lái thay tài xế trên những chuyến đi đường dài để tất cả có thể chợp mắt một lúc khi cảm thấy mệt.
Giữ an toàn cho trẻ em
Nếu trên xe có trẻ con thì việc nên làm của hành khách là giữ tâm trạng ổn định cho con trẻ, không để chúng hoảng loạn, mệt mỏi hoặc chán nản. Biện pháp đơn giản nhất là chuẩn bị cho chúng đồ ăn vặt, sách hoặc nghĩ ra những trò chơi tại chỗ. Những người ngồi trên xe phải đeo dây an toàn, dùng ghế ngồi phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe để đảm bảo an toàn.
Đừng ngại lên tiếng
Bạn đừng ngại lên tiếng nếu cảm thấy tài xế đang có hành vi hoặc quyết định gây ảnh hưởng đến sự an toàn của bạn, nhất là các biểu hiện lái xe cẩu thả hoặc hành động gây nguy hiểm.
Thay vì tạo thêm nhiều nguy cơ mất an toàn, hành khách trên xe hãy thể hiện tốt vai trò của môt người phụ xe. Nếu người lái nhầm hướng, bạn hãy kiên nhẫn chỉ đường và tránh cáu gắt, làm rối tâm trí tài xế.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.