BMW R 18/2 concept |
Dù hiện chưa tung ra bất kỳ một mẫu xe thương mại nào với động cơ mới thường được biết đến với tên gọi R 18 hay Big Boxer; nhưng trong suốt năm qua BMW Motorrad đã nhiều lần hé lộ về nó thông qua một loạt các mẫu xe ý tưởng ấn tượng - gần đây nhất là R 18/2. Tới nay, hãng đã lần đầu tiên hé lộ các thông số kỹ thuật của cỗ máy 2 xi-lanh nằm ngang lớn nhất trong lịch sử này, và "Big Boxer" đã gây chú ý bởi việc ứng dụng các công nghệ tưởng chừng đã "cổ lỗ sĩ": cam đũa OHV và làm mát bằng gió.
Những công nghệ này đã lạc hậu tới mức ngay cả Harley-Davidson và Indian - 2 nhà sản xuất cực kỳ trung thành với chúng cũng đã chuyển sang thiết kế các loại máy dùng trục cam OHC và làm mát bằng chất lỏng tại triển lãm EICMA 2019 vừa qua. Vậy lý do nào đã khiến BMW Motorrad áp dụng các công nghệ này cho Big Boxer - động cơ có dung tích "khủng" nhất trong lịch sử của hãng và sẽ chỉ dành cho các dòng mô tô cao cấp trong tương lai?
BMW R 18/2 với động cơ Big Boxer mới |
Lời giải đáp cho câu hỏi này nằm ở tiêu chí chính khi BMW thiết kế Big Boxer: mô-men xoắn. Mô-men xoắn đạt được ở tua thấp là chìa khoá để tạo ra một chiếc cruiser thành công và để có được điều đó, dung tích lớn là yếu tố quan trọng nhất. Vào năm 2004 khi chiếc cruiser gần nhất của BMW Motorrad là R1200C bị "khai tử", chính Giám đốc điều hành của hãng vào thời điểm đó là ông Herbert Diess cũng thừa nhận rằng dung tích máy 1.170cc của nó vẫn còn quá nhỏ.
Tuy nhiên một vấn đề lớn của động cơ 2 xi-lanh nằm ngang dung tích lớn đó là kích thước. Để có thể đạt mô-men xoắn ở tua thấp, nó cần phải có hành trình xi-lanh lớn hơn đưòng kính trái piston. Đây không phải là vấn đề với các loại máy V-Twin đặt dọc theo khung như xe Harley-Davidson hay Indian, nhưng lại là rào cản lớn với mô tô BMW. Nếu 2 nòng xi-lanh ngang quá lớn, chiếc xe sẽ bị mất cân bằng khi vào cua hay mắc kẹt trong dòng phương tiện đông đúc.
Và hệ thống cam đũa chính là giải pháp cho rắc rối này. Yếu điểm của cam đũa đó là không thể đạt được tua máy cao, nhưng BMW Motorrad hoàn toàn không quan tâm tới điều đó. Họ chỉ cần nòng xi-lanh nhỏ để giảm chiều ngang động cơ, và cam đũa đã đem tới điều đó. Giới hạn vòng tua máy thấp cũng đồng nghĩa với việc lượng khí thải ra ngoài môi trường thấp, khiến Big Boxer có thể tuân thủ ngay cả các tiêu chuẩn gắt gao nhất hiện nay nếu đi kèm với hệ thống xả lọc khí hiệu quả.
Trong khi đó, việc sử dụng hệ thống làm mát bằng không khí nhằm giúp động cơ R18 mới có vẻ ngoài hoài cổ đẹp mắt. Trên thực tế, BMW Motorrad không hoàn toàn chỉ sử dụng hệ thống làm mát bằng không khí - hãng còn kết hợp với két dầu cho động cơ. Một vấn đề khác phát sinh trên động cơ làm mát bằng không khí đó là độ ồn lớn hơn do nòng xi-lanh không có các vách áo nước làm mát để giảm thanh, nhưng đó cũng không phải là vấn đề trên máy Big Boxer.
Một lần nữa nhờ có thiết kế cam đũa với cò đẩy và đũa cam nằm sâu bên trong máy, tiếng lạo xạo do cam kêu như động cơ OHC làm mát bằng gió sẽ bị loại bỏ. Ngoài 2 công nghệ cổ điển nêu trên, Big Boxer của BMW Motorrad vẫn là một cỗ máy chế tạo bằng công nghệ của Thế kỷ XXI với các piston làm bằng nhôm tráng lớp phủ NiCaSil, lốc máy bằng nhôm, trục khủyu rèn từ thép, 4 van trên mỗi xi-lanh, hệ thống đánh lửa kép và được quản lý bằng ECU hiện đại.
Với nòng xi-lanh đường kính 107,1mm và hành trình 100mm, động cơ này cho công suất 91 mã lực tại vòng tua 4.750rpm và mô-men xoắn 158Nm đạt được chỉ từ 3.000rpm. Ngay từ khoảng tua 2.000 tới 4.000rpm, nó đã có thể đạt được hơn 150Nm. Tua máy cực đại của Big Boxer chỉ là 5.750rpm, và tua garanti thấp một cách đáng ngạc nhiên: 950rpm. Những yếu tố này đã bảo đảm khả năng hoạt động cực kỳ mượt mà cho động cơ mới. Ngay khi kèm cả hộp số 6 cấp lẫn hệ thống nạp xăng gió, nó chỉ có trọng lượng đạt 110,8kg dù sở hữu dung tích "khủng".
Trong tương lai gần, động cơ mới dự kiến sẽ được BMW trang bị đầu tiên trên chiếc cruiser, dự kiến cũng có tên gọi R 18. Hiện tại BMW Motorrad đã hoàn thành việc thiết kế chiếc xe này nhưng không hiểu vì lý do gì mà hãng vẫn chưa ra mắt nó tại triển lãm EICMA vừa qua. Có lẽ phải tới năm 2020, chúng ta mới có dịp được nhìn thấy chiếc mô tô BMW đầu tiên với động cơ Big Boxer "siêu to khổng lồ".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.