Một chiếc xe máy đều có hai chiếc chân chống, một để chống đứng và một để chống nghiêng. Chân chống đứng gồm 2 chân cân bằng giúp bạn có thể “dựng” xe lên để chằng, buộc hàng hóa. Loại chân chống này giúp xe “đứng” thẳng nên xe khó đổ và tiết kiệm diện tích hơn khi để xe. Tuy nhiên, chân chống đứng chỉ dùng trong một vài trường hợp vì khá bất tiện và tốn sức.
Vì thế, một chiếc xe máy thông thường có thêm một chân chống nghiêng, được bố trí ở phía bên trái xe. Người dùng sử dụng nó hằng ngày nhưng rất ít người giải thích được tường tận là vì sao nó lại được lắp đặt ở phía bên trái.
Bản thân ngay từ khi ra đời, chân chống xe máy đã được đặt ở phía trái ngay phía dưới tay lái. Chi tiết rất nhỏ nhưng vô cùng hữu dụng trên xe máy này được phát minh bởi Alfred Berruyer vào năm 1869. Có hai câu trả lời khi lí giải tại sao người ta lại bố trí chân chống phía bên trái. Đó là kỹ thuật và thói quen sử dụng.
Về mặt kỹ thuật, khi xe tay ga chưa ra đời, những chiếc xe số luôn có bàn đạp phanh sau ở bên phải. Chân chống ở bên trái có thể giúp hai bộ phận phanh và chân chống hoạt động độc lập.
Thêm vào đó, do hộp số ở bên trái, khi chuẩn bị chạy xe, người sử dụng sẽ dùng chân phải làm trụ, chân trái gạt chống rồi đạp số. Do đó nếu chân chống đặt ở bên phải, người điều khiển xe sẽ phải tốn thao tác hơn khi dùng chân phải gạt chống, dùng chân phải làm trụ, rồi mới dùng chân trái đạp số.
Về thói quen sử dụng, theo nhiều tài liệu, chân chống xe máy ở bên trái xuất phát thói quen thuận bên phải của con người. Bạn có thể thấy, hầu hết chúng ta đều thuận bên phải nên khi dừng xe lại, để xuống xe, đa số đều đưa chân phải lên cao, xoay người theo hướng chiều kim đồng hồ.
Tương tự như khi lên xe, chúng ta cũng đưa chân phải lên và quay người ngược chiều kim đồng hồ để ngồi lên xe. Vì thế, thiết kế chân chống bên trái là giúp người điều khiển xe có thể dễ dàng xoay người khi lên và xuống xe.
Để xác minh điều này, bạn có thể thử làm ngược lại khi lên và xuống xe: dùng chân phải làm trụ, chân trái đưa cao và xoay người qua bên phải, như vậy sẽ rất khó để giữ thăng bằng cho cơ thể. Điều này được áp dụng từ xe đạp cho đến xe máy.
Cũng có tài liệu cho rằng do thói quen lên ngựa, xuống ngựa bên trái của người Anh mà sau này khi xe máy ra đời, chân chống cũng được thiết kế bên trái để chúng ta bước lên và bước xuống ở phía bên trái xe. Tuy nhiên, ý kiến này không hoàn toàn có tính thuyết phục.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.