Vì sao Anh vẫn là 'đất lành' cho giới thượng lưu thế giới 'đậu'?

Bạn đọc 07/03/2017 06:40

Theo báo cáo thịnh vượng năm 2017 (Wealth Report) của Knight Frank, giới siêu giàu vẫn sẽ đổ về thủ đô London của Anh bất chấp những bất ổn.

 

photo-0-1488428587576-crop-1488428613490

Cụ thể, tỷ lệ người giàu sống ở thành phố này được dự đoán sẽ tăng 30% lên 6.058 người trong vòng 10 năm tới. Theo báo cáo, những người chỉ được coi là giàu khi có hơn 30 triệu USD tài sản.

Báo cáo thịnh vượng năm 2017 đi ngược lại những lo lắng của các chuyên gia trong thời gian gần đây khi số thị thực ưu tiên cho nhà đầu tư vào Anh giảm 80% trong năm 2016 sau sự kiện Brexit, với khoảng 215 tỷ phú được cấp. Thêm vào đó, luật chống rửa tiền năm 2014 cũng khiến nhiều người lo lắng giới thượng lưu sẽ rời Anh sang nước khác.

Trong khi đó, thành phố New York tiếp tục là trung tâm của giới thượng lưu khi nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt bất chấp một số biến động chính trị thời gian gần đây gây ra bởi tân Tổng thống Donald Trump.

Cùng quan điểm với Knight Frank, hãng New World Wealth cho rằng việc nước Anh sắp rời EU không những khiến người giàu bỏ đi mà còn thu hút thêm giới thượng lưu khi họ cảm thấy đây là khu vực biểu tượng riêng cho thịnh vượng ở Châu Âu, không lẫn với nơi khác.

Những người giàu mới chuyển đến Anh sẽ cảm thấy nền kinh tế này là trung tâm của kinh doanh, tài chính, dịch vụ ở Châu Âu cũng như là khu vực duy nhất nói thuần tiếng Anh, qua đó tạo nên cảm giác ưu việt hơn so với những nước khác. Việc nước Anh có mối liên kết truyền thống lịch sử với hàng loạt quốc gia như Mỹ, Canada, Australia hay New Zealand cũng góp phần gia tăng cảm giác ưu việt trên.

Hiện thị trường bất động sản cao cấp của London chỉ đứng thứ 92 trong bảng xếp hạng của Knight Frank, còn giá nhà thì giảm 6,3% năm 2016 do cải cách về thuế. Tuy nhiên, doanh số bán nhà và chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã tăng vào cuối năm.

Theo Knight Frank, giá nhà sẽ không có biến động nhiều từ nay đến hết năm 2017 trong khi giá bất động sản ở những trung tâm khác như Thượng Hải hay Sydney lại tăng.

Báo cáo cũng cho biết nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc mà số người siêu giàu trên thế giới đã tăng lên hơn 193.000 người năm 2016 và có thể vượt 275.000 người năm 2026. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là tại các nền kinh tế như Việt Nam, Sri Lanka, Ấn Độ hay Trung Quốc.

Những thành phố như Pune (Ấn Độ), thành phố Hồ Chí Minh, Hyderabad (Ấn Độ), Bangalore (Ấn Độ) được dự đoán là sẽ có sức tăng trưởng số người giàu rất nhanh trong vòng 10 năm tới. Trong khi đó, thành phố Mumbai có thể đuổi kịp Thượng Hải, Bắc Kinh, Singapore hay Hồng Kông để nằm trong top 10 thành phố có nhiều người giàu nhất thế giới.

Hiện gần 1/3 số người siêu giàu có kế hoạch mua bất động sản ở nước ngoài. Giới nhà giàu Trung Quốc đã mua hơn 30 tỷ USD bất động sản tại Mỹ năm 2015, cao hơn rất nhiều con số 300 triệu USD năm 2006.

Tất nhiên, nhiều nền kinh tế tăng trưởng về số người giàu thì phải có những quốc gia giảm. Báo cáo của Frank cho thấy số người giàu tại Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng chậm lại, thậm chí một số người giàu sẽ rời Châu Âu sang các nước khác.

Nguyên nhân chính của xu thế này là do thuế tăng, các khoản phí đóng góp nhiều hơn, chi phí cho y tế và các dịch vụ công cộng đi lên và đặc biệt là tình trạng nhiều công việc cần kỹ năng cao đang dịch chuyển dần sang Châu Á.

Giới siêu giàu tại Nigeria cũng được dự đoán sẽ giảm 20% năm 2016 do bất ổn về kinh tế chính trị và sẽ khó tăng trưởng trở lại trong vòng 1 thập niên tới.

Những thiên đường cuộc sống như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Monaco, Israel hay Canada được dự đoán sẽ tiếp tục thu hút giới thượng lưu nước ngoài do tình hình kinh tế chính trị ổn định, chất lượng cuộc sống được đảm bảo.

Ý kiến của bạn

Bình luận