Vì sao cả Airbus lẫn Boeing ngày càng ế khách?

Doanh nhân 12/07/2016 09:58

Hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu sẽ không chứng kiến các thương vụ mua bán 100 máy bay xuất hiện thường xuyên trong vài năm tới.

reuters-2014_kory_wrnl

Farnborough Air Show 2014. Ảnh: Reuters.

 Với nhà sản xuất máy bay Airbus và Boeing, Farnborough Air Show (diễn ra tại Anh) đánh dấu điểm giữa của lịch bán hàng. Vài năm qua, Farnborough cùng nhiều triển lãm hàng không mùa hè khác như Paris và Berlin là mảnh đất màu mỡ để bán máy bay. Đây là nơi nhiều thương vụ được công bố, theo Business Insider.

Tuy nhiên năm nay, tình hình có vẻ yên tĩnh. Tin đồn về thương vụ cực lớn hầu như không có. Giữa lúc các hãng hàng không hưởng lợi nhuận lớn và cả ngành đang phát triển nhanh chóng, doanh số nhiều loại tàu bay thế hệ mới của Airbus và Boeing gặp nhiều trở ngại.

Nhiên liệu

Hàng không là ngành đòi hỏi vốn mạnh, chi phí cao. Các hãng bay thường làm mọi cách có thể để giảm chi phí. Nhìn chung, điều này đồng nghĩa với việc hạ thấp khoản chi đáng kể nhất của họ: nhiên liệu. Với thiết kế mới, các thế hệ máy bay tiếp theo của Airbus và Boeing như A320neo và 737MAX giúp các hãng bay tiết kiệm tiền. Dù vậy, các mẫu này cũng yêu cầu hãng hàng không phải thực hiện cam kết tài chính lớn.

Mẫu 737MAX 7 có giá niêm yết 90 triệu USD, trong khi 777-9X thân rộng có giá 400 triệu USD. Mẫu A319neo phổ thông của Airbus có giá 98,5 triệu USD, trong khi loại cao cấp A350-1000 hai lối đi được niêm yết giá 355,7 triệu USD. Ngay cả khi được mua với mức giảm giá chung thường thấy cho nhiều hợp đồng lớn, việc mua mới máy bay cũng có thể "ngốn" của các hãng hàng tỷ USD.

Không may cho các nhà sản xuất tàu bay, ở mức 46 USD/thùng, dầu thô hiện rẻ hơn nhiều năm trở lại đây. Đa số báo cáo tài chính của các khách hàng Airbus và Boeing đều cho thấy mức giảm 40% đến 50% chi phí nhiên liệu, nhiều hơn so với mức tiết kiệm 20% nhiên liệu của các mẫu máy bay.

Vì thế, khách hàng ngần ngại khi đặt mua tàu bay thế hệ mới đắt tiền và hiệu quả hơn, tập trung dùng thế hệ tàu bay như Boeing 737NG hay Airbus A330. Tháng trước, Southwest Airlines, khách mua Boeing 737 lớn nhất và quan trọng nhất, lùi giao dịch mua bán 67 chiếc 737 MAX xuống sáu năm, giúp hãng hoãn chi 1,9 tỷ USD.

“Với mức nhiên liệu hiện tại, mẫu 737NG hoàn toàn tiết kiệm, Southwest Airlines nhìn thấy đường để tăng lợi nhuận và dòng tiền của mình thêm vài tỷ USD”, nhà phân tích hàng không Vinay Bhaskara nhận định.

Airbus dường như cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Mẫu máy bay hiện thời A330ceo đang bán chạy hơn thế hệ mới A330neo, với doanh số lần lượt là 24 và 14 chiếc.

Bùng nổ doanh số

Thêm vào khó khăn gây ra bởi nhiên liệu giá rẻ, hãng Airbus và Boeing cũng có thể là nạn nhân cho sự thành công của chính họ.

Vài năm qua, đội ngũ sale của Airbus và Boeing liên tục ghi nhiều kỷ lục bán hàng. Kết quả là: Airbus hiện có 6.716 máy bay tồn đọng trong các đơn hàng, còn Boeing tồn đọng 5.693 máy bay. Ngay cả khi cả hai hãng đang đẩy việc giao hàng lên kỷ lục, lần lượt là 635 và 762 chiếc trong năm 2015, khách hàng của họ vẫn phải xếp hàng chờ đợi.

Dựa theo tốc độ giao hàng năm ngoái, Boeing sẽ mất 7,5 năm còn Airbus thì tốn hơn một thập niên để hoàn thành đủ số máy bay trên. Các hãng hàng không ngày càng do dự hơn trong việc chi tiền cho tàu bay mới, vốn phải mất cả thập kỷ mới đến tay. Ngoài ra, hãng bay còn phải đối mặt rủi ro trong việc chứng kiến thị trường, nền kinh tế và nhu cầu dịch vụ thay đổi chóng mặt trong lúc chờ được giao hàng.

Dù Airbus và Boeing vẫn có thể có đơn hàng mới tại triển lãm hàng không Farnborough Air Show 2016, giới chuyên gia cho rằng không nên kỳ vọng các thương vụ mua bán 100 máy bay sẽ xuất hiện thường xuyên trong vài năm tới.

Ý kiến của bạn

Bình luận