Vì sao 40 DN vận tải khách tuyến cố định Hà Nội-Nam Định kêu cứu?

Tác giả: Đức Trí

saosaosaosaosao
Ý kiến 25/09/2019 06:56

Công khai bắt khách, chèn ép các nhà xe chạy tuyến cố định, bắt khách dọc đường…làm loạn thị trường vận tải của nhà xe Bình An đang làm "nóng" tuyến vận tải Hà Nội - Nghĩa Hưng (Nam Định).


e2e59115f9391e674728
Xe Bình An đón khách tại Quận Hoàng Mai

40 nhà xe viết đơn cầu cứu

Chúng tôi nhận được đơn cầu cứu của 40 nhà xe thuộc các Hợp tác xã (HTX), các công ty vận tải hành khách chạy tuyến vận tải hành khách Nghĩa Hưng (Nam Định) – Hà Nội và ngược lại do ông Trần Văn Thạc – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Nam Định kiến nghị các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà xe chạy tuyến cố định đang bị xâm hại.

Ông Thạc cho biết, những năm qua để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, các công ty, HTX vận tải hành khách cố định tuyến Nghĩa Hưng – Hà Nội đã đổi mới, đầu tư mua sắm nhiều phương tiện chất lượng bằng nguồn vốn vay ngân hàng và nhiều nguồn vốn bên ngoài để phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao chất lượng vận tải… Bên cạnh đó, các công ty, HTX, xã viên thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và thực hiện các nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng xuất hiện tình trạng xe 7 chỗ của Công ty TNHH Dịch vụ lữ hành Bình An (Công ty Bình An) lập điểm đón trả khách tại các điểm cây xăng dầu Hà Nam Ninh tại xã Trực Thuận,  huyện Trực Ninh trên tỉnh lộ 490, đường 55…hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng. Không dừng lại tại đó, thời gian gần đây Công ty Bình An đưa vào hoạt động 21 xe limousine loại 16 chỗ, hàng ngày đưa xe len lỏi vào các xã đón trả khách cạnh tranh trực tiếp với các nốt của tuyến vận tải hành khách cố định, gây bức xúc cho các doanh nghiệp này. Điều này ngoài việc cạnh tranh không lành mạnh, phá vỡ quy hoạch về tuyến vận tải, gây mất trật tự, an toàn giao thông, còn đẩy các doanh nghiệp hoạt động chân chính mất doanh thu, không trả được nợ vay các tổ chức tín dụng, dẫn đến nguy cơ phá sản.

Không kém bức xúc, ông Hoàng Văn Mão (có 1 xe, 2 nốt chạy tuyến Nghĩa Hưng – Giáp Bát) cho biết, chúng tôi cứ xuất bến là trước đó 10 phút là có xe Limo Bình An chạy phía trước, đây là tuyến độc đạo, duy nhất chỉ có một trục, chúng tôi phục vụ nhân dân ở đây hơn 20 năm nay rồi, xe Bình An đi như thế, chúng tôi không có khách, đã vậy nhiều lần lái xe Bình An xuống còn đe dọa, hành hung với lái xe tuyến cố định.

Có 19 xe đang hoạt động kinh doanh trên tuyến, ông Phạm Nam Tiến, Giám đốc HTX Vận tải đường bộ Quỹ Nhất cho biết, xe chúng tôi cũng đầu tư mới, hành khách không có, vé xe thì thấp, chi phí cố định vẫn phải duy trì, doanh thu không có… nguy cơ phá sản cận kề, các tổ chức tín dụng siết nợ hoàn toàn có thể xảy ra, đời sống cả trăm con người sẽ ra sao?

Đối phó với cơ quan chức năng

Không hề khó khi có nhu cầu đặt vé, chúng tôi gọi điện đến tổng đài tại Hà Nội theo số điện thoại 0886.272727 và đặt 2 vé đi TP Nam Định, nhân viên tổng đài cho biết “xe em là vé đồng hạng anh về đến đâu cũng 120.000 đồng/ghế, sáng mai sẽ có lái xe gọi điện cho anh”; “anh đi công tác, cần có cuống vé về thanh toán với cơ quan…”, “anh thông cảm, bên em không có vé, mai lái xe sẽ gọi điện cho anh”.

0caf6bafb334546a0d25
Mỗi xe đều được trang bị thiết bị thông minh tìm đường để đón khách

Sáng 18/9, xe Bình An xuất phát từ 99 Thiên Hiền, Nam Từ Liêm, chạy ra đường Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy đón khách. Chúng tôi lên xe lúc 8h, xe chạy lòng vòng qua Cầu Giấy, Đường Láng, Nguyễn Trãi, Vành đai 3, Quận ủy Hoàng Mai, Bùi Huy Bích đón khách. Các điểm khách gọi điện, đều được lái xe hướng dẫn tỉ mỉ “tránh ngã tư đèn xanh đèn đỏ, có “bốt” công an, tránh camera giám sát trên đường, khi xe tấp vào là lên luôn”. Và phải đến 9h30 xe mới chạy ra được đường Pháp Vân.

Quan sát, các điểm lên khách của nhà xe này, thì mỗi xe đều được trang bị máy tính bảng cập nhật bản đồ giao thông chi tiết, khi khách gọi, lái xe hướng dẫn khách đến các điểm “an toàn” không có lực lượng chức năng. “Nếu không làm thế sao mà khách đi xe mình được anh ơi, trước đây chúng em còn đón, trả khách tận nhà, nhưng chi phí cao, cộng với dễ bị “vồ” nên giờ chỉ đón điểm”, lái xe chia sẻ.

1 007
Tờ rơi thông báo lộ trình chạy của xe Bình An

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhà xe Bình An công khai hoạt động như xe cố định và chia làm 3 lộ trình để đón khách từ Hà Nội, cụ thể xe chạy qua các đường: Giải Phóng, Bạch Mai, Lê Duẩn, Viện 108, Bệnh viện Sản TƯ, Bệnh viện Việt Đức; Giải Phóng, Linh Đàm, Cầu Tó, Bệnh viện 103, Cầu Trắng, BigC Hà Đông; Giải Phóng, Ngã tư Vọng, Trường Chinh, Ngã tư Sở, Đường Láng, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu, Mỹ Đình, Thiên Hiền. Sau khi gom khách tại các điểm trên, nhà xe chạy thẳng về Nghĩa Hưng, Nam Định len lỏi vào các thôn, xã trả khách.

IMG_0631
Tài xế thu tiền trực tiếp từ hành khách

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP, ngày 10/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, tại điều 7 quy định đối với xe hợp đồng là không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức. 

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Hữu Cao – Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT Nam Định cho biết, chúng tôi đã tiếp nhận đơn của các doanh nghiệp vận tải khách và đang tiến hành xác minh. Cái khó nhất của chúng tôi hiện nay là xử lý vi phạm vì nhiều hành vi không có trong chế tài xử phạt. Vì vậy chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra giám sát về hoạt động đối với doanh nghiệp này.

Để đảm bảo trật tự an toàn vận tải và trật tự ATGT, đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải khách, ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nam Định kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để giải quyết cứu các doanh nghiệp vận tải khách truyền thống đang bên bờ phá sản.

Ý kiến của bạn

Bình luận