Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, từ ngày 18/12/2018, các đơn vị thi công đã tiến hành hàn liên kết các đốt dầm mới-dầm cũ tại trụ P28 và P29.
Đến nay, tại trụ P28 đã hàn được khoảng 81% khối lượng, dự kiến hoàn thành toàn bộ công tác hàn vào ngày 17/1/2019. Trong khi đó, tại trụ P29 đã hàn được khoảng 70%, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào ngày 20/1/2019.
“Tiến độ công tác sửa chữa cầu Vàm Cống đã triển khai đến bước 26 trong tổng số 38 bước, đảm bảo theo đúng trình tự và bám sát theo yêu cầu. Đặc biệt, công tác an toàn, chất lượng luôn được đảm bảo tốt và phù hợp theo quy định,” ông Thi cho hay.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan đến ngày 20/1/2019 phải hàn xong toàn bộ phần kết cấu thép. Sau đó, tiến hành các công việc tiếp theo như lắp đặt khe co giãn, bêtông nhựa, hoàn thiện đường vào cầu để hoàn thành toàn bộ công tác sửa chữa cầu Vàm Cống.
“Sau khi hoàn thành sẽ tiến hành kiểm định thử tải trong tháng 4/2019. Từ tháng 4 đến tháng 5/2019, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phối hợp với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước hoàn thiện các thủ tục, nghiệm thu công trình. Nếu Chính phủ đồng ý, cuối tháng 6/2019, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng,” Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Trước đó, đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 1/11/2018, theo Bộ trưởng Thể, Cầu Vàm Cống là một trong những cầu trọng điểm quốc gia nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án sử dụng vốn vay của Hàn Quốc. Tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đều là các đơn vị nước ngoài.
Trong quá trình hoàn chỉnh công trình, Bộ trưởng thừa nhận, đã có một số yếu tố kỹ thuật liên quan đến chất lượng đó là nứt dầm thép. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức đấu thầu quốc tế xem xét, đánh giá nguyên nhân và đã trình Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về các phương án xử lý.
“Hiện tư vấn, nhà thầu Hàn Quốc đang thực hiện công tác sửa chữa. Theo kế hoạch, cuối 2018, dự án sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, do đây là dự án hết sức quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật cao nên Bộ Giao thông Vận tải đang đấu thầu tư vấn kiểm định chất lượng toàn cầu sau khi nhà thầu sửa chữa xong để đảm bảo cầu Vàm Cống đưa vào vận hành theo đúng yêu cầu kỹ thuật,” Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải khẳng định.
Về kinh phí thuê tư vấn thẩm tra, sửa cầu Vàm Cống, theo Bộ trưởng, trong dự án này, Chính phủ Australia đã tài trợ cho chúng ta không hoàn lại 100 triệu USD (khoảng 2.325 tỷ đồng) để phát triển cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh. Ngoài ra, Chính phủ Australia tài trợ không hoàn lại cho công tác tư vấn.
“Do đó, riêng cây cầu Vàm Cống khi xảy ra sự cố kỹ thuật, Chính phủ Australia sử dụng tiền viện trợ còn lại tiếp tục hỗ trợ cho dự án… Có nghĩa là công tác liên quan đến thiết kế, sửa chữa và tổng kiểm tra chất lượng sau khi sử dụng thì dùng nguồn vốn của Chính phủ Australia… Chúng ta hoàn toàn không sử dụng nguồn vốn của Nhà nước,” Bộ trưởng Thể lý giải.
Trước đó, chiều 14/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29 thuộc dự án cầu Vàm Cống, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.